Đường sắt Mỹ tụt hậu vì thiếu sự quan tâm của chính phủ

09/03/2020 14:39 411

Ra đời từ cuối thế kỷ 18, cho đến nay đường sắt vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải của mỗi quốc gia

Gần như mọi quốc gia phát triển đều sở hữu một hệ thống đường sắt cao tốc. Đó là niềm tự hào và minh chứng cho sự phát triển. Tuy nhiên, tại một trong những cường quốc trên thế giới là Mỹ, hệ thống đường sắt nước này lại đang dần xuống cấp và ít được quan tâm.

Đường sắt Mỹ từng có thời kì hoàng kim trong thế kỷ 19, là phương thức vận tải đường bộ phổ biến nhất. Tuy nhiên, sau thời kì khủng hoảng kinh tế 1873 – 1896 cùng chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mỹ dần chuyển sang xây dựng hệ thống vận tải đường bộ, thiếu đi sự quan tâm cho đường sắt khiến ngành này bị bỏ quên, dần xuống cấp theo năm tháng. 

Hiện hệ thống đường sắt của Mỹ chưa đủ tiêu chuẩn để gọi là “đường sắt cao tốc” nếu so với Nhật Bản, Trung Quốc hay một số nước châu Âu.

Vì sao đường sắt Mỹ lại tụt hậu đến vậy? Trước tiên, năm 1956, tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower đã kí duyệt đề án xây dựng Hệ thống xa lộ tiểu bang với kinh phí 25 tỷ đôla Mỹ, mở đường cho thời kì văn hóa xe hơi tại nước này, theo Andy Kunz, nguyên chủ tịch Hiệp hội đường sắt cao tốc Mỹ: “Từ năm 1945 trở về trước, đường sắt được sử dụng vô cùng nhiều tại Mỹ. Tuy nhiên, sau khi đề án Xây dựng xa lộ tiểu bang ra đời, trong khoảng 10 năm sau đó, hệ thống đường ray được thay thế bởi các con đường dành cho ô tô”.

Nguyên nhân thứ hai, theo tờ Washington Post, đó là do sự phân bổ dân cư và mật độ dân số. Ở nhiều nơi trên thế giới, như Trung Quốc, châu Âu hay Nhật Bản, các vùng tập trung dân số lớn ở gần nhau hơn nhiều so với Mỹ. 

Cư dân Mỹ chủ yếu tập trung tại 2 bờ Đông và Tây, do đó mạng lưới đường sắt Mỹ cũng chỉ tập trung một số tuyến cao tốc kết nối cho những thành phố lớn giữa 2 bờ này, một trong số đó là tuyến cao tốc Acela Express của Tập đoàn đường sắt quốc gia Amtrak.

Một nguyên nhân khác, đó là việc xây dựng đường sắt cao tốc tại Mỹ tốn kém thuộc dạng đứng đầu thế giới. Chi phí đắt đỏ chủ yếu do địa hình không bằng phẳng như nhiều vùng ở phía Đông Trung Quốc hay Nhật Bản. Cộng thêm việc người Mỹ có quyền sở hữu bất động sản rất cao khiến chi phí giải tỏa cũng bị kéo lên.

Ông  Robert Cervero - Giáo sư khoa Kiến thiết Đô thị, Đại học California cho biết: “Các quốc gia có đường sắt cao tốc phát triển như Trung Quốc chẳng hạn, họ xây dựng hệ thống rất nhanh vì đất đai thuộc quyền sở hữu của Chính phủ. Chưa kể, các dự án cao tốc lớn của họ hầu hết tại những khu vực có địa hình bằng phẳng, không tốn nhiều chi phí đào hầm như Mỹ.

Theo ông Michael Smart, giáo sư tại trường đại học nghiên cứu công cộng Rutger, bang New Jersey, trở ngại lớn nhất tới giấc mơ hiện đại hóa đường sắt Mỹ, giáo sư đó là sự thiếu quan tâm từ chính phủ. Quỹ liên bang giới hạn, không có giải pháp lâu dài là thứ đang cản trở những dự án đường sắt cao tốc tiềm năng. Năm 2008, chính quyền bang California bỏ phiếu thông qua xây đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, chi phí tốn kém, thời gian xây dựng kéo dài dần khiến chính phủ không còn mặn mà với dự án. Đến tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút hỗ trợ cho dự án.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đường sắt thế giới ngày càng được hiện đại hóa, Mỹ cũng không thể thoát khỏi xu hướng này. Khảo sát năm 2015 cho thấy, 63% người Mỹ muốn đi tàu cao tốc. Thậm chí con số này tăng lên 71% nếu tính riêng những người trong độ tuổi 18-44. Do đó, những năm gần đây, chính phủ Mỹ buộc phải quan tâm tới đường sắt cao tốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào ngành đường sắt. 

Vào giữa tháng 2/2020, một nhà thầu Tây Ban Nha cho biết họ đã kí hợp đồng trị giá 6 tỷ đôla Mỹ để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc giữa 2 thành phố Dallas và Houston) tại bang Texas Tuyến tàu này sẽ sử dụng mẫu tàu điện N700 mới nhất từ hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026. Nếu thành công, dự án này có thể sẽ khởi đầu cho xu hướng tàu điện cao tốc tại Mỹ.

Caroline Decker, Phó giám đốc Khu vực Đông bắc của tập đoàn Amtrak chia sẻ: “Trên khắp các bang của Mỹ, có thể nhận thấy rằng quỹ đất dành cho mở rộng đường cao tốc đã cạn kiệt, số sân bay bị hạn chế, thậm chí là tắc nghẽn. Lựa chọn còn lại đương nhiên phải là đường sắt”.