Thanh toán không tiếp xúc trong GTCC để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm

10/04/2020 11:06 188

Hành khách tham gia giao thông công cộng được kêu gọi không dùng tiền mặt mà sử dụng các hình thức thanh toán không tiếp xúc để tránh lây lan Covid-19

Giao thông công cộng đóng vai trò xương sống trong hoạt động vận tải khách tại Anh. Những chiếc buýt 2 tầng, biểu tượng của London, là phương tiện đi lại chính của nhiều người dân thành phố. Theo thống kê, mỗi năm hệ thống tàu điện ngầm tại xứ sương mù phục vụ tới 1,2 tỷ hành khách.

Chính vì vậy, dù lo ngại dịch Covid-19, cơ quan chức năng Anh vẫn cho phép phương tiện công cộng duy trì hoạt động.

Ông David Renard, người phát ngôn Hiệp hội chính quyền địa phương cho biết, trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, giao thông công cộng vẫn hết sức quan trọng: “Nhiều nhân viên chủ chốt đang dựa vào xe buýt, tàu điện ngầm để tới chỗ làm. Các y tá cần tới bệnh viện. Những nhân viên chăm sóc xã hội cần đến hỗ trợ những người bị tổn thương”.

Để hạn chế virus lây lan, bên việc vệ sinh, khử khuẩn phương tiện thường xuyên, các hãng vận tải công cộng Anh cũng kêu gọi hành khách không mua vé bằng tiền mặt mà thanh toán qua thẻ hoặc ứng dụng trên điện thoại di động như Apple Pay hay Google Pay.

Arriva Bus - đơn vị điều hành xe buýt cho biết, thanh toán không tiếp xúc là cách hiệu quả nhất để bảo vệ cả tài xế lẫn hành khách. Tất cả những gì bạn cần làm là chạm thẻ vào đầu đọc để thực hiện việc tính phí.

Không chỉ tại Anh, Cơ quan giao thông đường bộ Singapore (LTA) mới đây mời thầu thiết kế, thi công hệ thống thanh toán vé rảnh tay tại các trạm xe buýt và tàu điện ngầm. 

Ngoài giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, hệ thống còn cho phép những người vội đi làm trong giờ cao điểm có thể lên tàu, xe nhanh hơn. Đặc biệt người khuyết tật, người già có thể qua cổng soát vé mà không cần quẹt thẻ thanh toán.

Bà Ku Geok Boon, Giám đốc điều hành một Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật cho biết, đối với những người sử dụng xe lăn việc chạm chiếc thẻ vào đầu đọc khi qua cổng soát vé thực sự là trở ngại lớn. Tuy nhiên, hệ thống mới có thể xóa tan rào cản này: “Theo tôi, hình thức thanh toán rảnh tay sẽ tạo thuận tiện đáng kể cho mọi người đi lại”.

 

Hệ thống thanh toán rảnh tay giúp khách qua cổng soát vé mà không cần quẹt thẻ

Để vận hành hệ thống, các kỹ sư sử dụng công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến (RFID). Khi qua cổng soát vé, hành khách không cần đưa thẻ điện tử vào đầu đọc mà có thể để chúng trong túi áo hoặc túi xách.  

Những cảm biến tích hợp sẽ phát hiện thẻ của hành khách và khấu trừ thẳng giá vé vào tài khoản của người đó. Công nghệ này tương tự như hệ thống thu phí đường bộ không dừng mà Việt Nam đang triển khai.

Theo các chuyên gia, hệ thống đủ thông minh để phân biệt một người qua cổng soát vé và một người chỉ đơn giản là đi ngang qua. Nếu hiệu quả, công nghệ này sẽ chính thức lắp đặt trên 6.000 xe buýt và 400 cổng soát vé tàu điện ngầm trên toàn quốc.

Tan Li Li, 49 tuổi, người phải di chuyển bằng xe lăn cho biết, cô thường sử dụng giao thông công cộng để đi làm hàng ngày. Tuy nhiên thiết bị đọc thẻ điện tử quá cao khiến Tan gặp khó khăn và phải mất rất nhiều thời gian để tiếp cận: “Tôi hy vọng hệ thống rảnh tay sẽ sớm triển khai trên các xe buýt và mở rộng trên toàn quốc”

Đồng quan điểm này, bà Soong Kiang, một người dân Singapore cho biết, không chỉ mang lại lợi ích cho người già, người có vấn đề về di chuyển, cổng soát vé rảnh tay cũng giúp hành khách bình thường lưu thông thuận tiện hơn trong giờ cao điểm. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống thanh toán rảnh tay còn hạn chế tối đa việc tiếp xúc nơi đông người hoặc sử dụng những thiết bị dùng chung.

Tại Việt Nam, nhiều hành khách vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt để mua vé khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mọi người nên hạn chế sử dụng tiền mặt để tránh sự lây lan của virus SARS-CoV-2. 

Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế thế giới cũng đề nghị người dân các nước ưu tiên sử dụng những các giải pháp thanh toán không tiếp xúc (như thanh toán qua mạng, thẻ tín dụng hoặc các dịch vụ thanh toán điện tử bằng thiết bị thông minh…) trong giai đoạn hiện nay, do lo ngại vi rút gây dịch có thể bám trên bề mặt các tờ tiền trong nhiều ngày. 

Để phòng chống dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện đang tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe buýt đến ngày 15/4. Tuy nhiên, khi hoạt động trở lại, việc hạn chế sử dụng tiền mặt cũng cần được cơ quan chức năng tính tới để bảo vệ cả hành khách lẫn tài xế.