Cấm sa thải nhân viên hàng không nếu được chính phủ hỗ trợ
Nhằm giúp hàng không vượt qua khó khăn, chính phủ các nước đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như những gói hỗ trợ kịp thời.
Khi Carlos Barria, phóng viên ảnh của Reuters, lên chuyến bay 4511 thuộc American Airlines từ sân bay Washington Reagan đến thành phố New Orleans, anh là hành khách duy nhất trên chuyến bay.
Mua vé phổ thông, nhưng Barria bất ngờ được tiếp viên mời lên trải nghiệm khoang hạng nhất, sau đó hướng dẫn an toàn bay cho mình anh. Sự bối rối của người phóng viên ảnh lên đến đỉnh điểm, khi một phi công đến tận nơi giải thích chuyến bay sẽ bị trễ vài phút do trục trặc máy móc, thay vì thông báo trên loa phát thanh.
Tuy nhiên, Barria không phải trường hợp đặc biệt. Thời gian qua, những ‘chuyến bay một hành khách’ trở thành ‘điều bình thường’ đối với ngành hàng không Mỹ. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hãng phải cắt giảm số chuyến. Hiện hơn 2.200 máy bay phải “đắp chiếu”, trong bối cảnh nhu cầu đi lại giảm khoảng 95%.
American Airlines cho biết, hôm 3/4, họ có 119 chuyến khởi hành từ sân bay Washington Reagan. 8 trong số đó chỉ có một hành khách, những chuyến khác lượng khách cũng ‘đếm trên đầu ngón tay’. Cùng thời điểm này năm ngoái, hãng hàng không được xem là lớn nhất nước Mỹ khai thác tới 254 chuyến, trên những chiếc máy bay gần như kín khách.
Ông Vasu Raja, phó Chủ tịch American Airlines chia sẻ: “Chẳng mấy nữa chúng tôi sẽ không còn hành khách nào và phải đóng cửa hãng hàng không”
Nhằm tiếp sức cho ngành vận tải hàng không, chính phủ Mỹ đã đưa ra các kế hoạch cứu trợ. Thế nhưng, một số hãng lại đang e ngại về các điều khoản trong gói cứu trợ 25 tỷ USD; vì chính phủ yêu cầu phải trả lại 70% khoản trợ giúp, 30% còn lại là cho vay lãi suất thấp. Đồng thời, các hãng nhận tiền cứu trợ không được phép sa thải nhân viên trước ngày 30/9, hoặc thay đổi thỏa thuận thương lượng tập thể.
Trong khi đó, ngày 13/4, ông Brent McIntosh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có ý định thay đổi các điều khoản của gói cứu trợ.
Một hành khách quan sát những chiếc máy bay của American Airlines tại sân bay quốc tế Washington Reagan - Ảnh Reuters
Theo nhà phân tích Savanthi Syth của Raymond James, điều khoản cứu trợ đang khiến các hãng hàng không rơi vào thế khó trước nguy cơ vay nợ gia tăng trong khi sự gia tăng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không chưa rõ ràng. Cho nên, nếu các hãng không nhận cứu trợ, thị trường lao động hàng không sẽ đứng trước nguy cơ bị sa thải hàng loạt. Theo các chuyên gia, điều này có thể khiến Quốc hội Mỹ xem lại các điều khoản hỗ trợ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi điện nói chuyện trực tiếp với Giám đốc điều hành các hãng bay lớn như Delta Air Lines, American Airlines, United Airlines hay UPS; và khẳng định, hàng không có vai trò thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế, nước Mỹ sẽ làm hết sức để hỗ trợ.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ ủng hộ các hãng hàng không 100%. Lâm vào tình cảnh khó khăn này không phải lỗi của họ. Chúng tôi sẽ có những cách để hỗ trợ họ rất nhiều”
Ngoài ra, giới chức Mỹ còn đang cân nhắc khoản miễn giảm thuế lên tới 10 tỷ đô la cho các hãng hàng không gặp khó khăn.
Không chỉ Mỹ, các quốc gia khác như: Anh, Đức, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Italia, Đài Loan (Trung Quốc), các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đều có những kế hoạch hỗ trợ ngành hàng không lên tới hàng chục tỉ USD.
Còn tại Việt Nam, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp hàng không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến hết 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Dự kiến từ ngày 1/3/2020 đến 31/8/2020, sẽ áp áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến đối với các chuyến bay nội địa.
Bộ GTVT cũng đề xuất, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và có thể điều chỉnh tùy thuộc theo diễn biến của dịch bệnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.