Hàng không lao đao vì COVID-19: Khi quá nhiều trứng cùng một giỏ
Dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải dừng các chuyến bay tới Trung Quốc khiến ngành hàng không quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có Việt Nam
So với cùng kỳ năm 2019, số lượng hành khách đặt vé máy bay để đi du lịch, làm việc trong tháng 2 của nhiều đại lý vé máy bay chỉ còn lác đác vài người mỗi ngày.
Đa phần nhân viên thường chỉ làm các thủ tục hoàn, hủy chuyến bay cho khách, hay dời lịch bay. Chị Nguyễn Thùy Dung, làm việc tại một phòng vé quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ:
"Dịch cúm khá ảnh hưởng và phòng vé hiện tại lượng khách giảm ít nhất là 50% so với cùng thời điểm năm ngoái. Và khách nước ngoài người ta hủy trong nước rất nhiều, Ít hơn rất nhiều, 50% và rất là rối khi phải đổi vé cho khách, nhưng không biết dời đến lúc nào đa phần hủy 1-1,5 tháng, đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 bay lại".
Dễ nhận thấy, lượng hành khách đến và đi ở một số cảng hàng không cũng đã có sự sụt giảm đáng kể, số lượng các chuyến bay cũng đã giảm so với kế hoạch ban đầu đặt ra nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019. Ông Nguyễn Huy Dương- Phó Giám đốc Cảng hàng không Nội Bài, Hà Nội cho biết :
"Sau mồng 5 Tết, dự đoán hành khách có thể tăng tới 700 lượt chuyến, nhưng thực tế chỉ hơn 600. Tình hình sụt giảm rõ rệt, kể cả chuyển bay quốc tế và nội địa, kể cả chuyến bay và hành khách. Chúng tôi ước tính Viet Nam Airlines hay Viet Jet giảm từ 20-25 chuyến/ ngày, so với dự kiến".
Ông Dương cho hay, Cảng hàng không Nội Bài cũng đã nhận được ý kiến phản ánh từ các hãng bay mong muốn bố trí thêm nhiều vị trí đỗ tàu bay cho những tàu bay không hoạt động phục vụ hành khách. Hiện Cảng Nội Bài đã bố trí hơn 100 vị trí đỗ tàu bay cố định và những vị trí linh hoạt.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho thuê một số máy bay Airbus và Boeing với thời gian thuê là 6 tháng nhằm giảm thiểu thiệt hại do những yếu tố khách quan mang lại
Theo thông tin từ Cục Hàng không, trước khi có dịch COVID-19, trung bình mỗi tuần Việt Nam có khoảng 680 chuyến bay sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ ngày 01/2/2020, nhằm phòng chống dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ, Cục hàng không hủy toàn bộ phép bay đã cấp phép cho các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Như vậy, trung bình mỗi tuần, ngành hàng không mất đi 100 chuyến.
Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và Châu Âu, các chuyến bay quốc tế đa phần là khách bay về nước, không có nhiều người mới đến, số lượng khách quốc tế hủy chuyến tới Việt Nam tăng, trong khi lượng khách bay nội địa cũng sụt giảm đáng kể.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do những yếu tố khách quan mang lại, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mới đây thông báo có nhu cầu cho thuê một số máy bay Airbus và Boeing với thời gian thuê là 6 tháng. Trong khi đó, Vietjet Air đã đẩy mạnh khai thác thị trường mới khi mở loạt 5 đường bay thẳng từ Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM tới các điểm đến trên đất nước Ấn Độ. Jetstar Pacific thì triển khai kế hoạch kích cầu với chương trình ưu đãi mua 4 tặng 1 vé máy bay trên tất cả đường bay nội địa…
Từ kinh nghiệm đã đối phó với dịch Sars cách vào năm 2013 khiến ngành hàng không trong nước “lao đao”, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng 3 kịch bản khác nhau về diễn biến tình hình dịch bệnh và những thiệt hại ước tính, đồng thời họp bàn với các hãng hàng không để đề ra những giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ông Đinh Việt Thắng- Cục trưởng Cục Hàng không đề nghị:
"Tôi đã báo cáo với Bộ, rồi kiến nghị giảm giá và phí cho các hãng hàng không. Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ hàng không giãn tiến độ thanh toán giảm các giá điều hành bay, các giá của cất hạ cánh. Và hiện nay các hãng hàng không cũng đang đề nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn".
Bên cạnh đó, Cục hàng không cũng kiến nghị Bộ GTVT tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở thêm những chuyến bay tới thị trường mới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hàng không và du lịch là những ngành chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất từ dịch COVID-19. Để giảm bớt sự sụt giảm của doanh thu, các hãng hàng không cần có những giải pháp tạo được sự yên tâm cho hành khách khi sử dụng dịch vụ:
"Để duy trì sản lượng, ngành hàng không vẫn có những giải pháp đồng bộ và đặc thù như tăng cường thông tin về các chuyến bay và những giải pháp để phòng bệnh để hành khách có thể yên tâm. Bên cạnh đó có thể thực hiện những giải pháp về xúc tiến quảng bá, giảm giá, tăng các tiện ích khác…".
Sự sụt giảm liên tục các đường bay quốc tế đến Việt Nam đã khiến cho ngành hàng không trong nước đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm
Sự cắt giảm đột ngột các đường bay từ Trung Quốc, sự sụt giảm liên tục các đường bay quốc tế đến Việt Nam đã khiến cho ngành hàng không trong nước đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm. Những thiệt hại nặng nề từ các biến cố lớn như dịch bệnh là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là dịp để ngành hàng không trong nước thêm một lần nữa không nên chủ quan với nguyên tắc: trong bất kỳ hoạt động kinh doanh thương mại nào, cần đa dạng hóa thị trường để giảm bớt rủi ro.
Bài học từ việc cho nhiều trứng vào một “giỏ”
Hơn 70 hãng hàng không đã phải hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, trong khi 50 hãng khác phải giảm hoạt động. Dịch COVID-19 khiến Trung Quốc từ vị trí là thị trường hàng không lớn thứ 3 thế giới sau 5 tuần đã rơi xuống vị trí số 25 trong bảng xếp hạng các thị trường hàng không. Theo ước tính của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO), dịch COVID-19 có thể khiến doanh thu các hãng hàng không trên thế giới thiệt hại 4-5 tỷ USD.
Đối với hàng không Việt Nam, thị trường Trung Quốc chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế, với 72 đường bay từ 5 điểm của Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc. Việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc và sự sụt giảm đáng kể của các đường bay quốc tế và nội địa khiến hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines có thể mất doanh thu khoảng 450 tỷ đồng/ tuần.
Trước đó, vào năm 2003, dịch Sars đã khiến lượng khách du lịch bằng đường hàng không thế giới chỉ tăng trưởng 0,7%, trong đó riêng Việt Nam giảm đến 1,7%.
Điều này cho thấy, tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc đối với ngành hàng không thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều chuyên gia dự báo, ngành hàng không thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 cao hơn rất nhiều so với dịch Sars trước đây.
Các chuyên gia cảnh báo, trong các hoạt động kinh tế, thương mại, nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ gặp những rủi ro lớn khi thị trường đó có vấn đề. Đó là điều mà xuất khẩu nông sản hay hàng không đang gặp phải lúc này.
Vậy cần làm gì để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải hàng không?
Nếu ngành hàng không, các hãng bay thực hiện tốt những biện pháp về phòng dịch, người dân cảm thấy an tâm khi di chuyển thì lúc đó ngành hàng không nói riêng và ngành vận tải nói chung mới “thoát” khỏi vùng đáy
Bài học kinh nghiệm của ngành hàng không 17 năm trước đến nay vẫn được nhiều chuyên gia nhắc tới, đó là tái cơ cấu thị trường hàng không nhằm giảm thiểu thiệt hại và không nên cho nhiều trứng vào một “giỏ” nhằm hạn chế rủi ro.
Để bù đắp lượng hành khách sụt giảm lên tới 400 nghìn người/tháng, các hãng hàng không trong nước cần phải nỗ lực nghiên cứu để phát triển thêm những thị trường mới, mở thêm những đường bay mới đến những thị trường có tiềm năng lớn như Ấn Độ, Úc, New Zealand… tăng công suất và mở thêm những đường bay đến những thị trường hiện có.
Nhưng điều đó chưa đủ. Việc mở thêm những đường bay nội địa cũng cần phải tính đến khi lâu nay, một số sân bay nhỏ chỉ có số lượng chuyến bay rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu
Thứ hai, các hãng hàng không buộc phải cắt giảm chi phí để bù lỗ, bao gồm cả việc cho nhân viên nghỉ phép không lương, hay giảm lợi nhuận từ việc bán vé… Ngoài ra, cần có sự đàm phán với các đối tác về việc cho thuê lại tàu bay hay bán những tàu bay có tuổi đời cao, kéo dãn thời gian nhận tàu bay mới.
Được biết, việc dừng các đường bay tới Trung Quốc khiến ngành hàng không đang thừa khoảng 30 tàu bay, trong khi đó, các hãng hàng tháng vẫn phải trả chi phí tiền thuê tàu bay, vị trí sân đỗ, cùng nhiều chi phí bảo hành, bảo dưỡng máy bay…
Thứ ba, đẩy mạnh những hoạt động kích cầu bằng những chương trình giảm giá, khuyến mại và những thông tin khả quan về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Hiện nay, đa phần hành khách không sử dụng dịch vụ hàng không do lo ngại sự lây lan dịch bệnh khi phải ngồi trong không gian kín của tày bay. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đã thực hiện tốt việc khống chế và khoanh vùng dịch bệnh.
Chưa hề có trường hợp nào tử vong nào do dịch COVID-19 gây ra tại Việt Nam, và ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện. Nếu ngành hàng không, các hãng bay thực hiện tốt những biện pháp về phòng dịch, người dân cảm thấy an tâm khi di chuyển thì lúc đó ngành hàng không nói riêng và ngành vận tải nói chung mới “thoát” khỏi vùng đáy của hình sin.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cũng cần có sự nghiên cứu, tính toán thiệt hại của các doanh nghiệp vận tải nói chung và ngành hàng không nói riêng để có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, giãn nợ…
Và không chỉ ngành hàng không mà hiện nay nhiều ngành kinh tế cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động có những giải pháp phù hợp để cắt giảm chi phí, cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, chung tay đẩy lùi dịch bệnh và vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh đi qua./.