Giãn cách xã hội: 'Thời gian vàng' để đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông
Trong thời gian giãn cách xã hội, lưu lượng đi lại, tần suất khai thác hạ tầng giao thông giảm mạnh cũng là cơ hội để đẩy nhanh tiến độ
Khảo sát nhanh của phóng viên VOVGT cho thấy, thời gian vừa qua, thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, trong khi các hoạt động giao thông đã giảm hẳn về tần suất, thì việc thi công nhiều công trình, dự án trên địa bàn Hà Nội lại diễn ra khá sôi động, khẩn trương, từ việc hạ ngầm cống thoát nước, lát lại vỉa hè đến các công trình giao thông trọng điểm.
Cụ thể, tuyến Vành đai 2 trên cao Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy đã cơ bản hoàn thiện nhiều đoạn, trong đó đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng; dự án đường Nguyễn Xiển- Xa La; Dự án đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3; dự án duy tu đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dich- Cầu Thăng Long…
Tiến độ được đẩy nhanh hơn hẳn so với thi công trong điều kiện giao thông bình thường
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco 4 cho biết, thời điểm giãn cách xã hội, việc vận chuyển vật liệu, hàng hóa thuận lợi, nhân lực dồi dào, tổng công ty đảm bảo cung cấp vật tư, vật liệu, nhu yếu phẩm để cán bộ, công nhân yên tâm làm việc.
Theo ông Huỳnh, chỉ riêng dự án đường trên cao Mai Dịch – Nam Thăng Long, dù mặt bằng bàn giao bị chậm, song nhờ việc đẩy nhanh tiến độ thi công trong thời gian giãn cách xã hội nên dự án vẫn có thể hoàn thành vào ngày 30/9 như dự kiến:
"Ngày xưa buổi trưa thì cho công nhân về nghỉ trưa, ăn trưa, còn bây giờ đều phải ăn trưa và nghỉ tại chỗ để làm tiếp, không có đi vào, đi ra. Và lực lượng may là giai đoạn này mình chuẩn bị, huy động sẵn từ Tết ra quân cho nên không ảnh hưởng về nội dung huy động quân, quân không thất thoát, không đi được đâu cả bởi vì không có phương tiện để di chuyển".
Ông Phạm Hồng Sơn, Nguyên Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 - Bộ GTVT cũng cho rằng, việc thi công các công trình trọng điểm chủ yếu cơ giới hóa nên không lo ngại tiếp xúc đông người trong thời dịch bệnh. Theo ông Sơn, với những dự án sửa chữa công trình đang khai thác, việc giãn cách xã hội là thời điểm thuận lợi để tăng ca, tăng kíp, đẩy nhanh tiến độ thi công:
"Lúc này mật độ đi lại, mật đô máy bay lên xuống, điều kiện hoạt động trong sân bay thì vô cùng thuận lợi, phải nói là thuận lợi nhất, không còn lúc nào thuận lợi hơn được nữa, có lẽ cơ hội có một không hai".
Thi công công trình hạ tầng đường bộ đã có nhiều cái lợi hơn trong quãng thời gian này, nhưng đối với hàng không,những thuận lợi đó càng vượt trội. TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cũng cho rằng, khi tần suất máy bay cất, hạ cánh gần như rất ít, việc tranh thủ ít chuyến bay để sửa chữa đường bay, đường lăn, đặc biệt là nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất cần được tận dụng triệt để, cần được coi là “thời cơ vàng” để đảm bảo tiến độ thi công.
Bởi trước đây, trong một số ít trường hợp sửa chữa cấp thiết mà tần suất bay dày, ngành hàng không đã phải di chuyển một số máy bay sang sân bay gần nhất để đảm bảo tiến độ dự án:
"Một ngày bay như thế người ta chỉ tranh thu được từ 9h đêm chẳng hạn đến 4-5 giờ sáng thì anh làm, còn lại là bay. So với thời gian trải dài như bây giờ thì thời gian kéo dài như thế thì rõ ràng là thuận lợi cho thi công chứ".
Đồng tình quan điểm đó, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhấn mạnh thêm: với công trình mới, việc giãn cách xã hội còn là điều kiện để giám sát, kiểm soát chất lượng công trình, từ vật liệu đầu vào đến công nhân, kiểm soát quy trình. Còn đối với công trình đang khai thác, đây cũng là thời điểm tốt nhất để kiểm soát chất lượng thi công:
"Thí dụ nạo vét long sông chẳng hạn, thì lúc khô cạn là điều kiện tốt nhất. Cái đó vừa dễ làm vừa thi công mà kiểm soát được khối lượng. Nhưng chúng ta cứ mùa nước rồi mới làm. Ngay như các công trình giao thông, ngay lúc lưu lượng còn ít thì mình phân lưu lượng xe đi để tổ chức sửa chữa, thậm chí Quốc lộ 1 nếu cần sửa thì chia dọc ra mình sửa thì chính là mình khai thác trong bối cảnh hiện nay là nó đang xuất hiện những khó khăn như vậy, nhưng đồng thời từ những khó khăn ấy lại xuất hiện những tình huống mà mình giải quyết trong lúc này rất hiệu quả".
Đối với đông đảo người tham gia giao thông, việc lưu thông trên các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác, hoặc đang có công trình xây dựng đều ít nhiều gặp khó khăn, do ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Bởi vậy, nhiều người dân cũng mong muốn các đơn vị thi công tranh thủ quãng thời gian này để đẩy nhanh thiến độ các dự án, về đích sớm với chất lượng đảm bảo yêu cầu, nhằm giảm thiểu các phiền toái cho giao thông trong quá trình thi công xây dựng.
Giãn cách xã hội là thời cơ “vàng” để đẩy nhanh tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo hiệu quả đầu tư, nhưng cũng là một lý do rất hợp lý để các dự án chậm tiến độ nhằm xin được cấp thêm vốn, nếu cố tình
Giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 khó tránh khỏi những tác động đến các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội – trong đó có hoạt động giao thông vận tải. Nhưng vận động để trong “cái khó phải ló cái khôn”, hay cứ ngồi yên cho “cái khó bó cái khôn”, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào tâm thế của người trong cuộc.
Cái khó ló cái khôn
Một trong những dự án nổi bật bị trễ tiến độ vì Covid-19 ở TPHCM là Dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên). Từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, dự án này đã nhiều lần bị chậm trễ, từ mốc hoàn thành năm 2020, dự án chuyển qua mốc cuối năm 2021.
Dự án xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đã bắt đầu chậm tiến độ từ cuối năm 2019 và hiện mới chỉ hoàn thành được khoảng 78% theo kế hoạch. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tổng sản lượng toàn dự án cũng chậm khoảng 25% so với tiến độ thi công tổng thể.
Tại Hà Nội, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, tổng tiến độ dự án mới đạt trên 70% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022, trong khi dự kiến ban đầu sẽ thông toàn tuyến vào tháng Tư này.
Bao nhiêu công trình trọng điểm bị chậm tiến độ là bấy nhiêu lý do được đưa ra để bao biện, kêu khó, và rồi kinh phí thực hiện lại “phình” ra theo đề xuất của các nhà thầu. Nhưng một trong những nguyên nhân dẫn tình trạng đội vốn của các dự án giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách được xác định là do việc chuẩn bị dự án chậm trễ, trung bình mất khoảng 3 năm, nhiều dự án mất cả chục năm.
Trong khi, nếu rút ngắn được quá trình này, thì hiệu quả đầu tư khác hẳn, tránh được những biến động của giá cả thị trường và cơ chế chính sách pháp luật đến quá trình thực hiện. Dự án sân bay Vân Đồn do tư nhân làm chủ đầu tư -từ lập dự án đến giai đoạn thi công chưa đầy 2 năm, là một minh chứng điển hình.
Song, sự “đì đẹt” của nhiều dự án giao thông còn đến từ một nguyên nhác khác, là chính sự thụ động của chủ đầu tư và đơn vị thi công, thấy khó thì bỏ qua, không chịu vận động tìm cách giải quyết, không nỗ lực bứt phá, mà chỉ biết than phiền và trông đợi sự hỗ trợ.
Việc cải tạo Quốc lộ 1A, xử lý khe co giãn trên đường Vành đai 3 trên cao, các chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng việc giãn cách xã hội để đề xuất chia dọc làn đường, phân luồng, điều tiết phương tiện hợp lý, kết hợp thi công cả ban ngày chứ không chỉ làm vài giờ ban đêm như trước đó.
Trong khi, thêm một ngày kéo dài việc duy tu sửa chữa là thêm rất nhiều phần ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông.
Còn các nhà thầu, nếu không chủ động đề xuất được giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả quá trình thì công, thì ngay cả trong điều kiện bình thường công nhân cũng không có việc làm, vừa làm vừa chơi, chứ đừng nói tới việc tận dụng cơ hội giãn cách xã hội để đẩy nhanh tiến độ.
Bởi với mỗi lần bị chậm tiến độ, họ lại có lý do để xin cấp thêm vốn. Và giãn cách xã hội là thời cơ “vàng” để đẩy nhanh tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo hiệu quả đầu tư, nhưng cũng là một lý do rất hợp lý để các dự án chậm tiến độ nhằm xin được cấp thêm vốn, nếu cố tình.
Lựa chọn của các chủ đầu tư, các nhà thầu và đơn vị thi công trong trường hợp này không chỉ tác động đến lợi ích của bản thân họ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công cho các dự án giao thông trọng điểm, gián tiếp tác động đến các lợi ích khác của kinh tế đất nước, cơ hội phát triển của vùng miền, đến an toàn xã hội và đời sống dân cư nơi có các công trình này.
Cái khó bó cái khôn, nhưng cái khó cũng hoàn toàn có thể ló cái khôn. Và khi mà cái khôn đã “ló” một cách rõ ràng, thì cơ quan quản lý không nên để mặc doanh nghiệp thụ động lười biếng để đợi hỗ trợ trừ trên, hoặc cố tình lựa chọn theo theo kiểu “vờ như dại”./.