Đền bà Tấm - nơi gắn liền tên tuổi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan
Đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan ở xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội còn được gọi là đền bà Tấm được xây dựng vào năm 1115, gắn liền với tên tuổi, cuộc đời và sự ng...
Dù đã qua nhiều lần trùng tu, đến nay đền bà Tấm vẫn giữ được vẻ nguyên sơ với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa nhà Lý, vừa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, vừa mang giá trị nghệ thuật cao.
Đền bà Tấm là cả một quần thể di tích gồm đền, chùa cùng nhiều bia ký và hiện vật điêu khắc đáng chú ý. Nằm ở phía tay trái, trước cửa đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan là đôi rồng chầu bằng đá phủ phục, với đường nét, chạm khắc hết sức tinh xảo. Theo ông Nguyễn Tuân, người cao tuổi ở xã Dương Xá thì đền bà Tấm từ xưa đã nổi tiếng là linh thiêng: "Ngày xưa ở dưới, cách đền khoảng 500m đã có bia hạ mã, thời kỳ Pháp thuộc trở về trước ai đi đến đấy cũng phải xuống ngựa, mé đằng trong cách đền này khoảng 500m cũng có bia hạ mã, tức là cả hai đầu, đến đây là nơi linh thiêng nên mọi người phải như thế. Đấy là quy định hồi bấy giờ là của nhà vua".
Đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có quy mô kiến trúc lớn gồm ba phần: Khu kiến trúc chính, gò cao với am thờ nhỏ và một ao tròn có nhà thuỷ đình mới được xây dựng vào những năm 90 của thế kỷ trước. Khu đền chính với qui mô kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc. Tiền tế là nếp nhà ngang ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì đỡ mái kết cấu "kiểu chồng rường hạ bẩy". Các cột sơn son vẽ rồng uốn lượn quanh thân gỗ. Các xà nách, câu đối trang trí đầu rồng đao lửa uốn gấp nhịp nhàng.
Các mô típ trang trí trên kiến trúc này được chạm nổi khối, thân mập khỏe khắn. Trong đó nhiều mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của thời nhà Lý. Theo ông Nguyễn Nhân Giáng, Ban quản lý di tích đền bà Tấm thì trong đền hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều đôi câu đối cổ. Với kiến trúc 72 cửa từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới với lối cung đình nhà Lý từ thế kỷ 11 đến nay vẫn được gìn giữ, bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng. "Trong đền hiện nay còn giữ được đôi câu đối cổ “Thập bát tử diêu phòng thế tại tam truyền chiêu lệnh tục/ Bách dư sở tự quán địa tối linh thanh" có nghĩa là đời nhà Lý thứ 3 kén được người con gái đẹp có đức có tài. Trên đất nước ta có 100 nơi thờ bà Nguyên phi Ỷ Lan nhưng đây chính là quê hương của bà rất là linh thiêng".
Trong hậu cung đền có tượng bà Tấm và sáu tượng nữ khác gọi là lục bộ. Gian ngoài có đặt một số đồ thờ và chiếc ngai, trên ngai có bài vị ghi "Lý triều đệ tam hoàng thái hậu" và một vài bia ký ở hai gian bên cạnh. Đặc biệt có bộ khám long đình rất đẹp mang niên đại thời Mạc. Năm 2010, tưởng nhớ công đức của bà, Ban quản lý di tích đã tôn trí tượng đài Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cao 9,1m, nặng 30 tấn được đúc bằng đồng nguyên chất. Chị Phùng Thị Điệp, cán bộ văn hóa xã Dương Xá cho biết, di tích cũng đã được sách Guinness vinh danh là ngôi đền cổ xưa nhất và bức tượng của bà ở khu tượng đài thì được vinh danh là tượng đồng lớn nhất Việt Nam, hai hiện vật là đôi sư tử đá và khám thờ thời Mạc đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tại khu di tích đền bà Tấm, xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội
Có thể nói, đền bà Tấm được xây dựng gắn liền với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Trong cuộc đời bà, có hai lần bà đứng ra nhiếp chính. Lần đầu là khi Vua Lý Thánh Tông đánh giặc phương Nam, lần thứ hai là khi Vua Lý Nhân Tông còn nhỏ tuổi. Trong hai lần nhiếp chính, Nguyên Phi Ỷ Lan đã để lại những dấu ấn quan trọng trong hoàng triều nhà Lý, giúp đất nước hưng thịnh, nhân tâm hoà hợp. Đặc biệt, ở lần nhiếp chính thứ hai, bà đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Tống xâm lược.
Đại tá Nguyễn Huy Toàn, nguyên chủ nhiệm bộ môn Lịch sử văn hóa tư tưởng quân sự, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: nói đến triều Lý vào cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12 không thể thiếu vai trò của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Xuất thân chỉ là một người phụ nữ nông dân nhưng khi vào cung nhờ chịu khó học tập, rèn luyện bà có một trình độ hiểu biết rất cao. Cho nên hai lần nhiếp chính đều thành công. "Một lần là vua đi đánh giặc, ở nhà thì lụt lội như thế, một lần thì vua còn bé giặc Tống lăm le xâm lược thì quả quyết cử những người chỉ huy tài giỏi để đánh giặc và cuối cùng là thắng giặc. Bà nhiếp chính tốt không những bảo đảm được yên hàn của dân ở địa phương mà tiếp sức cho người chồng của mình đi đánh giặc thành công".
Hoàng Thái hậu Ỷ Lan qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), được đặt tên thụy là Phù thánh Linh Nhân hoàng thái hậu. Từ một cô gái hái dâu nơi thôn dã, từ cuộc gặp gỡ xe duyên trời định, với tài năng, đức độ bà đã để lại cho hậu thế những bài học quý giá về đào tạo và sử dụng hiền tài, về trị quốc yên dân.
Theo ông Nguyễn Văn Thực, ban quản lý di tích đền thờ bà Tấm, không chỉ địa phương mà cả nước đều cảm ơn công đức của đức quốc mẫu Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Nhân dân địa phương đã xây dựng đền này để phụng thờ, còn gọi là đền bà Tấm là bởi thân thế, sự nghiệp của Ỷ Lan nguyên phi tựa giống như cô Tấm trong cổ tích Tấm Cám.
Ghi nhớ công ơn của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, người đời vẫn luôn truyền tụng về một “Bà Tấm” Ỷ Lan với tấm lòng thành kính. Tại nơi thờ tự Hoàng Thái hậu Ỷ Lan ở quê hương Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay, những câu chuyện về bà vẫn hàng ngày được người cao niên trong làng kể lại cho con cháu và du khách thập phương với một sự ngưỡng vọng, tự hào.
Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/den-ba-tam-noi-gan-lien-ten-tuoi-hoang-thai-hau-y-lan-37691.vov2