Nới lỏng giãn cách, dỡ bỏ lệnh cấm bán rượu và nỗi lo TNGT tăng cao

21/05/2020 11:11 130

Nhiều người lo ngại, việc dỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn có thể khiến số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia

Nhân viên khu vực bán đồ uống làm việc hết công suất. Hàng dài khách xếp hàng chờ đến lượt để chất lên xe đẩy những két bia, rượu đủ loại là hình ảnh dễ dàng bắt gặp tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Thái Lan kể từ hôm 3/5 vừa qua.

Tờ Bưu điện Bangkok mô tả, khi đồng hồ điểm đúng 11 giờ, thời gian được chính phủ Thái Lan cho phép bắt đầu kinh doanh bia rượu trong ngày, khách hàng đã ào vào khu vực bán đồ uống. Hầu hết các mặt hàng bị vét sạch chỉ trong vòng 5 phút.

Ông Pratheep Wicchaphin, chủ cửa hàng Hok Kee, ở quận Phimai, tỉnh Nakhon Ratchasima (Na-khon Rat-cha-si-ma) chia sẻ: “Chúng tôi phải nhập thêm bia và rượu whisky bởi trong kho sắp cạn hàng”:

Gần 1 tháng, kể từ khi lệnh cấm bán đồ uống có cồn có hiệu lực, đây được xem là thời điểm người dân Thái Lan ‘giải cơn khát’.

Nhiều người tranh thủ mua hàng tích trữ, bởi lo ngại chính phủ có thể áp đặt trở lại lệnh cấm bán rượu, bia trong thời gian tới.

Đoạn clip ghi lại cảnh đám đông giành giật từng thùng bia tại một siêu thị trên đường Srinakarin, thủ đô Bangkok tạo nên làn sóng chỉ trích khắp các trang mạng xã hội. Đa số ý kiến cho rằng, những người có mặt trong clip hoàn toàn phớt lờ quy tắc giãn cách xã hội. Ngoài ra, hành vi phản cảm này có thể ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Thái Lan trong mắt khách du lịch.

Dù cho phép cửa hàng kinh doanh đồ uống có cồn hoạt động trở lại, nhưng chính phủ Thái Lan quy định, người mua chỉ được uống tại nhà.

Ông Pornpipat Benyasri, Tư lệnh Các lực lượng quốc phòng Thái Lan cảnh báo, các tỉnh phải tuần tra nghiêm ngặt hơn. Những người bị bắt gặp uống rượu, bia nơi công cộng có thể đối mặt án tù 2 năm và số tiền phạt lên tới 40.000 baht.

Khách xếp hàng mua rượu trong siêu thị tại Thái Lan

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra khi lệnh cấm bán rượu, bia được dỡ bỏ, là nỗi ám ảnh nguy cơ tai nạn giao thông có thể tăng cao trở lại.

Gần một tháng qua, việc mua bán, vận chuyển đồ uống có cồn bị cấm tại Thái Lan. Theo tờ Thai Enquirer, lệnh cấm này tác động không nhỏ tới người kinh doanh, thậm chí cả ngành du lịch. Tuy nhiên, một tác động tích cực mang lại là số người chết và số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giảm hẳn, đặc biệt trong những ngày lễ.

Ông Niphon Bunyamanee, thứ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết: “Lệnh cấm bán rượu bia và giãn cách khiến lượng xe cộ giảm và ít người say ngồi sau tay lái” hơn.

Theo Cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai, thuộc Bộ Nội vụ Thái Lan, số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ dịp Lễ Songkran, Tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan, giảm hơn 200 người so với năm 2019. Số vụ tai nạn cũng giảm từ 3.338 vụ năm 2019 xuống còn 1.307 vụ năm 2020, tương đương giảm gần 61%.

Tại Thái Lan, tai nạn giao thông từ lâu là nỗi ám ảnh của nhiều người. Theo thống kê, nguyên nhân uống rượu bia khi điều khiển phương tiện chiếm tới 39% các vụ tai nạn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm Thái Lan có gần 23.000 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ.

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu kéo giảm số người tử vong vì tai nạn giao thông trong năm nay. Tuy nhiên, sau quãng thời gian tai nạn giảm cả 3 tiêu chí, nỗi lo dường như đang quay trở lại khi lệnh cấm bán rượu bia được dỡ bỏ.

Còn tại Việt Nam, sau những ngày giãn cách, tình hình TNGT đang có dấu hiệu phức tạp trở lại. Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, đã kiểm tra, phát hiện xử lý hơn 29.100 trường hợp vi phạm (tăng gần 15.000 trường hợp so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2019), trong đó có 1.830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Nhiều địa phương nhìn nhận sau những ngày giãn cách xã hội, người dân có phần chủ quan hơn với các quy định về an toàn giao thông; có tâm lý "xả hơi", cho rằng lực lượng chức năng sẽ hạn chế tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nên lơ là, cố ý vi phạm pháp luật các lỗi sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ...

Do đó, kể từ ngày 15/5 đến 14/6, lực lượng CSGT toàn quốc ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Sẽ tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, làn đường, phần đường, tránh vượt, vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, lạnh lách, đánh võng, điều khiển xe thành đoàn;

Việc xử phạt nghiêm khắc sẽ góp phần nâng cao ý thức không lái xe khi đã uống rượu bia để hạn chế vi phạm giao thông, với tinh thần nới giãn cách, nhưng không nới Nghị định 100.