Lễ hội cầu ngư - Nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của ngư dân Phú Yên

14/08/2023 08:08 123

Lễ hội cầu ngư - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - lễ hội độc đáo của ngư dân các làng chài ven biển ở khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt là Phú Yên luôn đ...

Lễ hội cầu ngư có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân các làng chài ven biển ở khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt là Phú Yên. Lễ hội được thể hiện qua các nghi lễ đặc sắc và loại hình diễn xướng dân gian phong phú.

Lăng Ông tại khu phố Phú Thọ 2, phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, một trong những nơi thờ ngọc cốt Cá Ông Nam Hải.

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp từ ngày 11 đến ngày rằm tháng 6 âm lịch, người dân ở khu phố Phú Thọ 2, phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên lại nô nức chuẩn bị cho Lễ hội Cầu Ngư. Theo ông Đỗ Thảo, một ngư dân có thâm niên bám biển ở khu phố cho biết, chẳng biết lễ hội này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là lễ hội mang đậm đà nét đẹp văn hóa dân gian, đồng thời là ‘món ăn tinh thần’ không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của ngư dân, những người gắn chặt cuộc đời mình với biển khơi mênh mông.

“Tôi làm nghề biển mấy chục năm rồi, nay ngoài 70 rồi nên mới nghỉ, không đi biển nữa. Nhưng lễ hội cầu ngư thì chưa bao giờ bỏ vì đây là lễ hội rất có ý nghĩa với dân biển chúng tôi. Lễ cầu ngư để cầu khấn Ông Nam Hải phù hộ cho những chuyến đi biển trời yên biển lặng, thuyền đầy cá tôm, cuộc sống hạnh phúc”- lão ngư Đỗ Thảo cho biết.

Theo ông Trần Văn Sáng, Lạch Trưởng Lạch Ngư nghiệp Phú Thọ 2, Lễ hội cầu ngư gắn liền với tín ngưỡng thờ Cá Ông Nam Hải đã có từ xa xưa. “Ông” là tên gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho một loài cá được thiêng hóa, trong đó ở một số nơi Cá Ông là cá voi. Theo quan niệm của ngư dân, cá Ông Nam Hải là vị thần giúp con người vượt qua hiểm nguy khi lênh đênh trên biển cả. Vì vậy, Ông được tôn thờ và có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của ngư dân. Ông Trần Văn Sáng cho biết lễ hội cầu ngư ở lạch Phú Thọ 2 bao giờ cũng được tổ chức một cách long trọng trong 3-5 ngày.

Ban Lạch Ngư nghiệp khu phố Phú Thọ 2 chuẩn bị lễ Nghinh Ông

Chiều ngày thứ nhất (thường là ngày 11/6 âm lịch) Ban lạch làm lễ rước Ông sanh (tức lễ nghinh Ông). Ngư dân đưa kiệu ra cửa biển, lên tàu theo hướng tốt (được lựa chọn căn cứ theo từng năm) để rước Ông và các thủy thần về dinh lăng an vị. Sáng sớm ngày thứ hai, lễ hội được tiếp tục với các lễ cúng yết, dâng lễ vật, dâng trầu, dâng rượu. Buổi trưa đến chiều tối là thời gian tổ chức lễ cúng khai tiên, múa siêu, rước sắc, đọc văn tế, hát án…. Những ngày tiếp sau đó sẽ là phần hội gồm các hình thức diễn xướng trò chơi dân gian như: Hát bả trạo, hát bài chòi, đua thuyền, lắc thúng, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền và những hoạt động văn nghệ quần chúng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của bà con về dự lễ hội. Đặc biệt, trong Lễ hội cầu ngư không thể thiếu loại hình nghệ thuật truyền thống hát bội.

Hát án trong lễ khai tiên trong lễ cầu ngư tại Lăng Ông khu phố Phú Thọ 2, phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, Phú Yên

Tín ngưỡng thờ cá Ông và lễ hội cầu ngư gắn liền với Lăng Ông. Dọc các địa phương ven biển tỉnh Phú Yên hiện còn 41 Lăng Ông. Nơi nào có Lăng Ông thì nơi đó đều tổ chức lễ hội cầu ngư hàng năm. Lăng Ông mang dáng dấp của một ngôi đình, thường được xây gần sông, biển và quay về hướng đông. Tổng thể lăng thường chia làm ba phần, phần trước là võ ca (sân khấu). Phần giữa là chánh điện thờ ngọc cốt cá Ông, bài vị các vị thủy thần, tiền hiền, hậu hiền. Phần nhà sau dùng làm nơi hội họp và tiếp khách. Phía trước sân lăng có bình phong đắp nổi hoa văn long, ly, quy, phụng. Ngoài cổng có hai trụ biểu, một số nơi có tường bao quanh. Các dấu tích kiến trúc và hiện vật, tư liệu như tượng cổ, bài vị, sắc phong… cho thấy Lăng Ông ở khu phố Phú Thọ 2 được được xây dựng từ rất lâu đời, đến thời Nhà Nguyễn đầu thế kỷ 19 được tôn tạo tu sửa và ban sắc phong. Qua thời gian và trải qua chiến tranh, lăng cũng bị xuống cấp. Mấy năm gần đây, bà con trong khu hưng công xây lại khang trang, trở thành điểm tựa tâm linh của ngư dân trong vùng.

Trước ngày diễn ra lễ cầu ngư, người dân trong khu phố dù làm nghề biển hay không còn làm nghề đều nghiêm cẩn và rộn ràng chuẩn bị các vật phẩm để dâng cúng Cá Ông Nam Hải. Cùng với đó là tham gia các diễn xướng hát bội, hát bài chòi. Mỗi năm được hòa mình vào không khí lễ hội khiến ai ai cũng cảm thấy lạc quan hơn trong cuộc sống vì tin rằng Cá Ông Nam Hải sẽ phù hộ cho dân làng.

Cùng với các nghi lễ đươc tổ chức nghiêm cẩn, lễ hội cầu ngư còn là những ngày hội tại bãi biển trong các buổi tối của người dân ở khu phố Phú Thọ 2 và các vùng lân cận. Trong ảnh người dân đang xem hát bài chòi tại bãi biển tối ngày 29/7/2023 ( ngày 12/6 âm lịch)

Lễ hội cầu ngư ở Phú Yên nói riêng, các vùng biển nói chung không những làm tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng, mà còn củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho những ngư dân ngày đêm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với những giá trị và ý nghĩa thiêng liêng, Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/le-hoi-cau-ngu-net-sinh-hoat-van-hoa-tam-linh-cua-ngu-dan-phu-yen-44008.vov2