“6 quốc gia, 1 điểm đến": Du lịch Việt đón cơ hội vàng

29/10/2024 16:41 963

Sáng kiến ''6 quốc gia, một điểm đến'' được xem như hình thức visa Schengen của Đông Nam Á. Vậy, triển khai thị thực (Visa) chung sẽ tạo điều kiện ra sao c...

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 44-45 ở Lào mới đây, hai đã bên nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, trong đó có phối hợp với các nước liên quan triển khai thí điểm sáng kiến hợp tác du lịch "6 quốc gia, một điểm đến". Visa "6 quốc gia, một điểm đến" do Thái Lan đề xuất từ tháng 4 năm nay, để nước này và 5 quốc gia Đông Nam Á khác gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Myanmar thúc đẩy du lịch khu vực. Về cơ bản, thị thực chung sẽ cho phép công dân nước ngoài đến thăm 6 quốc gia bằng một thị thực duy nhất và di chuyển giữa các quốc gia này trong thời hạn thị thực. Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam cho rằng, đây là một sáng kiến mang tầm cỡ chiến lược, sẽ giúp cho ngành công nghiệp không khói của các nước Đông Nam Á nói chung và của Việt Nam nói riêng phát triển tăng tốc độ trong thời gian sắp tới.

“Tuy nhiên cũng sẽ gặp rất nhiều thách thức mà không chỉ ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á phải đối mặt. Các nước dùng chung thị thực đều là những đối thủ phát triển du lịch tiềm năng và có nhiều lợi thế hơn Việt Nam”, ông Vũ Văn Tuyên lưu ý.

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam

Trong 8 tháng đầu năm nay, khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam đạt gần 300 nghìn lượt khách, trong khi đó, khách du lịch Việt Nam sang Thái Lan lên tới hơn 700 nghìn lượt. Do đó, khi tham gia visa chung, Việt Nam có cơ hội trở thành một phần liên tục trong lịch trình khám phá của những du khách đó, giúp họ có được sự thuận lợi trong đi lại xuyên biên giới mà không bị rườm rà với thủ tục nhiều lần xin visa. Ông Vũ Văn Tuyên khẳng định, nếu sáng kiến này được nhất trí thông qua thì đây là đòn bẩy cho ngành du lịch của Việt Nam. Đúng là thách thức đối với Việt Nam không hề nhỏ, tuy nhiên, cơ hội ở đây thì lại vàng. Cơ hội ở đây là mùa du lịch của chúng ta chỉ có hai mùa đối với khách quốc tế, đó là từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Nếu như cơ hội này được thực hiện thì có thể tiếp cận được nhiều thị trường và nhiều lượng khách quốc tế khác đến để lấp cho chúng ta vào mùa thấp điểm.

Đến nay, Việt Nam mới miễn visa cho khoảng gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi con số này của Thái Lan đã gần chạm mốc 100. Chính vì thế, chúng ta cần triển khai nhanh chóng "6 quốc gia, 1 điểm đến", nhằm “rộng cửa” đón dòng khách lớn từ nhiều châu lục. Nếu không nhanh chóng triển khai thì sẽ bị chậm so với các nước trong khu vực. Ông Vũ Văn Tuyên cho rằng, nước ta đang có những thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Philippines. Đặc biệt nhất là trong thời gian vừa qua chúng ta có thị trường Ấn Độ. Thị trường Châu Âu thì ngoài Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada. Có hai thị trường không phải mới nhưng sẽ dồn dập vào Việt Nam. Đó là thị trường Mỹ và một số các thị trường như Dubai, Pakistan và những thị trường về khối A rập đang quan tâm rất nhiều đến Việt Nam. Đấy là những thị trường vừa truyền thống vừa tiềm năng để làm lợi thế cạnh tranh và chúng ta có thể tận dụng nguồn khách gián tiếp.

Cách đây 14 năm, Việt Nam đã từng nêu ý tưởng thực hiện loại visa "5 quốc gia, 1 điểm đến" giữa 5 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, nhưng vẫn chưa thể thực hiện, đây là một tiếc nuối với ngành du lịch nước nhà. Chính vì thế, việc thiết lập một khu vực thị thực chung ở Đông Nam Á sẽ tạo ra bước nhảy vọt trong việc cải thiện chính sách visa du lịch Việt Nam.

Chương trình “6 quốc gia, 1 điểm đến” cơ hội gia tăng một lượng lớn du khách quốc tế đến với VN Chương trình “6 quốc gia, 1 điểm đến” cơ hội gia tăng một lượng lớn du khách quốc tế đến với VN

Có thể nói, chương trình thị thực này sẽ mang lại lợi ích rất rõ ràng cho cả doanh nghiệp lẫn khách du lịch trong khối ASEAN. Trên thực tế, Thái Lan luôn là cửa ngõ mà nhiều khách du lịch quốc tế muốn tới. Do đó, nếu vào Thái Lan và được phép tự do đi các nước khác trong khối 6 nước này, chắc chắn nhiều du khách sẽ cân nhắc lựa chọn bởi kết nối đường bộ khá tốt tại đây. Điều này sẽ mở ra cơ hội gia tăng một lượng lớn du khách quốc tế đến với nước ta.

Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít, nhất là khi tính cạnh tranh sẽ tăng cao hơn rất nhiều, đòi hỏi ngành du lịch nước ta phải sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực để chủ động “đón” cơ hội này một cách hiệu quả. Bởi trong hành trình trải nghiệm cùng lúc nhiều nước trong khu vực như vậy, du khách tất nhiên sẽ có sự so sánh giữa các điểm đến, để từ đó lựa chọn điểm dừng chân lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Theo ông Vũ Văn Tuyên, cần tạo ra những bộ sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và nhấn mạnh được sự khác biệt trong văn hóa Việt Nam so với các nước trong khu vực. “Chúng ta đã có rất nhiều nhãn về du lịch, nhãn du lịch về bền vững, nhãn du lịch xanh, nhãn du lịch cộng đồng nhưng chưa có nhãn du lịch quốc gia. Đặc biệt trong nhãn du lịch đó chưa phân du lịch vùng miền. Ví dụ bây giờ có 6 vùng du lịch thì nên có các bản đồ du lịch và mỗi một vùng sẽ có một nhãn du lịch. Trong các nhãn du lịch đó có những bộ tiêu chí và bộ sản phẩm để khi khách du lịch đến từng vùng sẽ không thấy những sản phẩm của chúng ta lặp đi lặp lại. Ví dụ như đến Tây Bắc thì sản phẩm cũng giống như khi đến Đông Bắc. Nên chăng chúng ta có một cẩm nang và từ cái nhãn đó có những quy chuẩn để có thể triển khai và thực thi đúng với quy định của Việt Nam cũng như thích ứng được với các nước trong khu vực Đông Nam Á” - Ông Vũ Văn Tuyên đề xuất.

Sáng kiến du lịch ''6 quốc gia, 1 điểm đến'' chính là cơ hội để mở rộng nguồn khách, tăng trưởng du lịch, nhưng có nắm bắt và phát huy được cơ hội đó hay không… thì chỉ có thể phụ thuộc vào năng lực của chính chúng ta. Tuy nhiên, các vấn đề về công nghệ, hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực cũng là những điều phải tính toán khi tham gia khối thị thực chung.

Trong bối cảnh hiện nay, liên kết là xu thế tất yếu trong hoạt động du lịch. Việc áp dụng visa chung sẽ tạo điều kiện cho 6 nước Đông Nam Á trở thành một điểm đến chung, tạo ra sức hấp dẫn nhiều hơn so với từng quốc gia riêng lẻ, qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, sáng kiến này cũng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch thông suốt và thuận tiện, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung...

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/6-quoc-gia-1-diem-den-du-lich-viet-don-co-hoi-vang-50592.vov2