Lo ngại phi công thui chột kỹ năng vì nghỉ bay quá lâu
Trong bối cảnh hàng không ảm đạm, đóng băng do dịch COVID-19, nhiều phi công phải tạm nghỉ việc
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết, thiệt hại mà các ngành hàng không toàn cầu có thể phải gánh chịu trong năm 2020 như sau: nhu cầu cả năm sẽ giảm 38% và doanh thu hành khách cả năm giảm 252 tỉ USD so với năm 2019. Khả năng các hãng hàng không có thể phải "đốt" 61 tỉ USD dự trữ tiền mặt của họ trong quý 2.
Mới đây nhất, do nguồn thu sụt giảm, hãng hàng không Mỹ United Airlines đã phải bán và thuê lại 22 phi cơ cho doanh nghiệp cho thuê máy bay Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ giúp United Airlines duy trì được nguồn tiền mặt trong thời điểm đang thua lỗ nghiêm trọng vì dịch Covid-19.
Không có doanh thu, hầu hết các hãng phải cắt giảm hoặc cho nhân viên nghỉ không lương, khiến nhiều người lâm vào cảnh “thất nghiệp tạm thời”.
Adrian, một phi công của hãng JetBlue, Mỹ chia sẻ: “Thật khó tin khi cách đây 6 tháng, các hãng vẫn tìm mọi cách để có thêm phi công. Nhưng giờ thì tôi mới nhận email của công ty chủ quản, nói rằng họ sẽ cho tôi nghỉ hưu sớm, trong khi tôi vẫn còn tới 1 năm nữa.”
Với các phi công, không chỉ về nguồn thu, họ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác. Để có đủ điều kiện thực hiện cả chuyến bay ngày và đêm, một phi công cần hoàn thành tối thiểu 3 chuyến bay giả lập mỗi 90 ngày, chỉ được tính khi phi công đó thực hiện thành công cả hai công đoạn cất cánh và hạ cánh.
Đồng thời, theo cựu phi công Adam Twidell, bài kiểm tra giả lập sẽ luôn đặt ở mức khó cao nhất để đảm bảo tính chân thực. Các bài kiểm tra giả lập luôn là công cụ hữu hiệu để các phi công mài dũa kĩ năng; và phải thực hiện kiểm tra tại các cơ sở đào tạo phi công, nơi có các buồng giả lập tối tân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, như tại Anh, hầu hết các cơ sở đào tạo phi công phải đóng cửa. Theo CNN, lệnh phong tỏa tại nhiều quốc gia đã khiến khoảng 290 nghìn phi công phải ở nhà.
Một phi công mỗi năm phải hoàn thành rất nhiều kì kiểm tra nếu muốn đủ điều kiện hành nghề. Ảnh: Getty Images
Giả sử khi ngành hàng không dần khôi phục trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều phi công phải chờ tới lượt để thực hiện bài kiểm tra, nếu không họ sẽ không được bay.
Thực tế không chỉ ở bài kiểm tra bay giả lập, còn hàng loạt các kì kiểm tra khác mà phi công phải thực hiện như kiểm tra giấy phép, kiểm tra trình độ mỗi 6 tháng; đi kèm với nhiều khóa huấn luyện bắt buộc khác như cứu hỏa, sơ cứu, sơ tán v.v…
Karlene Pettit, phi công người Mỹ chia sẻ: “Nếu không được luyện tập, bạn sẽ dần quên đi các kĩ năng. Phần lớn phi công làm việc dựa trên nhận thức. Nếu luôn duy trì nó, phi công sẽ không mất kỹ năng. Sẽ rất tốt nếu hãng hàng không có công cụ đào tạo trực tuyến cho phi công để họ thực hành và duy trì kỹ năng khi ở nhà cho tới khi trở lại bầu trời”.
Để giúp giảm nhẹ áp lực tích tụ liên quan tới việc hết hạn bằng phi công hay các chứng nhận có liên quan, giới chức quản lý nhiều nơi đang gia hạn thời gian cho phi công, hãng hàng không. Theo ông Martin Robison, Giám đốc chi nhánh tại Anh của Hiệp hội các chủ sở hữu và phi công máy bay:
“Chúng tôi đang làm hết sức có thể. Chúng tôi kết nối, trò chuyện với các cơ quan chức năng trong ngành hàng không cả ở Mỹ, Châu Âu và nhiều nơi khác để có thể thống nhất về việc gia hạn các chứng nhận, bằng lái của phi công trong thời gian này.”
Tại châu Âu, Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đã gia hạn hạn chót đối với việc thực hiện các yêu cầu nhất định về điều kiện hoạt động. Theo đó, mỗi hãng hàng không chỉ cần trình kế hoạch tập huấn phi công chi tiết để EASA đánh giá. Nếu kế hoạch đáng tin cậy, EASA có thể gia hạn thời gian cho hãng.
Ở Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang sẽ không thực hiện hành động pháp lý với phi công nếu họ không tuân thủ tiêu chuẩn thời hạn chứng nhận y tế nếu giấy chứng nhận này hết hạn trong giai đoạn 31/3 tới 30/6/2020.