Nỗi lo phải ngủ ngoài đường của 2 vợ chồng tài xế taxi

25/03/2020 15:01 971

Thủ đô New Delhi và hàng chục thành phố khác tại Ấn Độ đang chịu lệnh phong tỏa cho tới hết tháng 3 nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19.

Anh Shaikh Bahaduresha, 31 tuổi, đã từng có thời gian phải sống lang thang trên các con phố tại Mumbai, làm nghề lái taxi với thu nhập chỉ vào khoảng 5 đô-la Mỹ/ ngày. Từ khi lập gia đình, anh và vợ đã chuyển tới một căn hộ nhỏ cho thuê. Nhưng trong bối cảnh cả nước đang trong trạng thái phong tỏa để ngừa dịch Covid-19, nguồn thu nhập của Bahaduresha từ nghề lái xe đang bị đe dọa.

Theo quy định mới ban hành, trong thời gian phong tỏa, sẽ không có bất cứ phương tiện giao thông công cộng, taxi, ô tô và xe tuk tuk nào được phép hoạt động, ngoại trừ 25% tổng số chuyến xe buýt của Công ty vận tải Delhi (DTC) để đáp ứng những dịch vụ thiết yếu. 

“Tôi không có tiền tiết kiệm. Nếu tình hình cứ như vậy, sắp tới tôi và vợ sẽ không đủ tiền thuê nhà,và chúng tôi sẽ phải ở ngoài đường”. – Bahaduresha chia sẻ. “Những quốc gia có mức sống cao hơn như Mỹ, họ có thể phong tỏa cả tháng mà không quá lo lắng. Nhưng nếu làm vậy ở Ấn Độ thì chính quyền cần quan tâm tới tầng lớp người nghèo chúng tôi”.

Theo CNA, những người dân sinh sống tại khu ổ chuột Dharavi tại Mumbai, họ ủng hộ chủ trương phong tỏa để chống dịch của chính phủ, nhưng họ cần có sự hỗ trợ. 

Tại khu Dharavi, hiện các khu chợ đã buộc phải đóng cửa, chỉ còn một số thương lái tiếp tục bán rau củ, nhưng họ cho biết hiện nguồn cung từ chợ đầu mối đã không còn.

Nhân viên phun thuốc khử trùng tại một địa điểm công cộng ở Hyderabat, Ấn Độ ngày 22/3/2020, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân khu Dharavi đang phải lo cho bữa ăn của từng ngày, chấp nhận từ bỏ các món ăn tốn kém hơn như thịt cừu. Khatun, 70 tuổi, đã khóc khi cho biết con trai bà, người làm nghề họa sĩ, cũng đã mất việc do lệnh phong tỏa. Ajay Kewat, 21 tuổi cho biết gia đình anh chỉ còn lượng ít ỏi lương thực dự trữ cho vài ngày tới. “Tôi lo rằng chỉ sau 1 tuần nữa thôi, chúng tôi sẽ không còn gì để ăn”. - Kewat cho biết.

Câu chuyện của những người nghèo như Bahaduresha vầ người dân khu Dharavi cho thấy sự khó khăn trong việc giải quyết bài toán phòng dịch mà không ảnh hưởng tới cuộc sống, kế sinh nhai của người dân tại các quốc gia đang phát triển với dân số đông như Ấn Độ.

“Lệnh phong tỏa và các quy định mới ban hành đã và đang đặt trách nhiệm lên vai của những người dân…nhưng họ hiện lại hoang mang khi không biết chính phủ sẽ làm gì kế tiếp” – Ông Gilles Verniers, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Ashoka, New Delhi nhận định. “Xét về mặt truyền thông, đây không giống như một kế hoạch được chuẩn bị chu đáo của chính phủ Ấn Độ”.

Tính tới ngày 23/3, Ấn Độ có 471 ca nhiễm Covid-19, trong đó 9 người đã tử vong.