Áo ngũ thân có nên là quốc phục của Việt Nam?
Do chưa có quy định cụ thể nào về quốc phục nên chúng ta chưa đưa được bản sắc riêng của trang phục dân tộc đến bạn bè quốc tế.
Sáng 31/5, tại nghị trường Quốc hội, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đoàn Bình Định đã dành nửa thời gian cho phép phát biểu để nêu ý kiến về trang phục truyền thống áo dài ngũ thân. Do chưa có quy định quy định cụ thể nên chưa đưa được bản sắc riêng của trang phục dân tộc đến bạn bè quốc tế. Ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đang nhận được sự quan tâm, tranh cãi của dư luận
Chia sẻ với VOV2, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh đã rất tâm huyết và nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị cũng như tình yêu với văn hoá dân tộc qua trang phục truyền thống.
Đã từ rất lâu, việc sử dụng trang phục truyền thống, hướng tới hình thành một bộ quốc phục là mong muốn của các nhà nghiên cứu và quản lý văn hoá. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mới chỉ dừng lại ở việc bàn luận ở các hội thảo, hội nghị. Việc cụ thể hoá những ý tưởng này, biến ý tưởng thành những hành động trên thực tế, vì nhiều lý do, chưa đạt được kết quả mong muốn.
Từ những năm 1930, họa sĩ Cát Tường (1912-1946) khởi xướng cách tân áo ngũ thân nữ, mở đường cho áo dài hiện đại. Trước đây, vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam kín đáo trong tà áo ngũ thân rộng rãi, giản dị, thì nay vẻ đẹp ấy được bộc lộ cởi mở, mạnh bạo hơn nhờ một số cải tiến như: cổ mở rộng, tay ngắn, thân áo ôm sát ngực, tôn vinh đường cong cơ thể người phụ nữ. Bỏ cách may 5 thân. Kiểu dáng, chất liệu, mầu sắc, hoa văn trang trí của áo dài nữ bắt đầu đa dạng. Sự thay đổi này phù hợp với phong trào Âu hóa, tiếp thu văn minh phương Tây, cũng như phong trào đòi quyền bình đẳng của phụ nữ ở Việt Nam thời bấy giờ.
Qua gần một thế kỷ, áo dài nữ ngày nay vẫn không ngừng cách tân, trong khi đó, áo ngũ thân cho nam giới Việt gần như rút lui khỏi đời sống, thay vào đó là các kiểu áo cách tân không đúng lối may truyền thống.
Đã có những lần dự tiếp tân ở nước ngoài, khi chủ nhà đề xuất những người dự tiệc sử dụng trang phục dân tộc của mình, nhiều quan khách đã rất lúng túng khi không biết mình sẽ phải mặc gì ngoài bộ veston vốn đã rất quen thuộc. Nhìn bạn bè quốc tế như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia… hãnh diện trong các bộ trang phục của họ, những người Việt Nam giàu lòng yêu nước đều cảm thấy mình còn thiếu 1 yếu tố quan trọng để tạo nên niềm tự hào dân tộc: bộ quốc phục. Đây cũng không phải lý do duy nhất. Trong những dịp lễ lạt truyền thống, việc có một bộ trang phục truyền thống chắc chắn sẽ khiến các lễ nghi trở nên trang trọng hơn, thể hiện thái độ thành kính hơn đối với tiền nhân. Bên cạnh đó, còn nhiều lý do thuyết phục khác để chúng ta thấy có sự cần thiết phải có một bộ trang phục truyền thống cho nam giới.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, người có nhiều năm nghiên cứu về trang phục truyền thống nhìn nhận: Giới trẻ hiện nay đang tiếp nhận trang phục truyền thống rất hào hứng. Trong rất nhiều gia đình hiện nay, nhiều bạn trẻ hiểu biết về âm nhạc, trang phục truyền thống hơn cả ông bà, cha mẹ. Không những chỉ tìm hiểu, nhiều bạn trẻ còn tự may, tạo dựng thương hiệu, kinh doanh trang phục ado ngũ thân và cổ phục khác. “Kinh doanh mặt hàng cổ phục hiện nay thuộc về những người trẻ. Những trang phục may đẹp, giữ được truyền thống phần lớn cũng do những người trẻ đảm nhận” - Họa sĩ Nguyễn Đức Bình khẳng định.
Tại kỳ họp Quốc hội trong khóa XIV, bà Trần Thị Quốc Khánh - (đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cũng đã đề xuất nam giới mặc áo dài. Lý giải điều này, bà Khánh cho rằng: “Khi đi tiếp xúc cử tri, mọi người hỏi đại biểu Quốc hội tại sao cứ bảo mặc lễ phục nhưng nữ thì được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc comple”. Bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 đang diễn ra, đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) cũng cho rằng mặc áo ngũ thân cũng là một ý kiến hay, cần nghiên cứu thực hiện vì đó cũng là cách để giữ gìn, bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có những ý kiến trái chiều liên quan đến việc sử dụng áo dài ngũ thân truyền thống trong công sở, ở các sự kiện văn hóa hay hoạt động ngoại giao. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc đồng tình hay phản đối đưa áo ngũ thân trở thành quốc phục đều có những lý do hợp lý. Theo ông Sơn, trang phục là để phục vụ công việc chứ ít khi ngược lại, công việc để phục vụ trang phục. Chính vì thế, việc ăn mặc cần phải làm sao cho thuận tiện nhất cho công việc mình làm.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó ghi rõ tại Điều 6, Lễ phục của nam cán bộ, công chức.
Khi người dân cảm thấy có nhu cầu, được hưởng lợi từ việc sử dụng các trang phục truyền thống thì ý tưởng sẽ đi vào thực tế và bền vững. Thời gian sẽ là thước đo tốt nhất cho mọi thử nghiệm sáng tạo. Cùng với đó, việc giải quyết hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng trang phục truyền thống cũng nên được các cơ quan chức năng cân nhắc để mỗi kỳ cuộc quan trọng trong ngoại giao hoặc văn hóa, quốc phục sẽ để lại ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế, qua đó cũng quảng bá được hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam.
PGS .TS Bùi Hoài Sơn cũng bày tỏ quan điểm: Truyền thống không có nghĩa là gìn giữ đống tro mà là truyền tiếp ngọn lửa. “Việc phục dựng nguyên những bộ trang phục truyền thống sẵn có chắc chắn không phải là giải pháp tốt để hình thành trang phục công sở đầy năng động và bận rộn hiện nay. Chính vì thế, chúng ta sẽ cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để làm sao có sự cải biên cho phù hợp, đưa được tinh thần của trang phục truyền thống trong trang phục công sở, để tình yêu quê hương, đất nước được thể hiện một cách bình dị nhất nhưng cũng trang trọng nhất”.
Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/ao-ngu-than-co-nen-la-quoc-phuc-cua-viet-nam-42482.vov2
Có thể bạn thích
-
Đi tìm người sẽ đi cùng mình đến cùng trời cuối đất
-
Pháp công bố chương trình chống bạo lực học đường
-
Chứng khoán Mỹ: phố Wall trượt trong sắc đỏ nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn đủ mạnh
-
Bảo hiểm xã hội số - Đẩy mạnh tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia
-
Trung Quốc thúc đẩy xây dựng lòng tin với hai nước láng giềng Đông Bắc Á