Đã kết nối cầu Vàm Cống, vị trí đặt trạm BOT T2 phải tính lại
Trước đó, trong năm ngoái, Trạm BOT T2 cũng đã liên tục xảy ra tình trạng tài xế không đồng tình việc mua vé qua trạm.
Mấy ngày nay, Người dân đồng bằng Châu thổ quá vui mừng khi Cầu Vàm Cống – cây cầu dây văng thứ hai bắt qua sông Hậu đã chính thức thông xe.
Nói như lời ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, cây cầu này đáp ứng mong mỏi bao đời của người dân Miền Tây, kết nối khu vực Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên.
Thế nhưng, niềm vui thông xe cầu Vàm Cống vẫn còn đó thì nỗi bức xúc của người dân đối với Trạm thu phí BOT T2 trên Quốc lộ 91 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) lại một lần nữa quay trở lại.
Trưa ngày 21/5, tức chỉ 2 ngày sau khi khánh thành cầu Vàm Cống, một số tài xế xe tải khi qua trạm thu phí này đã đồng loạt dừng xe tại 3 làn thu phí, không chịu mua vé qua trạm khiến giao thông tại khu vực này bị ùn ứ nhiều giờ liền.
Các chủ phương tiện cho rằng trạm này thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT nâng cấp, mở rộng QL91 và 91B nhưng vị trí đặt trạm lại "quá hiểm". Các phương tiện từ Kiên Giang hay TPHCM, Đồng Tháp... chỉ đi trên tuyến quốc lộ 80, qua cầu Vàm Cống đến An Giang, nhưng lại phải trả phí cho trạm BOT T2. Nhiều tài xế đưa ra lý do không đồng tình khi mua vé qua trạm BOT này là bởi họ chỉ sử dụng đoạn đường chưa tới 300 mét mà phải trả tiền vé cho cả tuyến đường. Họ cho rằng thiếu sự công bằng.
Trước đó, trong năm ngoái, Trạm BOT T2 cũng đã liên tục xảy ra tình trạng tài xế không đồng tình việc mua vé qua trạm. Tình trạng này khiến QL91, đoạn qua Trạm BOT T2 thường xuyên bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng khiến đơn vị quản lý phải xả trạm để thông xe, giảm ùn tắc.
Còn nhớ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang vào tháng 12 - 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương kiểm tra, đánh giá để có đề án đặt Trạm BOT T2 sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, đến nay, Cầu Vàm Cống đã khánh thành và đi vào hoạt động. Thế mà chỉ đạo này của Thủ tướng vẫn chưa được tuân thủ thực hiện một cách nghiêm túc.
Có thể nói, việc nhiều người dân, tài xế liên tục phản đối khi đi qua trạm thu phí BOT T2 này có thể chưa phải là kết thúc nếu như những yêu cầu, đòi hỏi nghiêm túc của người dân chưa được giải quyết thấu tình, đạt lý.
Tại ĐBSCL, trong thời gian gần đây, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo mà trước đó, nhà nước đã đầu tư cơ bản. Cho đến khi trạm thu phí mọc lên, người dân được đưa vào tình thế là không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí.
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, các hợp đồng BOT dường như nghiêng về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư; chưa có cơ chế nào giải quyết bức xúc, rủi ro của người dân và xã hội.
Đối với trạm thu phí BOT T2, người dân sẽ “tâm tư” như thế nào khi chỉ đi khoảng 300 mét trong tổng chiều dài gần 30 km của Quốc lộ 91 và tuyến Quốc lộ 91B với tổng chiều dài gần 16 km mà phải trả phí cho toàn tuyến đường. Câu hỏi này rất cần có lời giải đáp thỏa đáng để lòng dân được yên./.
Có thể bạn thích
-
Triển lãm đồ họa mở Đồng Vọng: kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại
-
Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay
-
Bắc Giang đổi mới trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
-
"Hồ nước màu xanh lá mạ": Cuộc phiêu lưu ly kỳ (Phần 1)
-
Truyện "Chuyện kể về cây hoa báo xuân"