Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường của những kỳ tích
Nếu tuyến đường mòn Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại, một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, thì đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường của những kỳ...
Cách đây hơn 60 năm trong bối cảnh đất nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, trong khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì tại miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Địch ra sức đàn áp, khủng bố, thực hiện “tố cộng - diệt cộng”, đặt cách mạng miền Nam trước muôn vàn khó khăn, nguy hiểm.
Trước tình hình đó, ngày 13/01/1959, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Đặc biệt là chuẩn bị tâm thế cho cuộc kháng chiến lâu dài, chuyển từ bị truy lùng ráo riết sang chủ động tiến công địch cả về chính trị, quân sự.
Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bãi cọc tại bến K15, tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng - nơi xuất phát của đoàn tàu không số
Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược. Cùng với đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên nét đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường huyền thoại đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích” - Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, UV BCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (tổ chức ngày 19/10/2021 tại Hải Phòng)
Đường Hồ Chí Minh trên biển còn thể hiện sự linh hoạt của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tổ chức mở đường, xây dựng lực lượng, tuyển chọn nhân lực, chuẩn bị phương tiện, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, việc tổ chức các bến bãi, tiếp nhận và vận chuyển con người, vũ khí, lương thực thực phẩm kịp thời, nhanh chóng chi viện cho chiến trường miền Nam. Qua đó khẳng định ý chí sắt đá, quyết tâm thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng phân tích: Quá trình xây dựng, phát triển Đường Hồ Chí Minh trên biển trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với các thời kỳ phát triển của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua sóng to, gió lớn của biển cả, sự bao vây, lùng sục gắt gao, đánh phá ác liệt, của lực lượng hải quân, không quân Mỹ - ngụy được trang bị phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại của Mỹ, ngụy đến đích an toàn. Các “Đoàn tàu không số” rất mưu trí, sáng tạo tìm ra mọi phương thức vận chuyển hiệu quả, như: địch phong tỏa biển gần, đường trong - ta đi biển xa, đường ngoài; địch phong tỏa theo tuyến biển dài - ta đi phân đoạn; địch ngăn chặn tuyến này, bến này - ta mở ra tuyến khác, bến khác, tổ chức tiếp nhận, hoán cải phương tiện, kết hợp với ngụy trang, nghi binh, trà trộn vào các tàu, thuyền đánh cá của ngư dân, giữ bí mật, bất ngờ để vào bến nhanh, quay vòng tăng chuyến, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Linh hồn của con đường huyền thoại trên biển là những con tàu không số. Tại sao lại có tên gọi là “Đoàn tàu Không số”? Theo các cựu chiến binh của đoàn tàu không số cho biết, thực ra, tàu không số không phải vì không có số mà có rất nhiều số. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển.
Đại tá Bùi Tư, nguyên báo vụ tàu 676, nguyên chính ủy Vùng 1 Hải quân, một trong những cựu binh của đoàn tàu không số kể lại: "Trên tàu, mỗi người 1 vị trí không ai thay thế được ai cả. Mỗi người xác định rõ ràng, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng theo con đường, dù khó khăn nào cũng phải phấn đấu hoàn thành vì miền Nam đợi".
Đại tá Bùi Tư, nguyên báo vụ tàu 676, nguyên chính ủy Vùng 1 Hải quân, cựu chiến binh đoàn tàu không số trò chuyện cùng phóng viên VOV2
Tháng 10 năm 1962, chiếc tàu vỏ gỗ số hiệu 41 mang tên “Phương Đông 1” chở theo 30 tấn hàng hóa, vũ khí rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng đã vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, cập bến Vàm Lũng, Cà Mau an toàn. Tiếp nối thắng lợi đầu tiên, những chiếc tàu vỏ gỗ của Đoàn 759 tiếp tục vượt biển, cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, đi lẫn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương, mang theo nguồn chi viện quý báu của hậu phương miền Bắc đến với tiền tuyến miền Nam.
Ngày ấy, để giữ bí mật cho từng chuyến đi, những chuyến tàu Không số thường chọn lúc thời tiết sóng to gió lớn để ra khơi. Mỗi chuyến lênh đênh trên biển, phải cắt sự phát hiện và đeo bám của tàu địch là thêm những kinh nghiệm sống còn cho những lần đi sau. Bởi, vận tải chi viện cho miền Nam lúc bấy giờ bằng đường biển có nhiều ưu điểm: “Một chuyến tàu của chúng tôi đi bằng 1 trung đoàn bộ binh đi đường 559 (đường Trường Sơn) trong 3 tháng. Thứ 2 là chúng tôi có thể đến nơi mà đường bộ không tới được. Thứ 3 là tàu chúng tôi có thể mang những vũ khí hạng nặng mà đường bộ không chuyên chở được (ví dụ như thủy lôi chiến). Và thứ tư là thời gian đi ngắn, mỗi chuyến tàu chúng tôi đi chỉ trung bình khoảng 6 ngày, trong khi đường bộ mất 3 tháng” – Đại tá Bùi Tư chia sẻ.
Và thắng lợi của mỗi chuyến đi cũng vô hình vạn trạng. Theo đại tá Bùi Tư thì “thắng lợi cũng có nhiều kiểu, đưa hàng được vào bến là mục tiêu quan trọng nhất, nhưng mà không để tàu, không để vũ khí rơi vào tay địch, đấy cũng là thắng lợi, rồi các đồng chí còn sống đi theo đường bộ trở ra cũng là thắng lợi. Ai còn sống thì trở ra lại nhận tàu đi tiếp”.
Di tích K15 - Nơi xuất phát của đoàn tàu không số
Với sự mưu trí, gan dạ của các chiến sĩ hải quân trên những đoàn tàu không số, cùng với thời gian, con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển, với sự đồng lòng của lực lượng Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua đã tạo nên những kỳ tích. Trong suốt 14 năm (1961 - 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến Mỹ - ngụy; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.
Đền thờ Nam Hải tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng - nơi thờ các anh hùng liệt sĩ đoàn tàu không số
60 năm đã trôi qua, con đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Không những thế con đường còn thể hiện tình đoàn kết quốc tế chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
14 năm trong kháng chiến, từ năm 1961 đến năm 1975, tuyến vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần thống nhất đất nước. 60 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm về mở Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo hiện nay.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/duong-ho-chi-minh-tren-bien-con-duong-cua-nhung-ky-tich-30197.vov2