Vì tai nạn không có 'bản nháp' nên cần siết chặt sát hạch đường trường
Các phần mềm mô phỏng lái xe vẫn chỉ là mô phỏng, không thể phản ánh hết thực tế giao thông, và luôn có độ “vênh” giữa xử lý trên máy tính với xử lý ngoài thực địa.
Còn với sát hạch, vài cây số ở các địa điểm sát hạch bằng phẳng diễn ra trong ít phút đồng hồ, rất khó nói lên điều gì về kỹ năng xử lý tình huống của người lái.
Bài thi chưa có nhiều địa hình đường sá khác nhau nên chưa đảm bảo những người sau khi nhận bằng lái xe có thể tự mình lái xe an toàn
Thông tư 38 của Bộ GTVT đã có nhiều điểm mới, tiến bộ như quy định các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải bổ sung thêm cabin tập lái điện tử, giám sát thời gian học lý thuyết và thời gian thực hành lái xe, quy định cụ thể về số giờ thực hành lái xe trên đường nhằm nâng cao kỹ năng lái xe của các học viên.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, công tác sát hạch lái xe chưa có nhiều đổi mới, thời gian giám sát học viên lái xe trên đường trường còn ít, bài thi chưa có nhiều địa hình đường sá khác nhau nên chưa đảm bảo những người sau khi nhận bằng lái xe có thể tự mình lái xe an toàn tham gia những cung đường, địa hình đường sá khác nhau.
Ông Lương Duyên Thống- Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và Người lái – Tổng cục đường bộ cho biết, trong quá trình sát hạch lái xe rất khó để các học viên có thể lái xe ở các quãng đường có địa hình khác nhau, điều kiện thời tiết khác nhau vì mỗi một địa phương có những điều kiện địa lý khác nhau.
Bởi vậy, trong Nghị định 138 của Chính phủ và Thông tư 38 Bộ GTVT yêu cầu đưa nội dung tập lái ở trên cabin tập lái có mô phỏng lại toàn bộ đường đèo dốc, đường trơn trượt, đường trời mưa tuyết, đường lên cầu, xuống phà…. để người học có thể trải nghiệm. Hiện nay, công tác sát hạch lái xe của Việt Nam được một số tổ chức quốc tế đánh giá tương đối hiện đại:
“Tại Việt Nam ngoài cán bộ sát hạch hiện nay mình đang sử dụng thiết bị chấm điểm tự động kể cả sát hạch ở trên đường nên việc công khai, khách quan, chông sự can thiệp của người sát hạch vào kết quả sát hạch cũng được tổ chức quốc tế đánh giá tương đối hiện đại. Chất lượng học viên của Việt Nam được đánh giá tổng hợp cả trong quá trình đào tạo và sát hạch”.
Ông Trần Văn Toản- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cũng cho rằng, với sự đa dạng địa hình và mức độ khó của bài thi sát hạch lái xe trong hình hiện nay, nếu vượt qua, học viên hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu căn bản khi lái xe ngoài đường trường:
“Đầu ra về đào tạo lái xe của Việt Nam hoàn toàn tốt và đáp ứng được đòi hỏi vì trong sân sát hạch đã đầy đủ các tình huống, đánh giá rất tốt. trong sa hình có nhiều địa hình như đường đồi núi như dốc đề pa, đường đồi núi quanh co, … trong bài sa hình tối ưu , tương đối đầy đủ cung đường. Nếu không lái xe tốt không thể đỗ. Nếu không lái xe thành thạo không đi nổi”.
Ông Lương Duyên Thống nêu dẫn chứng, rất ít quốc gia khác trên thế giới cho phép học viên lái xe trên nhiều địa hình đường sá khác nhau trong thời gian sát hạch. Tại Úc, những người tập lái và những người mới nhận bằng sẽ không được lái xe trên đường cao tốc trong vòng 2 năm.
Việc sử dụng thiết bị giám sát trên phương tiện sát hạch cùng với người giám sát đảm bảo tính khách quan, minh bạch hơn so với quá trình sát hạch chỉ phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người giám sát.
Tại một số quốc gia trên thế giới, Nhà nước không quản lý đào tạo lái xe mà giao cho các tổ chức, đơn vị cá nhân tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe, tuy nhiên thời gian thực hành lái xe trên đường trường đặc biệt được chú trọng.
Anh Nguyễn Chung- một người đang sinh sống tại Đức cho biết: Tại Đức, giáo viên dạy lái xe phải kèm học viên lái xe đường trường đủ 20 giờ trên mọi địa hình từ đường ven đô, đường cao tốc, đường ban đêm. Giáo viên hướng dẫn lái xe phải chịu trách nhiệm về chất lượng, kỹ năng lái xe của các học viên:
“Ông thầy giáo đi theo mình sẽ tự quyết định, lái xe đi thi có thể đỗ được, còn nếu ông giáo mang 10 học sinh đến mà không dỗ được, người ta không cho ông làm thầy giáo nữa. Nghĩa là ông phải dạy người ta hẳn hoi để người ta đỗ”.
Còn tại New Zealand, một cá nhân để được cấp bằng lái xe vĩnh viễn sẽ phải có giấy chứng nhận vượt qua kỳ thi lý thuyết và phải vượt qua kỳ thi để được nhận giấy phép lái xe tạm thời . Ông Paul Bryant cho biết:
“Những người sở hữu giấy phép lái xe tạm thời chỉ được phép tự lái xe trong khoảng thời gian từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối với một số người ngồi trên xe nhất định. Sau khi có giấy phép lái xe tạm thời trong 18 tháng, người lái xe có thể đăng ký thi để sở hữu bằng lái xe vĩnh viễn”.
Mỗi một quốc gia có những quy định khác nhau về quản lý công tác đào tạo và sát hạch lái xe, tuy nhiên đa phần đều hướng đến mục tiêu học viên sau khi nhận giấy phép lái xe có thể tự mình lái xe tham gia giao thông đảm bảo an toàn. Hiện nay, tại Việt nam đã có quy định cụ thể về số km học viên phải thực hành lái xe trên đường trường và trong sân tập.
Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua, nhiều trung tâm đào tạo lái xe vì lí do giảm chi phí nên đã “lách luật” cắt giảm những địa hình đường phức tạp hoặc thời gian lái xe đường trường nên nhiều học viên sau khi nhận bằng muốn tham gia giao thông buộc phải thuê thầy dạy thêm.
Bởi vậy thời gian tới, cùng với những yêu cầu của Thông tư 38 về việc bố trí thiết bị giám sát thời gian thực hành lái xe của học viên, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét, bổ sung thêm những quy định về sát hạch lái xe đường trường hoặc quy định trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo sát hạch lái xe.
Tất cả những tình huống tai nạn đều có nguyên nhân chung từ việc thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện trên các dạng địa hình khác nhau
Bất cứ học viên nào khi học lái xe đều mong muốn có được những kỹ năng lái xe thực tế để có thể tham gia giao thông ngay sau khi nhận bằng. Tuy nhiên, hiện nay tấm bằng lái mới chỉ là giấy phép để được điều khiển xe, chứ chưa phải là chứng chỉ an toàn.
Sát hạch đường trường: Đừng làm kiểu “nháp”
Về nguyên tắc, một khi đã được cấp bằng lái, người lái xe có thể tự mình lựa chọn cung đường, địa hình, không phụ thuộc vào số năm được cấp bằng, không phụ thuộc vào số kilomet an toàn tích lũy được, mà chỉ phụ thuộc vào mức độ tự tin của bản thân người điều khiển xe. Bởi pháp luật hiện tại không có quy định nào giới hạn điều này.
Nhưng sự tự tin của người lái lại là một yếu tố cực kỳ chủ quan, đôi khi khác rất xa so với kỹ năng thực tế. Vậy nên, thời gian qua, vẫn xảy ra không ít vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế lạ đường, không quen đường dèo dốc, đường cong cua, phạm phải những sai lầm “chết người” như giảm tốc độ không đủ, thừa lái hoặc thiếu lái khi vào cua, không sử dụng đầy đủ tín hiệu cảnh báo ở những đoạn khuất tầm nhìn, vượt xe khi không đủ điều kiện an toàn để vượt, rà phanh liên tục dẫn đến mất phanh, v.v.
Cũng có không ít vụ TNGT xảy ra trên đường cao tốc, nơi được coi là có mức độ an toàn cao hơn hẳn so với các loại đường bộ khác, do lỗi tốc độ, khoảng cách, lỗi tín hiệu khi chuyển làn, vi phạm các nguyên tắc an toàn khi ra, vào cao tốc…
Ngay cả trên đường đô thị, không ít vụ “xe điên” nhầm chân phanh với chân ga, lao vào hàng loạt phương tiện, phần nhiều do người lái bị giật mình, hoảng loạn sau một sự cố bước đầu, rồi dẫn đến mất kiểm soát trong các xử lý tiếp theo.
Tất cả những tình huống tai nạn này đều có nguyên nhân chung từ việc thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện trên các dạng địa hình khác nhau, trong các tình huống bất ngờ khác nhau. Mà với nội dung đào tạo lái xe cũng như yêu cầu sát hạch hiện tại, hoàn toàn không cần đến các kỹ năng đó vẫn có thể vượt qua.
Bởi, chương trình đào tạo chỉ quy định về số giờ học thực hành, không cần biết thực hành trên dạng đường nào. Thậm chí với sự giới hạn của các cung đường học lái, thì nhiều khi muốn học đầy đủ kỹ năng, cả thầy và trò phải “lách” để được đi học đường đèo dốc.
Các phần mềm mô phỏng lái xe được đưa vào tới đây sẽ giúp ích đáng kể cho người học hình dung rõ hơn về tình huống giao thông đa dạng trên đường. Nhưng sự mô phỏng vẫn chỉ là mô phỏng, không thể phản ánh hết thực tế giao thông, và luôn có độ “vênh” giữa xử lý trên máy tính với xử lý ngoài thực địa.
Còn với sát hạch, vài cây số đường trường ở các địa điểm sát hạch bằng phẳng diễn ra trong ít phút đồng hồ, rất khó nói lên điều gì về kỹ năng xử lý tình huống của người lái.
Tóm lại, với các quy định hiện nay trong đào tạo và sát hạch, thì tấm bằng lái mới chỉ là giấy phép để được điều khiển xe, chứ chưa phải là chứng chỉ an toàn. Nếu không tự bỏ tiền thuê thầy bổ túc thêm tay lái sau khi có bằng, thì phải mất một quá trình lâu dài sau đó, người lái mới dần quen với điều kiện giao thông, tích lũy dần kỹ năng, kinh nghiệm. Và không ai dám chắc điều gì xảy ra trong quãng thời gian này.
Tất nhiên, cũng có một tỷ lệ không nhỏ tai nạn xảy ra ở chính các tài xế nhiều năm kinh nghiệm, do chính sự chủ quan, tự tin thái quá dẫn đến bất cẩn. Nhưng về cơ bản, nếu quá trình sát hạch mà đặt ra các yêu cầu càng kỹ lưỡng, khắt khe, tiêu chuẩn càng cao, thì “sản phẩm đầu ra” sẽ càng an toàn bấy nhiêu, sẽ giảm được rất nhiều các tai nạn do thiếu kỹ năng về địa hình và tình huống giao thông như đã đề cập ở trên. Đó cũng là lý do vì sao nhiều nước “mở” ở khâu đào tạo nhưng lại “siết” rất chặt khâu sát hạch.
Do vậy, muốn cải thiện ATGT, thì cần tiếp tục hoàn thiện các quy định trong đào tạo và nhất là sát hạch đường trường. Hậu quả của TNGT không có “bản nháp”, nên sẽ rất nguy hiểm, nếu chúng ta làm theo kiểu “nháp” trong khâu đào tạo và sát hạch lái xe./.