Cấp GPLX riêng cho người cao tuổi để đảm bảo an toàn sau nhiều tai nạn

21/02/2020 09:13 323

Trong 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến người cao tuổi tại Nhật Bản tăng thêm 6,1 %

Trước tình trạng này, chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch ban hành giấy phép lái xe dành riêng cho người cao tuổi.

Vụ tai nạn giao thông do một tài xế lớn tuổi gây ra ở thành phố Yokohama, Nhật Bản, vào tháng 10/2016 - Ảnh: Kyodo/Getty.

Vào tháng 4 vừa qua, chiếc xe do ông Kozo Iizuka, 88 tuổi, một cựu quan chức chính phủ điều khiển, đâm tử vong cô một phụ nữ 31 tuổi và con gái 3 tuổi của cô ở quận Ikebukuro, Tokyo. Camera an ninh cho thấy chiếc ô tô của Iizuka đã vượt đèn đỏ và băng qua vạch sang đường dành cho người đi bộ trước khi đâm vào một xe đạp và 2 xe tải.

Mới đây nhất, ngày 13/6, một nữ tài xế 69 tuổi đâm xe vào một nhóm trẻ em ở thành phố Nishinomiya; khiến một bé gái 6 tuổi bị gãy xương vai và một bé gái 5 tuổi khác cũng phải nhập viện với chấn thương nhẹ.

Nguyên nhân các vụ tai nạn được xác định là do nhầm chân ga với chân phanh.

Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật Bản cho biết đang xem xét ban hành GPLX dành riêng cho người cao tuổi. Theo đó, những người 75 tuổi trở lên sẽ phải làm một bài kiểm tra riêng khi gia hạn bằng lái.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng được khuyến cáo nên  điều khiển các loại xe được trang bị hệ thống hỗ trợ an toàn như phanh khẩn cấp, hỗ trợ đi đúng làn, hệ thống tăng tốc chậm phòng trường hợp nhầm ga với chân phanh…

Dự kiến, đề xuất này sẽ được đưa ra xin ý kiến nội các để thông qua vào cuối tháng 6. Cơ quan Cảnh sát, Bộ Giao thông và các bộ liên quan khác sẽ bàn bạc chi tiết và công bố vào cuối năm nay.

Ông Kiyotaka Ukita, 78 tuổi, đồng tình với đề xuất này và cho rằng cần có những quy định nghiêm khắc hơn nữa:

“Việc lái xe đòi hỏi nhiều khả năng thể chất, vì vậy, dù cho bạn có suy nghĩ rõ ràng thế nào trong đầu thì cơ thể bạn cũng phải phản xạ đầu tiên. Nếu bạn không thể vượt qua được các bài kiểm tra nghiêm ngặt thì bạn phải chấp nhận từ bỏ bằng lái”.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ thảo luận về cách thức để ô tô được trang bị các thiết bị an toàn trở nên phổ biến.  

Hiện, Subaru trang bị hệ thống hỗ trợ thị lực trên một số dòng xe. Toyota giới thiệu hệ thống phanh tự phát hiện người đi bộ vào ban đêm. Ngoài ra, công ty này và Denso đang phát triển công nghệ ngăn việc đạp nhầm chân ga và chân phanh, dự kiến sẽ được trang bị cho các dòng xe Prius và Vitz vào năm tới.

Cứ 4 người trên 80 tuổi thì có 1 người vẫn thường xuyên lái xe và con số này chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Tính tới cuối 2018, số người trên 75 tuổi có bằng lái là trên 5,6 triệu người. Theo Cơ quan Cảnh sát, năm ngoài, có 460 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế từ 75 tuổi trở lên gây ra, cao thứ 3 trong một thập kỷ qua. Tỷ lệ các vụ tai nạn chết người do người lớn tuổi gây ra tăng từ 8,7% năm 2008 lên 14,8% năm 2018.

Thế nhưng, theo một cuộc khảo sát, cứ 4 người trên 80 tuổi thì có 1 người vẫn thường xuyên lái xe và con số này chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Bà Emiko Takahashi đã lái xe hơn 50 năm qua. Ở tuổi 73, bà đang tham gia một khóa học “ôn luyện kỹ năng lái xe” cùng nhiều người cao tuổi khác. Bà thừa nhận "không tự tin" lái xe khi ngày càng lớn tuổi, thế nhưng bà vẫn không có ý định trả lại bằng lái.

“Tôi cảm thấy vẫn còn khỏe mạnh thì tôi vẫn sẽ tiếp tục lái xe, cho đến khi 85 tuổi, ít nhất là để mua những thứ lặt vặt hàng ngày”.

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi yêu cầu tất cả các tài xế trên 75 tuổi phải trải qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn về nhận thức khi thi gia hạn bằng lái (3 năm /lần), hoặc khi họ phạm luật như vượt đèn đỏ, đi sai làn… Các bài kiểm tra được thiết kế để xác định khả năng điều khiển, trí nhớ và khả năng phán đoán của người lái xe.

Các chuyên gia cho rằng thời hạn cấp lại bằng lái nên ngắn lại khi độ tuổi của lái xe càng cao

Tại Việt Nam, thời hạn giấy phép lái xe hạng B1 được xác định khi người tham gia giao thông đến đủ 55 tuổi đối với nữ và đến đủ 60 tuổi đối với nam; trong trường hợp nữ trên 45 tuổi và nam trên 50 tuổi thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, thời hạn cấp lại bằng lái nên ngắn lại khi độ tuổi của lái xe càng cao, đồng thời cần siết chặt quy định cấp bằng để đảm bảo người điều khiển phương tiện đủ điều kiện sức khỏe khi tham gia giao thông.

“Sau khi nghỉ hưu thì khoảng thời gian cho phép bằng lái hợp lệ sẽ ngắn dần đi và càng ngày càng ngắn dần. Khi cấp thì chúng ta có một hệ thống dữ liệu để lưu trữ toàn bộ lịch sử lái xe của người đó, để khi hết hạn, nộp hồ sơ gia hạn giấy phép lái xe thì chúng ta xem cá nhân đó có vi phạm gì nghiêm trọng không. Nếu như vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng thì yêu cầu họ phải học lại thêm những kiến thức về lý thuyết, trải qua những sát hạch chặt chẽ hơn về mặt thực hành thì mới cấp lại bằng lái”.