Lái xe sử dụng ma túy: Trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp 

29/08/2019 02:36 205

Lái xe đường dài sử dụng chất ma túy gây tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua đang là tâm điểm trong dư luận.

Việc lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện là câu chuyện không còn quá xa lạ. Thế nhưng, đằng sau những phút được coi là tỉnh táo đó là tính mạng của hàng trăm con người vô tội.

Nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao những người nghiện vẫn ung dung được hành nghề lái xe khi đã có quy định về việc giám sát sức khỏe tài xế? Trách nhiệm quản lý các lái xe sử dụng ma túy có phải chỉ thuộc về các doanh nghiệp?

"Chất kích thích ma túy, người ta biết là vi phạm nhưng người ta đâu có sợ, vì chưa có kiểm tra trên đường cụ thể. Mà khi xảy ra thì mới bắt đầu đi kiểm tra nhưng ngăn chặn tốt nhất là cơ quan chức năng trên đường.Tước bằng lái vĩnh viễn thì tài xế sợ ngay. Gọi doanh nghiệp và lái xe đó về, đưa tài xế đó vào trại cai nghiện ngay"

"Vấn đề mà nhức nhối hiện nay, khi một tai nạn xảy ra, trong hồ sơ của tài xế không lưu bất cứ một lỗi nào hết. Kể cả hôm nay ông tới doanh nghiệp A, ông chạy gây tai nạn, người ta giải quyết xong, ông bỏ đó qua doanh nghiệp B gây tai nạn, bỏ đó qua doanh nghiệp C. Đó là chuyện hiển nhiên".

"Thời gian qua, xảy ra một số tai nạn nghiêm trọng tài xế sử dụng chất kích thích, chất ma túy. Khi mà chúng ta quản lý các tài xế để xảy ra các vi phạm không tốt thì chúng ta phải xét về bản chất là nó xảy ra từ đâu".

Trong thời gian qua thực trạng lái xe sử dụng ma túy vẫn chưa được kiểm soát, nhiều vụ tai nạn thảm khốc diễn ra bắt nguồn từ nguyên nhân “phê” ma túy của các lái xe, nhất là lái xe đường dài coi đó là thuốc “an thần” để giữ tỉnh táo khi làm việc.

Các chế tài hiện hành như phạt tiền, tước giấy phép lái xe, chấm dứt hợp đồng lao động… đã và đang được áp dụng nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe và giáo dục, đặc biệt đối với hành vi sử dụng ma túy dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Trước vấn nạn trên, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND Tp.HCM đã đưa ra đề xuất:

“Hiện nay theo khoản 11 điều 5 của nghị định 46 đối với những trường hợp có giấy phép mà gây tai nạn giao thông thị bị tước giấy phép có thời hạn là 22 tháng đến 24 tháng. Tôi cho rằng nó chưa có thực sự răn đe, bởi vì đối với những đối tượng tài xế mà sử dụng chất kích thích thì nó ảnh hưởng lâu dài. Thành phố đã thống nhất với đề xuất các bộ ngành, đối với những trường hợp đã trở thành đối tượng nghiện thì phải tước giấy phép vĩnh viễn, nếu tiếp tục nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tính mạng của rất nhiều người”

Bên cạnh các quy định về chế tài xử phạt đối với tài xế, thì việc ràng buộc trách nhiệm đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải là hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm chính về việc giám sát, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho lái xe.

Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vận tải đã lên tiếng kêu khó trong việc quản lý, cụ thể nhiều tài xế đã sử dụng giấy khám sức khỏe giả, thậm chí họ còn truyền tai nhau cách để “thoát” mỗi lần khám sức khỏe định kỳ như việc tài xế trước khi đến bệnh viện khám sức khỏe, có thể đã ngưng sử dụng chất kích thích một thời gian để giấy khám sức khỏe “sạch”, sau khi đi làm mới sử dụng ma túy lại.

Trên thực tế, ý kiến quan ngại của các doanh nghiệp vận tải là có cơ sở khi mà cơ chế quản lý, giám sát trong quá trình kiểm tra sức khỏe lái xe hiện nay còn khá nhiều bất cập

“Thực trạng hiện nay việc khám sức khỏe chưa được đảm bảo, tình trạng giấy khám sức khỏe giả cũng còn nhiều, khám sức khỏe ở những nơi, những tổ chức không đủ điều kiện cũng nhiều. Qua việc này, chúng tôi kiến nghị công an cũng như các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý những địa điểm, những trung tâm, những nơi tổ chức khám sức khỏe không được đảm bảo”.

Có thể thấy việc quản lý về vấn đề kiểm tra sức khỏe đối với tài xế khi lái xe không chỉ là trách nhiệm của các doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của Bộ, Sở Y Tế, các lực lượng chức năng và Bộ Giao thông vận tải.

Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, xử phạt nặng đối với lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, kiên quyết không cho người nghiện ma túy và chất kích thích lái xe.

Trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp

Câu chuyện báo động về các lái xe đường dài sử dụng chất ma túy gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua đang là tâm điểm trong dư luận, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý của từngđơn vịban ngành liên quan; cũng như đòi hỏi những giải pháp cấp bách và căn cơ, nhằm giải quyết triệt để thực trạng này?

“Tước bằng lái vĩnh viễn, buộc tài xế uống rượu đi lao động công ích”, đây là nội dung trọng tâm được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông Quý I và triển khai kế hoạch Quý II năm 2019 ngày 24/4 vừa qua. Cho thấy, đã đến lúc phải mạnh tay hơn trong công tác quản lý và kiểm soát các lái xe, nhất là các lái xe điều khiển phương tiện trọng tải lớn đường dài.

Bởi từ trước đến nay, cơ sở pháp lý và công tác quản lý tuần tra xử phạt đối với nhiều lái xe được xem là còn nhiều “lổ hỏng”. Việc tịch thu giấy pháp lái xe có thời hạn đối với các tài xế sử dụng chất ma túy gây tai nạn là chưa đủ sức răn đe.

Tình trạng buông lỏng kiểm tra quản lý trên đường về trật tự an toàn giao thông cho các lái xe. Nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ xe trong hoạt động kinh doanh vận tải như khoán trắng cho lái xe, tạo áp lực doanh thu và thời gian; thậm chí vấn đề kiểm tra sức khỏe định kỳ thời gian qua của cả doanh nghiệp và đơn vị nhà nước còn thực hiện chưa tốt.

Trong khi một bộ phận tài xế thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông, vi phạm luật giao thông, sử dụng giấy phép lái xe giả, thiếu đạo đức của nghề lái xe. Chưa kể, ngay cả vấn đề quản lý xã hội về các “con nghiện ma túy”, các tổ chức tội phạm hoạt động về ma túy có chiều hướng diễn tiến phức tạp, cũng là một trong những nguyên nhân đã dẫn đến thực trạng đáng báo động như hiện nay.

Như vậy, bên cạnh việc điều chỉnh cơ sở pháp lý, có chế tài thật nặng về hành chính lẫn trách nhiệm hình sự đối với tài xế cố tình vi phạm sử dụng chất ma túy khi lái xe, phải đặt gánh nặng cao hơn về vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý của từng đơn vị liên quan.

Trước tiên phải nói đến trách nhiệm liên đới của chủ xe và doanh nghiệp,khi sử dụng lái xe phải bảo đảm các điều kiện về lý lịch, giấy phép lái xe, sức khỏe theo tiêu chuẩn; quản lý và theo dõi chặt chẽ sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của lái xe.

Đối với các Sở ban ngành, địa phương phải tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý các “điểm đen” tai nạn giao thông; đặc biệt xử lý nghiêm lái xe sử dụng ma túy ngoài đường là hết sức cần thiết. Đồng thời, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quy trình khám sức khỏe tại các cơ Sở Y tế, xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ nếu có sai phạm. 

Trong công tác phòng chống tội phạm, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi buôn bán ma túy, chất gây nghiện, nhất là với các tài xế đường dài.Nếu phát hiện lái xe có dấu hiệu sử dụng chất ma túy hoặc kiểm tra dương tính với chất ma túy, phải cấm ngay việc điều khiển phương tiện trước khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng; đồng thời cả cộng đồng, cơ quan, đoàn thể xã hội cần vận động đối tượng đi cai nghiện.

Tuy nhiên, sự quyết liệt của các lực lượng chức năng và doanh nghiệp là chưa đủ. Quan trọng là ý thức, đạo đức của mỗi người lái xe trong việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định về luật giao thông, các nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông, cũng như tôn trọng và bảo đảm tính mạng con người khi tham gia giao thông.

Có như vậy mới hạn chế được số vụ tai nạn giao thông đau lòng do tài xế nghiện ma túy gây ra trong thời gian tới.