Liên tiếp động đất, công trình giao thông có khả năng chống chịu đến đâu?

06/12/2019 11:22 741

Liên tiếp xảy ra các trận động đất ở VN chỉ trong vòng hơn 1 tuần, dù cường độ nhẹ nhưng cũng khiến người dân không khỏi có chút lo ngại, băn khoăn về độ an toàn của các kết cấu công trình.

Theo ghi nhận của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 17/11 đến nay, đơn vị này đã ghi nhận tín hiệu của 10 trận động đất xảy ra tại Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, đặc biệt động đất xảy ra tần suất dày đặc tại tỉnh Cao Bằng. 

Ngoài ra, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cũng ghi nhận tín hiệu động đất xảy ra tại Lào và Trung Quốc, ảnh hưởng tới Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 25/11 đến nay, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ghi nhận được 7 trận động đất liên tục xảy ra tại tỉnh Cao Bằng, với trận động đất có cường độ mạnh nhất lên đến 5,4 độ richter (rich- te) xảy ra lúc 8h18 phút ngày 25/11 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Mới đây nhất, vào lúc 4h22 phút sáng nay, một trận động đất một trận động đất có độ lớn 3,0 độ richter vừa xảy ra tại tại khu vực tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (cách biên giới Việt Nam tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao bằng khoảng 1km). 

TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu cho biết, với cường độ từ 2,8-5,4 độ richter như đơn vị ghi nhận được thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến khu vực nhỏ quanh tâm chấn:

“Ở khu vực quanh đấy thì nó ảnh hưởng, ví dụ như đá lăn, đá rơi xuống thì nó cản trở giao thông, nếu động đất lớn hơn thì nó sẽ nứt đất. Những công trình giao thông ở xa thì bây giờ động đất ở xa thì nó khó có khả năng bị ảnh hưởng”.

Bà Lã Hồng Hạnh, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho rằng, dư chấn của những trận động đất vừa qua có cường độ khá nhẹ nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông và người dân có thể yên tâm:

“Theo tiêu chuẩn thì mỗi công trình khi người ta thiết kế và người ta tính tới động đất thì có quy định cấp động đất như thế nào thì người ta tính. Bây giờ động đất ở mức độ nhẹ hơn thì nó sẽ không có ảnh hưởng. Ví dụ công trình người ta tính động đất cấp mấy rồi, đã đưa vào công trình rồi, nó quá mức đấy mới ảnh hưởng”.

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, các nhà địa chất đều khẳng định, Việt Nam không nằm trong vùng vành đai lửa Thái Bình Dương nên động đất thường chỉ xảy ra với cường độ trung bình yếu, tương đương với cấp 7. 

Mặc dù vậy, các công trình xây dựng dân dụng, công trình giao thông nằm trong vùng động đất đều phải tính toán tác động của động đất đến công trình và được thiết kế với các tiêu chuẩn kháng chấn tương ứng:

“Ví dụ như động đất ở chấn tâm ở Cao Bằng hay ở Lào vừa xảy ra, ở chấn tâm tương ứng cấp 7, nhưng khi nó lan truyền về Hà Nội nó chỉ còn cấp 6 hoặc cấp 5. Thế thì bất kỳ công trình nào nằm trong vùng có động đất thì dứt khoát trong vấn đề ngay khi nhiệm vụ giao đã phải nêu tải trọng tác động đã phải tính tới động đất rồi. Tôi xin khẳng định là tới nay những công trình xây dựng trong những năm gần đây thì các công trình đều tính tới khả năng kháng chấn đảm bảo yêu cầu với động đất cao nhất có thể xảy ra”.

Các ý kiến cũng cho rằng, hiện bản đồ địa chất, mức độ ảnh hưởng đến động đất đã được cung cấp đến từng quận, huyện. Trên cơ sở bản đồ phân vùng động đất, từng công trình được tính toán và thiết kế chịu tác động của động đất với xác suất lớn hơn, để bảo đảm an toàn và hạn chế hư hỏng./.