Các chúa Nguyễn với việc bảo vệ lãnh hải

15/02/2022 08:15 120

Nước ta có bề dày lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước gắn liền với sông nước, biển đảo. Do đó cùng với quá trình chinh phục biển cả là chính sách.

Là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á, đất nước Việt Nam chúng ta có bề dày lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước gắn liền với quá trình chinh phục và chế ngự sông nước, biển đảo. Đồng thời, trong đời sống kinh tế, xã hội của người Việt từ bao đời nay, biển giữ một vai trò quan trọng. Không chỉ mang lại nguồn sống, biển còn ảnh hưởng đến diễn trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, đến đời sống văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của người Việt.

Những di chỉ “vỏ sò” hay “cồn sò điệp” trong các nền văn hóa cổ như: Văn hóa Quỳnh Văn, Bàu Tró, Hạ Long… là những dấu tích chứng minh rằng, biển cả là nơi cung cấp nguồn sống chủ yếu cho các cộng đồng người tiền sử cư trú ở ven biển Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Chính vì thế, cùng với quá trình chung sống, khai thác và chinh phục biển là quá trình xác lập chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của các thế hệ cha ông ta. Trong đó, các chúa Nguyễn từ giữa thế kỷ 17 đã có những chính sách đặc biệt để bảo vệ lãnh hải.

Tượng đài và khu nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi

Theo các tư liệu chính sử, vào giữa thế kỷ thứ 16, trong bối cảnh cuộc phân tranh quyền lực, cướp ngôi vua, giành ngôi chúa diễn ra căng thẳng và khốc liệt giữa họ Mạc - Nhà Lê, Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, đã vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. Cũng bắt đầu từ đó mở ra thời đại các chúa Nguyễn Đàng Trong.

Trong những năm thống lĩnh vùng Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng vừa lo chống lại những cuộc chinh phạt của Lê - Trịnh từ Đàng ngoài, lại vừa lo củng cố quyền lực và mở nước về phương Nam. Vì thế tầm nhìn hướng biển của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng còn đôi phần hạn hẹp. Nhưng người kế vị ông, chúa Nguyễn Phúc Nguyên, không chỉ kế tục xuất sắc hai hướng hành động của Chúa cha, mà còn vượt lên bằng tầm nhìn hướng biển mang tính chiến lược.

TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học cho biết, trong gần 220 năm của ba thế kỷ XVI đến XVIII, các chúa Nguyễn đã xây dựng chính quyền Đàng Trong từng bước vững mạnh. Đặc biệt, các chúa Nguyễn đã chủ động thực thi những phương thức hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó chú trọng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có những chính sách nổi bật  thể hiện tầm nhìn hướng biển như thực thi nhiều chính sách không chỉ chú trọng khai thác biển mà còn khẳng định chủ quyền và bảo vệ vùng lãnh hải. Ví dụ như cử những đoàn thuyền vượt biển đi giao lưu, buôn bán với các quốc gia láng giềng Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, thành lập Đội Hoàng Sa và Bắc Hải để khai thác nguồn lợi hải sản, đo đạc hải trình, xác lập chủ quyền của Tổ quốc trên những vùng biển xa xôi.

Sách "Phủ biên tạp lục" của nhà bác học Lê Quý Đôn đã xác nhận một sự thực: “Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã Yên Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng Giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người sáu tháng lương... Họ Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn lấy người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn lấy người làng Cảnh Dương, lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Quan địa phương cấp phát phó từ và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm công tác. Nhà nước sai chức cai đội Hoàng Sa kiêm lãnh quản đốc đội Bắc Hải này”. Ngoài ra, nhiều tấm bản đồ trong “Phủ biên tạp lục” do sử gia Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776 đã mô tả tỉ mỉ địa lý, tài nguyên ở Hoàng Sa và Trường Sa, công việc khai thác của chúa Nguyễn đối với 2 quần đảo này.

Thẻ tre, linh vị, chiếu cói và các hiện vật của binh phu Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được trưng bày tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, lãnh thổ được mở thêm về phương Nam, cùng với đất liền là vùng Gia Định (Sài Gòn ngày nay), chúa còn xác định chủ quyền của đất nước, đánh đuổi quân Anh để bảo vệ lãnh hải xung quanh vùng Côn Đảo. Trong Đại Nam Thực lục, tập I, phần Tiền biên có ghi về sự kiện quan trọng này. Từ đó trở về sau, thực dân Anh mặc dù ở gần đó do đang thống trị Ma-lai-xi-a, nhưng không dám bén mảng vì đất này đã có chủ.

Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu còn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với cương vực nước ta. Tháng 8 năm Mậu Tý, 1708, Mạc Cửu dâng nộp mảnh đất Hà Tiên mà ông đã có công khai phá cho chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn trọng dụng, phong cho ông làm Tổng binh Trấn Hà Tiên. Mùa hạ, tháng 4 năm Tân Mão, 1711, Tổng binh Trấn Hà Tiên Mạc Cửu đến cửa Chúa tạ ơn và được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên hậu thưởng. Cùng mùa hạ năm đó, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai cho lính ra đảo Trường Sa đo đạc, vẽ bản đồ

Rõ ràng, từ chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đặc biệt dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, tầm nhìn hướng biển mang tính chiến lược có sự phát triển liên tục, khẳng định chủ quyền đất nước trên các đảo gần bờ và đặc biệt là hai quần đảo ngoài khơi xa Hoàng Sa và Trường Sa. Tầm nhìn hướng biển đó vẫn được tiếp tục dưới thời các chúa Nguyễn tiếp theo và đặc biệt được nâng cấp khi thành lập Vương triều Nguyễn năm 1802, bắt đầu từ Gia Long và tiếp nối mạnh mẽ hơn về sau này.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/cac-chua-nguyen-voi-viec-bao-ve-lanh-hai-32480.vov2