Tăng phí giao thông công cộng như đánh vào quyền cơ bản của người dân
Việc tăng phí giao thông công cộng lên 35% của chính quyền thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận nhiều phản ứng gay gắt từ người dân.
Với diện tích hơn 5.300 km2, Istanbul là thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa với hệ thống giao thông công cộng phát triển.
Theo thống kê năm 2019, số người sử dụng hàng ngày các phương tiện như xe buýt, phà, tàu điện ngầm, hay buýt nhanh (BRT) tại Istanbul lên tới gần 10 triệu người.
Để tránh bù lỗ cho ngành vận tải, chính quyền thành phố mới đây quyết định tăng phí dịch vụ giao thông công cộng lên 35%. Cụ thể, giá vé trung bình một lượt tàu điện ngầm sẽ tăng từ 2,6 Lira (tiền Thổ Nhĩ Kỳ) lên 3,5 Lira (gần 15.000 đồng), trong khi giá vé xe buýt, phà hay buýt nhanh (BRT) cũng đều cao hơn trước.
Theo tờ Daily Istanbul, mức tăng đột ngột này có thể khiến giao thông thành phố đảo lộn. Fatih Sari, một người dân bức xúc cho biết, anh làm việc với mức lương tối thiểu, nhưng một nửa trong số đó sẽ phải dành để trả phí giao thông công cộng.
“Thật bất ngờ. Đây là mức tăng quá lớn”, ông Mutlu Tunç, một công nhân tại Istanbul cho rằng, thị trưởng thành phố Ekrem İmamoğlu đã không giữ lời hứa giảm giá dịch vụ giao thông công cộng như cam kết lúc tranh cử hồi tháng 6/2019: “Mức tăng này là quá nhiều. Thật sai lầm khi tăng giá vé vào mùa đông khi mọi người phải trả nhiều tiền cho các hóa đơn gas. Tôi hy vọng thị trưởng sẽ sửa chữa sai lầm này”.
Việc tăng phí giao thông công cộng lên 35% nhận nhiều phản ứng gay gắt từ người dân.
Để phản đối việc tăng phí giao thông công cộng, một nhóm biểu tình đã tổ chức đi bộ tại quận Mecidiyeköy, trung tâm thành phố. Trong một tuyên bố, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Istanbul cũng cho rằng, chính quyền nên trợ cấp phí giao thông công cộng thay vì đặt gánh nặng lên người dân.
Theo ông Hülya Sapaz, người đứng đầu một tổ chức xã hội, dịch vụ công cộng là quyền cơ bản của người dân. Trong giai đoạn mức lương tối thiểu tăng 15%, lương hưu tăng 6% thì việc tăng phí dịch vụ giao thông công cộng ‘lên mức giá cắt cổ’ 35% là điều đáng xấu hổ.
Lý giải về việc tăng giá vé, chính quyền thành phố cho biết, từ năm 2017 tới nay, phí dịch vụ giao thông công cộng hoàn toàn không tăng. Trong khi đó, giá nhiên liệu, tiền lương tối thiểu, lạm phát và các chi phí khác tăng tới 43%.
Ông Ekrem İmamoğlu, thị trưởng Istanbul khẳng định, việc tăng giá này là cần thiết để giao thông công cộng có thể tiếp tục phục vụ người dân mà không gặp gián đoạn: “Việc tăng giá vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí vận hành. Chúng tôi muốn đảm bảo các dịch giao thông công cộng được duy trì”
Theo các chuyên gia, quyết định tăng phí dịch vụ giao thông công cộng có thể dẫn đến tình trạng lạm phát tại Istanbul, bởi chi phí vận tải chiếm gần 16% giá đầu vào nhiều loại mặt hàng.
Nhờ chính sách trợ giá người dân Hà Nội được hưởng giá vé thấp hơn
Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: một trong những chính sách tạo điều kiện cho xe buýt thành công đó là chính sách trợ giá của thành phố.
Nhờ chính sách trợ giá người dân được hưởng giá vé thấp hơn. Nhưng để có được mức trợ giá đó, thành phố đang phải có mức hỗ trợ tương đối cao, tương đương 50% so với giá vé.
Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM quyết định tăng giá vé các tuyến xe buýt có trợ giá từ ngày 01/5/2019. trước khi điều chỉnh tăng giá vé xe buýt, đã khảo sát lấy ý kiến khoảng 2.000 hành khách. Kết quả, hơn 80% hành khách đồng ý tăng 1.000 đồng/vé.
Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt lần này là cần thiết và mức tăng cũng khá phù hợp với thu nhập bình quân của người dân; Tạo điều kiện để các đơn vị đầu tư phương tiện mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ người dân tốt hơn.