Đau đầu vì thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm vì TNGT do động vật

28/05/2020 13:39 27

Tai nạn giao thông liên quan đến động vật đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi tham gia giao thông…

Trên thế giới, mặc dù chưa có thống kê cụ thể về số vụ tai nạn giao thông liên quan đến động vật nhưng vấn nạn này đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi tham gia giao thông. Điều này hiện cũng khiến các nhà quản lý phải đau đầu.

Kangaroo là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhiều hơn so với tất cả các loài động vật khác cộng lại tại Australia

Chuột túi Kangaroo vốn là biểu tượng của đất nước Australia, với số lượng lên tới khoảng 60 triệu con. Tuy nhiên, số liệu mới đây cho thấy, những chú chuột túi lại là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhiều hơn so với tất cả các loài động vật khác cộng lại.

Theo thống kê của công ty bảo hiểm AAMI, Kangaroo là nguyên nhân của 9 trong số 10 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến động vật.

Cụ thể, công ty bảo hiểm AAMI đã phân tích gần 20.000 báo cáo đường bộ trong năm 2015. Theo đó, số vụ tai nạn do Kangaroo gây ra chiếm tới 88%. Còn chuột túi wallaby là 6%, gấu túi 3%, chó 2%, các loài động vật khác là 1%.

Ông Michael Mills, người phát ngôn công ty bảo hiểm AAMI cho biết, va chạm giữa xe cộ và động vật tại Australia tăng khoảng 68% trong mùa Đông: “Mùa đông trời thường tối nhanh hơn. Điều đó có nghĩa chúng ta ở trên đường cùng thời điểm những loài động vật khác cũng đang di chuyển. Bên cạnh đó, thời tiết xấu và tầm nhìn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến va chạm giữa các phương tiện tham gia giao thông và động vật tăng cao”.

Không chỉ tại Australia, nhiều nước có tuyến đường nằm giữa hoặc song song với những khu vực có nhiều động vật hoang dã đi lại tự do thường gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện khi di chuyển qua đây.

Hồi tháng 5 vừa qua, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại bang South Carolina (Mỹ) khiến một phụ nữ cùng 2 con nhỏ thiệt mạng khi xe của họ đâm phải một con cá sấu đang bò ngang qua đường.

Nạn nhân là cô Amber Stanley (24 tuổi) chở 2 con nhỏ Jack (4 tuổi) và Autumn (2 tuổi) từ nhà ở Florida đến thành phố Myrtle Beach thì gặp nạn. Điều tra cho thấy, xe của Stanley đâm phải con cá sấu dài gần 3 m; rồi lao vào gốc cây và bốc cháy khiến 3 mẹ con thiệt mạng.

Theo thống kê tại Mỹ, trừ những va chạm nhỏ với mức thiệt hại dưới 1000 đô la, có tới hơn 1 triệu va chạm giữa phương tiện giao thông và động vật lớn xảy ra hàng năm. Những tai nạn này gây thiệt hại khoảng 8 tỷ đô la là tiền sửa xe, dịch vụ y tế cũng như chi phí khác.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc mở nhiều tuyến đường du lịch xuyên qua những khu rừng có động vật hoang dã sinh sống là nguyên nhân tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Ông Tony Clevenger, một chuyên gia giao thông chia sẻ: “Khi lái xe trên đường cao tốc, các tài xế rất khó tránh những con vật bởi không thể biết khi nào chúng băng qua đường. Do đó, khi họ phát hiện ra thì sự việc thường là quá muộn”.

Để giảm thiểu nguy cơ va chạm giữa phương tiện giao thông và động vật hoang dã, các nhà quy hoạch tại Mỹ đã nghiên cứu và tìm ra cách giải quyết vấn đề. Theo đó, họ cho xây dựng hàng rào dọc cao tốc để ngăn chặn những con vật lao ra đường. Giải pháp này cho thấy ngay hiệu quả khi số vụ tai nạn giảm tới hơn 50%.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của hàng rào là chúng chia cắt một số quần thể động vật, làm hạn chế khả năng sinh sản cũng như cơ hội tìm thức ăn của các con vật. Nhằm khắc phục tình trạng này, các chuyên gia tiếp tục đưa ra giải pháp xây dựng hầm, cầu vượt tại những khu vực thường xuyên có động vật băng qua đường.

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, các loài động vật dần thích nghi với những lối đi này. Điều đó có nghĩa số vụ va chạm giữa phương tiện giao thông và động vật giảm bớt.

Tình trạng thả rông gia súc trên đường ở nước ta không phải hiếm và cũng không ít những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Trường hợp gia súc gây tai nạn giao thông chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người với mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.

Còn theo Nghị định 46, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng. Thiết nghĩ mức phạt như hiện nay vẫn còn khá thấp và chưa đủ sức răn đe.