Ỷ vào quan hệ để tránh vé phạt, bị phạt gấp 100 lần

17/03/2020 15:11 467

Một quan chức của thành phố New York (Mỹ) vừa bị phạt 5.000 $ (khoảng 116 triệu VNĐ) vì lạm dụng chức vụ để thoát phạt vi phạm giao thông

Theo nhà chức trách, ngày 11/3/2014, bà Vanessa L. Gibson (40 tuổi, Ủy viên Hội đồng thành phố New York, Chủ tịch ủy ban an toàn công cộng) bị cảnh sát yêu cầu dừng xe vì nghi sử dụng điện thoại khi cầm lái. Bà Gibson sẽ phải đối mặt với mức phạt 50$ và trừ 5 điểm bằng lái nếu đây là lần vi phạm đầu tiên.

Ỷ vào quan hệ để tránh vé phạt, quan chức bị phạt gấp 100 lần

Bà Vanessa L. Gibson (40 tuổi, Ủy viên Hội đồng thành phố New York, Chủ tịch ủy ban an toàn công cộng) bị cảnh sát yêu cầu dừng xe vì nghi sử dụng điện thoại khi cầm lái.

Tuy nhiên, bà Gibson đã gọi điện và đưa điện thoại của mình để cảnh sát tại hiện trường nói chuyện với với chỉ huy đang ở nhà vào thời điểm đó.

Qua điện thoại, sĩ quan chỉ huy cho viên cảnh sát biết, bà Gibson là Ủy viên Hội đồng thành phố New York và giữ chức chủ tịch Ủy ban An ninh công cộng, phụ trách việc giám sát sở cảnh sát thành phố và xử lý khiếu nại của người dân.

Sau khi nói chuyện với chỉ huy, được dặn chỉ nhắc nhở và không viết vé phạt, viên cảnh sát đã làm theo, cho bà Gibson đi.

Tuy nhiên, vụ việc bị phát hiện năm 2016, mặc dù phủ nhận việc dùng điện thoại khi lái xe, bà Gibson chấp nhận mức phạt 5.000 đô la (khoảng 116 triệu VNĐ) và thừa nhận vi phạm quy định cấm quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Bà Gibson rất ăn năn: “Đáng ra tôi nên chấp nhận việc bị phạt, và sau đó khiếu nại qua các kênh pháp lý thích hợp. Tôi xin lỗi mọi người vì hành động của mình và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Trong phán quyết, Ủy ban Xung đột lợi ích cho rằng bà Gibson là “một quan chức được bầu nên phải tuân thủ tuyệt đối luật xung đột” và hành vi này “có thể tạo ấn tượng rằng các quan chức nhận luật pháp ưu ái”.

Trước đó, dư luận cũng phẫn nộ về việc bà Caren Turner, một quan chức khác, vì để xin cho con gái vi phạm giao thông mà đã “khoe mẽ” với cảnh sát về chức danh, là bạn của thị trưởng và đang giám hàng trăm cảnh sát.

Hãy nghe đoạn trao đổi giữa vị quan chức này và cảnh sát:

"Tôi ở đây với tư cách là một công dân có liên quan đến vụ việc và là bạn của thị trưởng”.

"Tôi là ủy viên của Cảng vụ, và tôi đang giám sát hơn 4.000 cảnh sát, OK?"

"Chúng ta hãy nghe – trước hết tại sao họ lại bị giữ xe?”

"Không, không, không, đừng gọi tôi là “bà”. Tôi là 'Ủy viên.' Cảm ơn bạn."

Trước vụ việc đáng xấu hổ này, bà Caren Turner phải từ chức. Tuy nhiên, trường hợp của bà Gibson lại khác.

Vụ việc được công khai năm 2016 khi viên cảnh sát xử lý vụ việc khởi kiện thành phố và Sở cảnh sát New York vì ép cô phải tăng số lượng người bị bắt giữ, nhận vé phạt.Khi cô từ chối, cô phải đối mặt với sự trù dập, liên tục bị chuyển công tác, bị giao những ca và vị trí làm việc bất lợi.

Trong đơn kiện, viên cảnh sát kể lại chi tiết về lần dừng xe bà Gibson, nhưng bị bác bỏ.

Luật sư của viên cảnh sát cho rằng khi nhờ huỷ vé phạt vi phạm giao thông, bà Gibson đang trốn tránh trách nhiệm về hành động của mình.

Betsy Gotbaum, Giám đốc điều hành Tổ chức Công đoàn cho biết việc nhờ cấp trên tác động vào việc xử phạt gây ra những lo ngại: “Tại sao bà ấy gọi cấp trên của viên cảnh sát? Đây là câu hỏi của tôi”.

Hiện, phát ngôn viên của Chủ tịch Hội đồng thành phố New York từ chối bình luận về việc liệu bà Gibson có tiếp tục bị kỷ luật hay không. Còn Sở Cảnh sát cũng cho biết viên sĩ quan chỉ huy đã bị điều chuyển công tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị “tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến tiêu cực”

Từng nhiều năm làm Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm giao thông tìm đủ mọi cách để chống đối, chối tội, hoặc “xin tha”.

Thượng tá Quỹ nêu nguyên tắc làm việc:

“Trường hợp cán bộ chiến sỹ có người quen can thiệp khi nghe điện thoại thì giải thích rằng: Chúng tôi đang thực thi pháp luật, đề nghị anh chị, cô bác tạo điều kiện ủng hộ chúng tôi vì hành vi của lái xe đã gây nguy hiêm và nếu không xử lý thì sẽ thành tiền lệ, chính vì vậy chúng tôi lập biên bản theo quy định của pháp luật. Nếu có quan hệ hoặc có tình tiết khác thì đề nghị giải trình hoặc đến giải quyết sau, trên cơ sở đó có tình tiết tằng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét”

Được biết, liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm về Nghị định 100 vào đầu năm nay, Thủ tướng cũng đã có chỉ thị “tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến tiêu cực”. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, từ bỏ tâm thế ỷ lại, cậy quyền thế có như vậy mới có thể xây dựng được một xã hội công bằng, nghiêm minh.