Văn hóa xe buýt đã thay đổi thế nào sau COVID-19?

20/05/2020 10:04 670

Nếu nhìn vào khía cạnh tích cực, có thể thấy, COVID-19 đã khiến thói quen đi xe buýt của nhiều người thay đổi theo hướng văn minh hơn

7h sáng tại điểm dừng chờ xe buýt trên đường Kim Đồng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị Thu Thủy (33 tuổi, nhân viên văn phòng) đang đợi chiếc xe buýt tuyến số 32 lộ trình Bến xe Giáp Bát – Nhổn để đến cơ quan ở Cầu Diễn với tâm trạng thoải mái, không chút gấp gáp.

Chị chia sẻ: Kể từ sau khi xe buýt trở lại hoạt động 100% công suất, chị không phải chờ đợi lâu để lên xe, mỗi chuyến xe cũng không còn cảnh đông đúc, chen chúc hay phải đứng suốt hành trình gần 20km như trước đây. Và điều chị cảm thấy thay đổi tích cực hơn cả là văn hóa tham gia giao thông của hành khách và cả nhân viên xe buýt.

“Bây giờ không còn cảnh chen nhau đi lên để giành chỗ ngồi như trước nữa, vì thứ nhất là không đông người đi như trước và thứ hai là mọi người cũng không muốn đứng quá sát nhau nên cứ lần lượt lên xe thôi. Trên xe mọi người cũng có ý thức giữ vệ sinh chung, không xả rác, vứt rác đúng nơi quy định. Các anh phụ xe cũng nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện. Nói chung là cảm giác văn minh hơn”.

Đồng quan điểm với chị Thủy, chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình, một hành khách quen thuộc trên các chuyến xe buýt của Hà Nội chia sẻ: Anh anh cảm nhận rõ sự thay đổi của xe buýt trước và sau khi đại dịch Covid 19 xuất hiện. Bên cạnh việc lượng khách sụt giảm lớn so với thời điểm trước dịch thì điều thay đổi tích cực nhất đó phương tiện xe buýt luôn trong tình trạng sạch sẽ.

“Cảm nhất của tôi là khi đi xe buýt sau khi hết giãn cách xã hội vào giai đoạn đầu tháng 5 là xe buýt rất sạch. Một số xe còn dán tờ giấy để giãn cách khoảng cách giữa những người ngồi ghế ra. Một số xe thì cũng có được trang bị nước khuẩn rửa tay. Những biến chuyển đó, tôi nghĩ là những hình ảnh khá tích cực”, TS Phan Lê Bình nói.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng UB ATGT quốc gia cho rằng những thay đổi tích cực của người dân khi sử dụng phương tiện công cộng trong mùa dịch Covid 19 cần tiếp tục được phát huy để tạo thành một thói quen, một nét văn hóa tham gia giao thông trong cộng đồng, chứ không phải chỉ có trong thời điểm dịch bệnh.

“Bản thân người dân cũng nhận thức được vấn đề là nếu như mình muốn giữ gìn sức khỏe cho mình và cộng đồng thì mình phải đảm bảo an toàn vệ sinh và từ đó thực hiện nghiêm các quy định chẳng hạn như là đeo khẩu trang, khi cần thiết thì vệ sinh tay rồi khi chúng ta có rác thì chúng ta phải đảm bảo vứt đúng chỗ. Ví dụ như vậy thì tất cả những cái đó đều là những cái nếp rất là tốt. Cái thói quen rất là tốt mà cần phải duy trì và phát huy và tôi nghĩ đấy là những mặt rất tích cực”, ông Trần Hữu Minh cho biết. 

Covid 19 đã khiến thói quen đi xe buýt của nhiều người thay đổi theo hướng văn minh hơn

Những thay đổi tích cực của người dân khi sử dụng phương tiện công cộng trong mùa dịch Covid 19 cần tiếp tục được phát huy để tạo thành một thói quen, một nét văn hóa tham gia giao thông.

Mặc dù vậy, có một thực tế là hiện nhiều người dân vẫn còn e dè khi quay lại sử dụng xe buýt bởi lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid 19. Do đó, các chuyên gia giao thông cho rằng cơ quan quản lý và các đơn vị vận hành cần thực hiện nhiều giải pháp để “thuyết phục” hành khách rằng xe buýt an toàn và thuận tiện.

Theo TS Phan Lê Bình, để đảm bảo an toàn cho người dân khi xe buýt hoạt động trở lại, các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên phương tiện như khử khuẩn bề mặt phương tiện trước khi đón khách và sau khi kết thúc chuyến đi trong ngày, trang bị dung dịch rửa tay, dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên xe.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một bộ phận nhân viên xe buýt chưa thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch khiến hành khách cảm thấy chưa yên tâm khi sử dụng xe buýt.

“Tôi nghĩ là các đơn vị vận hành xe buýt cần phải động viên các bạn phụ xe cũng như lái xe có động thái tích cực hơn nữa trong cái việc thể hiện là chúng tôi đang triển khai các biện pháp để phòng chống dịch bệnh đấy hiện đập vào mắt người dân thì lúc đó mới tạo ra sự tin tưởng cao hơn giúp lôi kéo được người dân quay trở lại sử dụng xe buýt”, TS Phan Lê Bình cho biết. 

Bên cạnh đó, TS Trần Hữu Minh cho rằng: Một chuyến xe buýt không nên quan niệm chỉ có trên xe mà phải là toàn bộ hành trình từ khi người dân bắt đầu bước chân ra khỏi nhà cho đến khi họ kết thúc chuyến đi. Thời gian mà người dân đi bộ trên đường, tiếp cận nhà chờ, thời gian chờ xe, không gian chờ xe đều đóng vai trò hết sức quan trọng đối với chất lượng của chuyến đi xe buýt.

Do vậy, không gian vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh, vệ sinh mặt đường, đặc biệt là công tác tổ chức giao thông tại các điểm đón trả khách của xe buýt cần được đặc biệt quan tâm để mang lại sự thuận tiện nhất cho người dân.

những thay đổi tích cực của người dân khi sử dụng phương tiện công cộng trong mùa dịch Covid 19 cần tiếp tục được phát huy để tạo thành một thói quen, một nét văn hóa tham gia giao thông 

Chi phí cho một chuyến xe buýt cũng là yếu tố khiến người dân cân nhắc có lựa chọn xe buýt hay không

Bên cạnh đó, chi phí cho một chuyến xe buýt cũng là yếu tố khiến người dân cân nhắc có lựa chọn xe buýt hay không. Trên thực tế, giá vé xe buýt hiện nay khá rẻ do được trợ giá, nhưng nó chỉ phản ánh một phần chi phí chuyến đi của người dân bởi thời gian là tiền, nếu như thời gian đi lại quá lâu thì sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. 

TS Trần Hữu Minh phân tích: “Trong rất nhiều cuộc khảo sát gần đây thì thời gian đi lại bằng xe buýt hiện nay cùng một chuyến đi vào giờ cao điểm có thể gấp 2 lần, thậm chí là đến 3 lần một chuyến đi bằng phương tiện cơ giới cá nhân và xe máy thế thì như vậy rõ ràng là mặc dù chi phí vé xe buýt có thể rẻ hơn đấy thế nhưng mà tổng chi phí về thời gian của người dân bỏ ra để cho một chuyến xe buýt lại có thể cao hơn chi phí của chuyến đi xe máy rất nhiều”.

Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng những người làm công tác quy hoạch phát triển vận tải công cộng phải đưa ra các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đưa chi phí tổng thể của một chuyến xe buýt phải nhỏ hơn hoặc ngang bằng các chi phí của chuyến đi khác, có như vậy, người dân mới lựa chọn xe buýt như một phương tiện di chuyển thường xuyên.