Bắt buộc thi bằng lái, lý thuyết mới được đi xe điện
Việc các phương tiện cá nhân di chuyển bằng điện, đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ TNGT
Ngày 08/4/2019, Nguyễn Doãn Nam, 16 tuổi, người Việt Nam đến Singapore để thăm bạn. Sự việc xảy ra khi Nam mượn xe của một trong những người bạn để đi mua đồ tại siêu thị. Khi quay về từ siêu thị, Nam đã đi xe ngược chiều, sát vỉa hè, đâm vào người đi bộ là ông Teo Kok Hock đang chuẩn bị sang đường, gây chấn thương và trầy xát chân. Đến gữa tháng 12/2019, Nam bị toà án tuyên phạt giam 1 tuần vì điều khiển xe điện cẩu thả, đâm vào người đi bộ.
Trước đó, dư luận Singapore tức giận sau khi một thanh niên 20 tuổi, điều khiển xe điện quá tốc độ, đâm một người cao tuổi bị thương nặng đến mức tử vong sau tai nạn 4 ngày.
Bên cạnh đó, số lượng người điều khiển phương tiện gặp tai nạn và bị thương nặng đã tăng lên gấp đôi thành 23 vụ trong năm 2018 so với chỉ 10 vụ trong năm 2017, theo Strait Times.
Nếu không kịp thời có biện pháp siết chặt quản lý và nâng cao nhận thức, số lượng các vụ tai nạn và thương vong sẽ còn tăng cao bởi nhu cầu sử dụng phương tiện điện đang không ngừng gia tăng. Khảo sát gần đây nhất do Pike Research thực hiện cho thấy thị trường này đang có mức tăng trưởng ấn tượng, số lượng xe đạp điện có thể đạt mức trên 50 triệu xe với doanh thu khoảng hơn 13 tỉ USD.
Do đó, Bộ Giao thông Singapore vừa chấp nhận toàn bộ đề xuất quản lý và nâng cao an toàn giao thông do Hội đồng Cố vấn Phương tiện Di động Chủ động đưa ra. Đáng chú ý, sẽ hạn chế đối tượng được sử dụng phương tiện di chuyển bằng điện phải từ 16 tuổi trở lên và thêm quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện. Đồng thời, tất cả những người sử dụng phương tiện điện này phải thi lý thuyết trước khi được lái xe trên đường.
Ông Denis Koh, Chủ tịch Cộng đồng Big Wheels Scooter cho biết:
“Các bài thi lý thuyết sẽ tập trung vào những câu hỏi như: Cách nhận biết các loại đường và đường nào là đường cho phép sử dụng xe điện? Tốc độ tối đa của xe điện là bao nhiêu? Làm thế nào để tránh các vật thể trên đường như người đi bộ trong quá trình điều khiển phương tiện… Tất cả nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm chia sẻ đường của người dân”.
Chính phủ Ấn Độ đã bắt buộc thi bằng lái xe điện từ năm 2018
Còn tại Ấn Độ, từ năm 2018, Bộ Giao thông nước này quy định: Người sử dụng phương tiện điện từ 16-18 tuổi bắt buộc phải thi lấy bằng lái xe điện. Đồng thời, nhóm đối tượng này chỉ được phép điều khiển phương tiện có động cơ điện tối đa 4 kilowatt.
Với quy định mới, chính phủ Ấn Độ kỳ vọng nó có thể giúp thay đổi tích cực hệ thống giao thông nước sở tại. Nước này đã chứng kiến không ít vụ tai nạn liên quan tới xe điện do học sinh, sinh viên điều khiển. Việc bắt buộc những đối tượng này phải thi lấy bằng lái sẽ giúp họ hiểu rõ hơn quy định, luật giao thông và nâng cao kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông.
Tuy vậy, chính quyền địa phương cũng nhấn mạnh, các bậc cha mẹ cần phải theo dõi sát sao và đảm bảo con cái mình sử dụng mũ bảo hiểm tốt, đạt chuẩn khi lưu thông trên đường.
Ông Anil Chikkara, chuyên gia về cấp phép xe cơ giới nhận định: “Đây là động thái tốt của chính phủ. Mỗi thanh niên điều khiển phương tiện điện đều phải thi lấy bằng lái. Họ phải biết rõ tầm quan trọng của các biển báo, đèn tín hiệu giao thông và quy định, luật giao thông đường bộ. Các em cũng cần biết rõ trách nhiệm của người điều khiển phương tiện trong trường hợp xảy ra tai nạn… Đồng thời, sẽ tốt hơn nếu nhà trường phối hợp giáo dục, nâng cao nhận thức về vấn đề này”. Còn Nikita Vashisht, phóng viên của Moneycontrol News cho biết:
“Ngoài việc nâng cao nhận thức và an toàn với học sinh sinh viên khi sử dụng xe điện, mục đích của chính phủ khi đưa ra quy định này là nhằm quản lý để thúc đẩy việc sử dụng xe điện rộng rãi trong người dân, giúp giảm thiểu tác hại của khói bụi với môi trường trong bối cảnh Ấn Độ đang là một trong những quốc gia vô cùng ô nhiễm”.
Còn tại Việt Nam, các phương tiện cá nhân di chuyển bằng điện, chủ yếu là xe đạp điện đang phổ biến trong đối tượng học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy vẫn có nhiều người trong nhóm đối tượng này không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về TTATGT.
Theo nghị định số 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định và mức xử phạt đối với xe đạp điện đã tương đương với xe máy. Tuy nhiên, lại chưa có quy định bắt buộc thi sát hạch lý thuyết đối với xe máy điện. Do đó, để có thể khiến xe điện thực sự an toàn trong đời sống, chúng ta sẽ cần nhiều hơn là chỉ những quy định xử phạt.