Vận tải biển hậu COVID-19: Khó khăn đủ đường

16/06/2020 15:08 934

Có thể nói, vận tải đường biển là cầu nối thương mại giữa các quốc gia trên thế giới

Có thể nói, vận tải đường biển là cầu nối thương mại giữa các quốc gia trên thế giới, là giải pháp hữu hiệu nhất cho vận chuyển hàng hóa. Từ lâu, vận tải biển đã có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định đến sự phát triển của một đất nước.

Tuy nhiên, hiện cũng như nhiều ngành nghề khác, dịch Covid-19 đang  khiến ngành vận tải biển gặp khó khăn.

Vận chuyển bằng đường biển đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn so với các phương thức khác. Ảnh: Marco Verch

80% lượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Bởi so với đường bộ, hàng không, vận chuyển đường biển có nhiều lợi thế hơn, nhất là chi phí của vận tải biển cũng rẻ hơn so với 2 mô hình vận chuyển còn lại.

Theo báo cáo từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, vận tải khách bằng đường biển chỉ chiếm khoảng 0,4% số chuyến. Trong khi đó, con số này là 42,6% với tàu chở hàng, 28,7% với tàu chở dầu và 13,4% với tàu container. Nền kinh tế thế giới tăng trưởng 2,3% trong giai đoạn 2018-2019 trong khi thương mại hàng hóa tăng trưởng 3,1% và thương mại hàng hải quốc tế ở mức 2,7%.

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tàu vận chuyển container và vận chuyển hàng rời đang gặp phải sự suy giảm lớn. Các nhà khai thác tàu container thậm chí phải hủy bỏ các chuyến đi để giảm thiểu tổn thất, khiến độ tin cậy của dịch vụ giảm sút. 

Hiện có khoảng 10% số tàu container (tương đương khoảng 500 tàu) đang thiếu việc làm. Những con tàu này rơi vào một trong hai tình cảnh: Nằm neo đậu tại bến với một lượng ít ỏi thuyền viên, hoặc trôi dạt trên biển chờ tìm một hợp đồng mới. Điều này có thể khiến con tàu trở thành “mồi ngon” cho cướp biển, vốn đang hoạt động mạnh mẽ tại một số vùng biển Châu Á và Somalia. Theo ghi nhận của tờ CNA, quý I năm 2020 đã ghi nhận số vụ cướp biển gia tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 16 vụ cướp xảy ra nhằm vào các con tàu đang neo đậu giữa biển khơi vì thiếu việc làm.

Không chỉ chủ doanh nghiệp vận tải gặp khó, bản thân các thủy thủ cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Rất nhiều thủy thủ lênh đênh trên biển nhiều tháng mà không thể về nhà.

Patrick Abuton, một thủy thủ Philippines chia sẻ: “Rất nhiều người chúng tôi đang mắc kẹt tại các cảng quốc tế. Một số tự an ủi bản thân rằng ít nhất họ còn có công việc, còn kiếm ra tiền. Một số thì chỉ mong muốn được trở về bên gia đình. Nhưng tất cả chúng tôi đều hy vọng mọi chuyện sẽ trở lại bình thường trong vài tháng tới”.

Đại dịch Covid-19 không chỉ khiến doanh nghiệp lao đao, mà còn khiến người đi biển bị "mắc kẹt", không thể về nhà. Ảnh: Chevanev Charles

Trong một bài phát biểu vận động chính sách hỗ trợ cho ngành vận tải biển trong dịch Covid-19, ông Kitack Lim, Tổng thư ký Tổ chức hàng hải quốc tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những người đi biển: “Hàng trăm nghìn thủy thủ đang ở tuyến đầu của thảm họa mang tính toàn cầu này. Sự chuyên nghiệp của họ đã đảm bảo việc hàng hóa được giao tới tay người tiêu dùng an toàn. Họ đều là những người đã mạo hiểm chấp nhận cuộc sống xa nhà. Sức khỏe và phúc lợi của họ cũng quan trọng như bất kì người lao động nào khác”.

Theo ông Sam Bateman, chuyên gia  Trung tâm tài nguyên và an ninh đại dương Australia, dịch Covid-19 tác động tới ngành vận tải biển mạnh mẽ hơn nhiều so với khủng hoảng kinh tế. Áp lực từ việc neo đậu lâu ngày không có việc làm, theo dõi sức khỏe toàn đoàn, tới nghĩa vụ đưa người lao động hồi hương có thể khiến chi phí vận hành tăng lên. 

Điều này khiến chủ tàu sẽ tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, bao gồm việc sử dụng nhân lực giá rẻ, giảm số lượng thủy thủ đoàn, giảm tiêu chí bảo trì, vận hành tàu, khiến nguy cơ gặp tai nạn, gây ô nhiễm môi trường hay bị các nhóm cướp vũ trang nhắm tới trở nên cao hơn. Điều mà ngành vận tải biển mong mỏi nhất bây giờ, có lẽ là sự hỗ trợ từ Chính phủ các nước để vượt qua thử thách đầy khó khăn này.

Còn tại Việt Nam, Nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp ngành vận tải biển lao đao. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Cục Hàng hải đã khẩn trương làm việc với Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải Việt Nam và các công ty hoa tiêu đưa ra các giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động, thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Chủ tàu trong việc giảm giá hoa tiêu đối với tàu hoạt động nội địa.

Theo đó, từ ngày 1/5, các doanh nghiệp vận tải đã được áp dụng mức giá tối thiểu (giảm 10% so với mức giá hiện hành) dịch vụ hoa tiêu đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa (bao gồm cả tàu biển và phương tiện VR-SB). Thời gian áp dụng 3 tháng.

https://vovgiaothong.vn/van-tai-bien-hau-covid19-kho-khan-du-duong-1 - Nguồn vov.vn