Tiến sĩ Lý Trần Thản - Thầy giáo của Chúa Trịnh
Lịch sử nước nhà ghi nhận 2 nhân vật lỗi lạc là thầy dạy của Vua và Chúa, đó là Chu Văn An - thầy dạy của Vua Trần Hiến Tông và Lý Trần Thản là người dạy c...
Tiến sĩ Lý Trần Thản sinh năm 1721, mất năm 1776. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Cha ông là Đặng Công Diễm và ông nội là Đặng Công Toản cũng là Tiến sĩ thời Hậu Lê.
Tại sao cha và ông nội họ Đặng mà Lý Trần Thản lại mang họ Lý? Về điều này, nhà sử học Lê Văn Lan giải thích: Trong 2 lần thay đổi tính danh của dòng tộc từ gốc họ Trần sang Đặng Trần, rồi từ Đặng Trần sang thành Lý Trần thì ứng vào trường hợp cụ Lý Trần Thản. Cụ là hậu duệ của Đặng Trần, nhưng lại là khởi phát của việc ra đời dòng họ Lý Trần. Cho dù truân chuyên nhưng trong cả 2 lần thay đổi tính danh dòng họ thì 2 đặc điểm truyền thống nổi bật là: dòng họ cự tộc đại gia và văn hiến thi thư đều tụ lại được ở Lý Trần Thản. Cụ vừa là người kế thừa, vừa là người tinh kết, đồng thời còn nâng cao được các giá trị truyền thống dòng họ lên.
Bắt đầu con đường khoa cử từ sớm, năm 16 tuổi Lý Trần Thản đỗ Tam khoa, năm 22 tuổi đỗ Tam trường. Tuy nhiên, đây đều là những kỳ thi Trung khoa chứ chưa phải là Đại khoa. Đến khoa thi Kỷ Dậu năm 1769, khi 48 tuổi, ông thi đỗ Tiến sĩ, đồng khoa với anh trai là Lý Trần Dự.
Là nhà khoa bảng văn võ kiêm toàn nên ngay sau khi đỗ Tiến sĩ, Lý Trần Thản được chúa Trịnh Sâm bổ dụng giữ chức Hữu Tư giảng để cùng với Nguyễn Lệ (giữ chức Tả Tư giảng) dạy học cho con trai trưởng của Chúa là Trịnh Khải, về sau là chúa Đoan Nam Vương. Đây là vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời quan chức của ông và cũng để lý giải cho việc vì sao Lý Trần Thản được phối thờ ở ngôi đình thờ Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An, (Chu Văn An là người dạy cho Vua học, còn Lý Trần Thản là người dạy cho Chúa học).
Trong cuộc đời quan chức của mình, Lý Trần Thản được giao nhiều trọng trách như: Hữu tư giảng, Biên tu, Đốc lĩnh các đạo Hưng - Tuyên, làm nhiệm vụ tiễu phỉ; Thị lang bộ Hình, rồi Thượng thư bộ Hình, sau lại được tham dự việc trông coi biên soạn sách vở ở Viện Hàn lâm. Ông được ban 5 sắc, được tặng tước bá và phong là Đông các đại học sĩ, Kim tử vinh lộc đại phu, được truy tặng Trung lương đại vương, Trung đẳng phúc thần, tước Tuy quận công. Ông còn được phong tặng mỹ tự: “Đoan nhã, chính trực”. Ông là một trong những người được phong tặng nhiều chức, tước, phẩm, hàm nhất dưới thời phong kiến.
Bên cạnh việc đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong triều để lo việc nước, Tiến sĩ Lý Trần Thản cũng là một người giữ được nghĩa tinh với quê hương. Công trình mà ông đã xây dựng ở chính quê hương mình ngày nay vẫn còn và đó như một minh chứng cho tấm lòng của ông. TS sử học Nguyễn Hữu Tâm cho biết: Đọi Sơn, Duy Tiên, Nam Hà quê hương Tiến sĩ Lý Trần Thản là vùng đất “chiêm khê mùa thối” 6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay. (Vì vùng đó hay ngập lụt, hay phải chèo thuyền nên các cụ gọi là 6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay). Đến khi làm quan, Lý Trần Thản nhớ tới quê hương của mình đang sống trong cảnh lụt lội nên đã cho đắp đê, đào sông để tiêu nước, dẫn thủy nhập điền. Từ đó về sau mùa màng đều bội thu.
Khi ông mất, vì có công với làng xã nên Lý Trần Thản được phong làm Thành hoàng làng Lê Xá, và đình làng nơi thờ ông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/tien-si-ly-tran-than-thay-giao-cua-chua-trinh-30039.vov2