Dồn sức chống dịch, đừng lơ là chống xe quá tải

17/04/2020 11:03 745

Hiện chỉ có khoảng 40 tỉnh thành thực hiện việc kiểm soát xe quá tải

theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN trong tháng 3/2020. Tình trạng này đe dọa phá vỡ những nỗ lực kiểm soát tải trọng suốt nhiều năm qua. Phải chăng cả nước đang dồn sức chống dịch COVID-19 nên công tác kiểm soát xe quá tải bị lơ là?

Thời gian qua, do dồn sức chống dịch khiến công tác kiểm soát tải trọng đối với việc vận chuyển quặng còn bị gián đoạn, thiếu tính liên tục

Thời gian qua, do dồn sức chống dịch khiến công tác kiểm soát tải trọng đối với việc vận chuyển quặng còn bị gián đoạn, thiếu tính liên tục

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 3 vừa qua, các trạm kiểm soát tải trọng xe cố định, lưu động, Thanh tra các Sở GTVT và các Cục Quản lý đường bộ đã kiểm tra hơn 11.300 xe, qua đó phát hiện và xử lý hơn 1.430 xe vi phạm, chiếm tỷ lệ hơn 12,6%.

Qua theo dõi của Tổng cục Đường bộ VN cho thấy, hiện chỉ có khoảng 40 địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động. Đánh giá của Tổng cục Đường bộ VN cũng chỉ rõ, có hiện tượng buông lỏng quản lý nên tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn lưu thông trên các quốc lộ và đường địa phương.

Cụ thể, tình trạng xe quá tải diễn ra ở rất nhiều tỉnh, thành phố, nhiều tuyến Quốc lộ như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… Đánh giá về điều này, ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ VN cho biết:

"Nguyên nhân mà không làm, các địa phương không làm có nhiều lắm, ví dụ Sơn La chẳng hạn, họ không làm, lý do là bảo không có người. Còn một số tỉnh nữa thì… nói thẳng ra trong đó có câu chính quyền buông lỏng là có đấy. Chỉ cần những người có thẩm quyền, có chức năng mà nói không với xe quá tải thì không xe nào dám chạy cả".

Ngoài việc để xe quá tải tái diễn, Tổng cục Đường bộ VN cũng đánh giá, hiện tượng xe cơi nới thành thùng, xe quá khổ giới hạn đường bộ, xe chở hàng siêu trường siêu trọng không có giấy phép lưu hành hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả vẫn lưu thông trên các tuyến đường.

Ông Nguyễn Trọng Hài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai – một trong những địa phương được “điểm mặt, chỉ tên” để xe quá tải tái diễn cũng thừa nhận, thời gian qua, do dồn sức chống dịch khiến công tác kiểm soát tải trọng đối với việc vận chuyển quặng còn bị gián đoạn, thiếu tính liên tục, đặc biệt là trên các tuyến tỉnh lộ 151, 151C, quốc lộ 279, cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Sau khi có phản ánh của người dân về tình trạng xe tải lưu thông trên Quốc lộ 279 dẫn vào mỏ quặng trên địa bàn huyện Văn Bàn, Sở GTVT tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra lập 2 chốt cố định sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng toàn bộ xe chở quặng lưu thông trên địa bàn:

"Lực lượng thanh tra GTVT chủ trì phối hợp với cấp huyện, huyện Bảo Thắng và huyện Văn Bàn thêm vào, đủ thành 10 người để làm 3 ca liên tục. Vì nắm yết hầu như thế thì sẽ đi vào nề nếp thôi".

Ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, 3 tháng đầu năm, đơn vị này đã phát hiện và xử lý 315 trường hợp xe chở quá tải, 16 trường hợp xe vi phạm kích thước thành thùng xe… giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Tiến, lực lượng Thanh tra GTVT phải chia nhỏ lực lượng để bố trí tại 30 chốt phòng dịch tại các cửa ngõ ra vào Thành phố, song vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý xe quá tải:

"Ngoài thực hiện các vị trí chốt trực kiểm dịch thì Thanh tra Sở GTVT Hà Nội vẫn bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, đặc biệt là những vi phạm về tải trọng cầu đường, vi phạm về tải trọng xe trên địa bàn Thành phố".

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cũng cho rằng, ngoài tác động của dịch Covid-19 khiến lực lượng chức năng giảm bớt mức độ kiểm soát xe quá tải, còn có nguyên nhân từ việc phân công trách nhiệm quản lý.

Cụ thể, Thanh tra các Sở GTVT các địa phương không quản lý các tuyến Quốc lộ do Trung ương quản lý, còn lực lượng, thiết bị của thanh tra các Cục Quản lý đường bộ lại không đủ lực lượng triển khai trên các tuyến Quốc lộ, khiến hiệu quả xử lý bị hạn chế:

"Cơ bản nhất vẫn phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, trong đó phân công chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng phù hợp, không bị chồng chéo, không bị bỏ sót địa bàn; thứ 2 nữa có sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương với địa phương, giữa lực lượng thanh tra giao thông với cảnh sát, thường xuyên triển khai công tác này ổn định, khép kín địa bàn. Có như vậy mới kiểm soát được".

Về phía các tài xế, họ đều viện lý do để bao biện cho hành vi chở quá tải của mình: 

"Cái này thì mình chở đầy thêm tí vì xe bây giờ họ trọng tải chở được ít thì mình chở dôi thêm một ít để lấy thêm tiền cước vì xe bây giờ chở không được đáng bao nhiêu".

"Thực tế bây giờ tôi chỉ điều khiển theo yêu cầu của chủ, bảo thế nào tôi làm như thế thôi".

Phòng chống dịch nhưng không lơ là xử lý xe quá tải (Ảnh: tạp chí giao thông)

Nạn chở quá tải đang có dấu hiệu tái diễn, đặc biệt trong tháng 3/2020, khi cả nước dồn sức chống dịch bệnh. Dưới góc nhìn của VOVGT, để làm “chặt” việc kiểm soát tải trọng, thì cần khẩn trương khắc phục những bất cập lâu nay trong quy định đang tạo kẽ hở cho sự buông lơi trách nhiệm.

Siết xe quá tải, không thể để trách nhiệm buông lơi

Tỉnh lộ 181 qua phố Keo – Sủi, Gia Lâm Hà Nội, suốt mấy năm nay là nỗi bất an thường trực của người tham gia giao thông và người dân sống 2 bên đường. Mặt đường bị cày xới, phá nát, hình thành những cái ao ngày mưa, “bẫy” hàng loạt xe con, xe máy, chưa sửa xong đã hỏng. Bất chấp biển cấm, những chiếc xe siêu trường, siêu trọng vẫn chạy rầm rập ngày đêm.

Đường Hoàng Tăng Bí, quận Bắc Từ Liêm, cũng trong tình trạng tương tự. Không chỉ là thủ phạm phá đường, những chiếc xe tải xe ben phớt lờ biển cấm còn ngang nhiên kéo theo đất cát, gây ảnh hưởng an toàn giao thông và ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngay giữa Thủ đô, khi các nguồn thông tin được phản ánh và kiểm chứng nhanh chóng, khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thường xuyên, mà vẫn còn xảy ra tình trạng này, thì các địa bàn có dấu hiệu buông lỏng việc kiểm tra tải trọng, mức độ sẽ ra sao?

Thực tế, hiện tượng đó đang diễn ra trên một số tuyến đường do địa phương quản lý, theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Con số  1400 trường hợp vi phạm bị phát hiện chiếm khoảng 12% số trường hợp được kiểm tra tải trọng trong tháng 3, do vậy không phản ánh hết được tình hình.

Trong hơn một năm kể từ khi cảnh báo về nạn quá tải bùng phát trở lại được đưa ra, vẫn có thêm 2 cây cầu ở Đồng Tháp và Bến Tre bị sập do xe quá tải. Vẫn có những tố cáo về hành vi “bảo kê” xe quá tải từ chính lực lượng thực thi pháp luật, khiến Bộ Công an phải vào cuộc.

Và mới đây nhất, VOVGT vẫn nhận được phản ánh của các thính giả khu vực phía Nam, về những đoàn xe ben phóng bạt mạng, vừa chạy vừa lạng lách ganh đua, trước nỗi khiếp sợ của người chứng kiến. 

An toàn giao thông, trật tự xã hội đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp trong thời kỳ dịch bệnh này. Vi phạm về tải trọng cũng là một trong những biểu hiện đó. Với tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh lên hoạt động kinh tế, vi phạm quá tải sẽ có xu hướng ngày càng gia tăng, nhằm giảm thiểu chi phí vận tải.

Nhưng khác với sự gia tăng của TNGT, đua xe, hay trộm cắp cướp giật, tình trạng quá khổ quá tải đã tái xuất trong thời gian tương đối dài, cũng không phải đợt tái phát đầu tiên. Những diễn biến trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng hoàn toàn nằm trong tiên lượng. 

Cần rà soát kỹ lượng việc phân chia địa bàn, phân công trách nhiệm, để không có những “vùng trắng” kiểm soát tải trọng (Ảnh: ATGT)

Do vậy, để các kết quả của chiến dịch đẩy lùi vấn nạn xe quá tải đạt được một cách bền vững, chấm dứt tình trạng cứ lơi lỏng lại tái phát, cần có các giải pháp chặt chẽ, đồng bộ hơn. Mức chế tài tăng nặng cho lái xe và chủ hàng chỉ là phần ngọn. Camera, cân xách tay, cân điện tử cũng chỉ là công cụ bổ sung. Và việc kêu gọi ý thức tự giác của người vi phạm chỉ là ý tưởng lãng mạn siêu thực. 

Điều quan trọng cần làm, là chấm dứt ngay tình trạng chống đối, cù cưa gây khó cho lực lượng xử lý vi phạm quá tải, bằng các quy định bổ sung về thẩm quyền xử lý, về các biện pháp tình thế được áp dụng.

Cần rà soát kỹ lượng việc phân chia địa bàn, phân công trách nhiệm, để không có những “vùng trắng” kiểm soát tải trọng.

Cần ràng buộc quy chế phối hợp liên ngành bằng các quy định cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật, để cùng “bắt tay” một cách chủ động, trách nhiệm từ các bên, giữa cơ quan Trung ương với địa phương, giữa ngành này với ngành kia, chứ không chỉ phối hợp khi có kế hoạch liên ngành.

Nhưng điều kiện tiên quyết, là cần đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật trong công tác kiểm soát tải trọng xe. Nhất định, phải có những cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm một cách công khai, thỏa đáng khi để xảy ra nạn chở quá tải trên địa bàn, bất kể là đại diện cơ quan quản lý nhà nước hay lực lượng thực thi công vụ, một khi vi phạm đã được “điểm mặt chỉ tên”.

Sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật để luôn là quy trình mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự thận trọng. Nhưng gần 10 năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với nạn chở quá tải, với 2 đợt tái bùng phát đe dọa phá vỡ các thành quả rất khó khăn mới đạt được, có lẽ đã là quá đủ để những bất cập trong quy định pháp luật kể trên phải được khắc phục một cách khẩn trương và dứt điểm./.