Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu – Ngôi sao “kép” trên bầu trời nhân loại

04/07/2022 13:59 477

Bị mù cả hai mắt vẫn tự học để trở thành nhà giáo, thầy thuốc và nhà thơ yêu nước, Nguyễn Đình Chiểu đã được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới...

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng của thế kỷ 19, được coi là một nhà thơ - nhà văn lớn của dân tộc đã đóng góp rất nhiều tác phẩm có giá trị vào kho tàng văn học Việt Nam. Ông được nhân dân khâm phục cả về tài năng và ý chí vươn lên, trở thành một biểu tượng cho tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.  Cụ Đồ Chiểu cùng với những nhà thơ yêu nước như Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Thông… đã cấu thành một nền văn học kháng chiến đầu tiên của lịch sử cận đại.

Với những cống hiến và tầm ảnh hưởng rộng lớn của Nguyễn Đình Chiểu, tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris, Pháp, đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Sau khi được UNESCO thông qua Nghị quyết tôn vinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức các hoạt động với mục tiêu thực hiện đúng các hoạt động cam kết với UNESCO nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 30/6, tại di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre diễn ra lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 30 năm ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre với quy mô quốc tế.

Một góc khu lưu niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri - Bến Tre    Ảnh: thegioidisan

Ngược dòng tìm về tư liệu lịch sử, Nguyễn Đình Chiểu (hay còn được gọi là Cụ đồ Chiểu), tự là Mạch Trạch, Hiệu là Trọng Phủ Hối Trai, ông sinh ngày 13/5 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 1/7/1822) tại Làng Tân Thới, Phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, Tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) trong một gia đình nhà nho hiếu học. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, một vị quan được triều đình cử vào công cán tại Dinh Tổng trấn Gia Định.

Là con trai cả trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Đình Chiểu đã rất thông minh và chăm chỉ. Năm 12 tuổi, vì thời thế loạn lạc ông được cha gửi ra Huế để học tập và sinh sống. Đến năm 19 tuổi ông quay lại Gia Định và tiếp tục sự nghiệp học tập của mình, ba năm sau đó (1843) ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định.

Năm 1847, ông trở lại Huế để tiếp tục “dùi mài kinh sử” chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Chưa kịp thi thì nhận được tin mẹ mất nên ông quyết định bỏ thi để về quê chịu tang mẹ. Trên đường đi, vì quá đau buồn nên ông đã khóc rất nhiều, thêm nữa vì đường xá xa xôi, thời tiết thất thường, ông đã bị ốm nặng và bị mù cả đôi mắt. Mặc dù đã được một vị danh y hết sức cứu chữa nhưng vẫn không khỏi được. Trong thời gian chữa bệnh, ông cũng đã được vị danh y này truyền dạy nghề thuốc.

Sau khi về quê chịu tang mẹ một thời gian, năm 1851 ông gạt bỏ mọi khó khăn, vực dậy mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Là một người vừa tài năng vừa đức độ nên danh tiếng của ông vang khắp lục tỉnh. GS TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, người trực tiếp xây dựng hồ sơ Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu để trình UNESCO  nhận định: “Nói đến Nguyễn Đình Chiểu là phải nói đến một người vượt lên số phận đầy trắc trở. Nguyễn Đình Chiểu với phẩm giá đầu tiên là một con người tự học theo đúng tiêu chí của Unesco, khuyến khích con người phải học tập suốt đời. Nhưng với Nguyễn Đình Chiểu thì phải nói là đấy là hai lần gương sáng. Gương sáng thứ nhất là tự học, nêu gương sáng gấp 2 lần là tự học trong một hoàn cảnh có thể tạm gọi là nghịch cảnh. Số phận như vậy nhưng vẫn kiên quyết là tự học.”

GS TS Nguyễn Chí Bền trò chuyện cùng phóng viên VOV2 về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

Sinh sống trong giai đoạn đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, Nguyễn Đình Chiểu là người có tư tưởng chống thực dân hóa. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mặc dù không trực tiếp ra chiến trường nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia vào những phong trào yêu nước, bàn mưu tính kế chống giặc. Ngoài ra, ông còn tích cực sáng tác những bài thơ phục vụ cho kháng chiến, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta. Sau khi 6 tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay giặc, ông chạy về quê vợ ở Cần Giuộc, sau đó di dời về Ba Tri – Bến Tre. Tại đây ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc và sáng tác phục vụ nhân dân. GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người có nhiều công trình nghiên cứu về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu cho rằng, không chỉ là tấm gương sáng về nghị lực phi thường, ông còn có nhiều đóng góp cho kho tàng văn hóa nước nhà: “Khí phách Việt Nam được Cụ thể hiện rất rõ không chỉ trong văn chương mà còn cả trong nhân cách, trong cuộc đời của cụ” - GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Về văn học, Nguyễn Đình Chiểu là người có nhiều đóng góp cả về tư tưởng sáng tác, quan niệm văn chương, thế giới nghệ thuật, hệ thống chủ đề, hình tượng văn học trung tâm, hệ thống thể loại và về cả ngôn ngữ văn học. “Có lẽ khó có ai sáng tác nhiều thể loại như Nguyễn Đình Chiểu. Riêng về thơ lục bát không ai bằng cụ. Tổng cộng tất cả 3 truyện thơ của cụ thì tính ra là khoảng hơn 9.000 câu thơ lục bát. Đấy là thể thơ thuần túy của Việt Nam không bị ảnh hưởng một chút nào của các thể thơ nước ngoài. Không những thế, những bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu là những trang thiên cổ hùng văn” - GS TS Từ Thị Loan nói.   

GS TS Từ Thị Loan phát biểu tại một cuộc nói chuyện chuyên đề về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Có lẽ cuộc đời gặp quá nhiều bất hạnh, cực khổ nên tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu luôn chứa đựng lý tưởng đạo đức nhân nghĩa, giá trị làm người. Từ đó khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân đồng thời ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, sẵn sàng hi sinh vì dân, vì nước. Hầu hết các tác phẩm chính của ông đều được sáng tác bằng chữ Nôm. Tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ nổi tiếng nhất của ông đó chính là tác phẩm “ Lục Vân Tiên” . Đây là tác phẩm rất ý nghĩa và đặc sắc mang đến cho người đọc biết bao bài học thấm thía về đạo lí, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Các tác phẩm văn chương cụ Đồ Chiểu cùng khí phách sáng ngời của ông đã được bạn bè quốc tế năm châu biết đến và mến mộ. Ngay từ thế kỷ 19, tác phẩm của cụ Đồ Chiểu đã vượt nửa vòng trái đất đến đất Pháp. Khi chiếm đóng Nam Kỳ, người Pháp quan tâm và biên dịch dù thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu mang tư tưởng chống thực dân xâm lăng. Họ quan tâm bởi các tác phẩm của ông có sức sống mãnh liệt trong lòng quần chúng nhân dân, diễn tả trung thực những tình cảm của cả một dân tộc. Năm 1864, tác phẩm "Lục Vân Tiên" đã được dịch sang tiếng Pháp với bản dịch của G. Aubaret. Năm 1873, "Lục Vân Tiên" tiếp tục được dịch sang tiếng Pháp với bản dịch của Janneau. Tiếp sau đó là các bản dịch của Abel des Michels (1883), E. Bajot (1886). Đến nay, số bản dịch tiếng Pháp của "Lục Vân Tiên" đã lên tới 7 bản.

Ngoài ra ông còn sáng tác một số tác phẩm phản ánh chân thực về thời kỳ đau thương của đất nước và tố cáo tội ác kẻ thù như: Chạy giặc, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,...Bên cạnh đó, Nguyễn Đình Chiểu còn nổi tiếng với một số tác phẩm ghi lại dấu ấn trong lòng độc giả như: Dương Từ Hà Mậu, 12 bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874), Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây….

Theo GS TS Nguyễn Chí Bền, dù ở cương vị Thầy giáo, Thầy thuốc hay nhà thơ, Nguyễn Đình Chiểu luôn được coi là một ngôi sao sáng. Và hơn hết, danh nhân Nguyễn Đình Chiểu hội tụ các phẩm cách của một nhà văn hóa với những triết lý sâu xa. Nguyễn Đình Chiểu không diễn ngôn mà gửi tất cả triết lý đó trong các tác phẩm, những nhân vật của mình: Từ “Lục Vân Tiên” đến “Ngư tiều ngư thuật vấn đáp” cho đến tất cả các bài thơ, bài điếu, văn tế rồi các sáng tác khác đều thể hiện một triết lý như trong hai câu thơ ở bài Thăng đạo “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Cụ thường xuyên nói đến nhân nghĩa, nói đến đạo nhà - GS.TS Nguyễn Chí Bền chia sẻ.

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là một trong số 6 danh nhân của Việt Nam được thế giới công nhận và là người khiếm thị duy nhất trong số đó. Cụ Đồ Chiểu là tấm gương người mù tự học tri thức, học nghề thuốc đông y để hành nghề cứu người, một nhà thơ, một người Thầy giáo, một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/danh-nhan-van-hoa-nguyen-dinh-chieu-ngoi-sao-kep-tren-bau-troi-nhan-loai-35972