Tái bùng phát xe quá tải: Lơ là, hay “lọt” trách nhiệm?

29/08/2019 02:37 870

Tái bùng phát xe quá tải: Lơ là, hay “lọt” trách nhiệm?Tình trạng xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại từ đầu năm 2017.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt nam và các lực lượng chức năng, thời gian gần đây, tình trạng xe chở quá tải đang tái diễn trở lại, gây bức xúc dư luận. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Ngoài nguyên nhân do thiếu sự phối hợp giữa công an, thanh tra giao thông... lực lượng chuyên trách xử lý xe quá tải còn mỏng... thì có hay không sự lơ là của lực lượng chức năng khiến tình trạng này tái diễn?

Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, 3 tháng đầu năm đơn vị này đã kiểm tra tải trọng đối với 600.000 lượt phương tiện, qua đó phát hiện 24.000 xe quá tải. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã thực hiện từ chối phục vụ 18.000 phương tiện vi phạm tải trọng quy định, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Thực tế tôi chỉ biết điều khiển của chủ, bảo thế nào tôi làm như thế thôi. Thực tế xe này không phải của tôi".

"Các anh ý tuyên truyền sang tải thì bọn em gọi doanh nghiệp, chủ xe xuống sang tải thôi. Bọn em lái thuê thì chủ xe bảo các anh vận động sang tải thì bọn em tìm bãi rộng để sang tải".

"Các thiết bị cân của chúng tôi là cân động, đặt tại các đầu các trạm thu phí. Đối với chúng tôi 100% phương tiện khi vào tuyến đều được kiểm soát tải trọng xe. Còn đối với các phương tiện đi theo các tuyến dẫn vào đường cao tốc của chúng tôi có thể chưa chắc 100% đã được kiểm soát".

Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ rõ, trong tháng 3/2019, các Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và các Cục Quản lý đường bộ đã tiến hành kiểm tra hơn 15.700 xe, phát hiện hơn 1.800 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 11,5%). Tỷ lệ này cũng cao hơn đáng kể so với các tháng trước đây, chỉ từ 8-10%.

Đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho thấy, tình trạng xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại từ đầu năm 2017, sau khi kết thúc kế hoạch liên ngành giữa Bộ Công an và Bộ GTVT về việc tăng cường xử lý xe quá tải. Đến nay, xe quá tải không chỉ hoạt động tại các cung đường ngắn, tỉnh lộ, mà diễn ra cả trên các quốc lộ...

Cụ thể, kết quả phản ánh qua đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, tình trạng xe quá tải xuất hiện ở nhiều tuyến Quốc lộ như: Quốc lộ 8, Quốc lộ 10, Quốc lộ 15 của tỉnh Quảng Bình…

Đánh giá về sự tái diễn tình trạng xe quá tải, ông Phạm Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tình trạng này xảy ra từ giữa năm 2017 và ngày càng trở nên nhức nhối.

"Các lực lượng chức năng kiểm soát trên đường không làm, làm không hết trách nhiệm, nói đúng ra là không làm bởi vì xe quá tải nó rất to, lớn như thế mà lại không nhìn thấy thì vô lý. Bây giờ một người đi xe máy, đi ô tô chỉ hơi lấn làn một tí thôi là lực lượng chức năng biết ngay nhưng xe quá tải đi ngông nghênh, thùng cơi nới tới 2m chạy ngông nghênh thì không hiểu tại sao lại không thấy?"

Dẫn chứng một trường hợp xe chở quá tải tới hơn 200% lưu thông từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đi qua nhiều địa phương và bị phát hiện, xử lý tại Lào Cai, ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai cho rằng, điều này một phần do sự lơ là của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường nên xe quá tải mới có cơ hội hoành hành.

"Ví dụ VEC cân hỏng, thì cứ cho là như thế đi, thế thì tất cả anh em tuần tra trên đường cũng không biết nó quá tải à? Bởi vì xe ở trên đó tốc độ 80 cận trên và 60 cận dưới, bây giờ nó đi có 40km thôi, mà trông nó lặc lè như thế vẫn không phát hiện ra đấy là quá tải à? Đấy phải nói là người thực thi công vụ đang có vấn đề, một là người ta không làm hết trách nhiệm, hai là người ta tiêu cực, bỏ qua cho xe chạy".

Không chỉ có sự lơ là của lực lượng chức năng, mà ngay cả chính quyền một số địa phương cũng buông lỏng việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng xe quá tải. Thậm chí né tránh để phát triển kinh tế địa phương. Từ thực tế này, một số ý kiến cho rằng việc ngăn chặn xe quá tải cần được coi là trách nhiệm của các ngành, các cấp để góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và kéo giảm TNGT.

Lơ là, hay “lọt” trách nhiệm?

Từ sau khi kết thúc kế hoạch liên ngành 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong việc phối hợp, xử lý xe quá tải, lực lượng thanh tra giao thông tập trung xử lý tại các bến bãi, đầu nguồn hàng, lực lượng CSGT thực hiện kiểm soát trên đường, xe quá tải đã bùng phát trở lại. Nhưng sự thiếu phối hợp liệu có phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng này?

6 năm, trải qua 3 đời bộ trưởng, chiến dịch kiểm soát tải trọng xe có thể coi là một trong các chiến dịch dẫn đầu độ kiên trì về thời gian trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông những năm qua, và cũng là chiến dịch đầy cam go, khi phải đối mặt và vượt qua những “bức tường” sừng sững của lợi ích kinh tế từ các chủ hàng, doanh nghiệp vận tải và những thế lực ngầm nào đó phía sau.

Thậm chí, đã có những thời điểm, giới truyền thông còn tỏ ra nghi ngờ cách làm của ngành giao thông, quyết không nhượng bộ, không có ngoại lệ, dù vấp phải những kêu ca và cả chỉ trích từ các hiệp hội ngành nghề sản xuất kinh doanh, khi xe quá tải bị siết chặt kiểm tra, không còn có thể mặc sức tung hoành như trước.

Dù  kết quả thống kê chưa bóc tách được tỉ lệ giảm TNGT nhờ siết chặt xe quá tải, nhưng rõ ràng, sau nhiều năm kiên trì thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của liên ngành giao thông- công an, của chính quyền và sở GTVT các địa phương, vấn nạn xe quá tải đã được đẩy lùi. Những nỗi ám ảnh mang tên “hung thần xa lộ” đã không còn kinh hoàng như trước. Những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cũng không còn bị cày nát như xưa. Và hoạt động kinh doanh, vận tải hàng hóa, dù có xáo trộn bước đầu, vẫn tiếp tục duy trì, phát triển bình thường  sau những nhịp điều chỉnh cần có. Điều này cho thấy, “tuyên chiến với xe quá tải” là một chiến dịch đúng đắn, hiệu quả và rất đáng ghi nhận.

 Nhưng rất tiếc, khi những “cái bắt tay” không còn đủ chặt, khi sự giám sát từ nguồn bị buông lơi, xe quá khổ quá tải đang có dấu hiệu tái xuất, thậm chí bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, địa bàn, trên nhiều cấp độ đường sá. Và tất nhiên, khi trở lại, bao giờ chúng cũng “lợi hại hơn xưa”, với những thủ đoạn tinh vi hơn, hòng qua mắt, đối phó với lực lượng tuần tra kiểm soát.  

Vì sao xe quá tải bùng phát trở lại?

Sự thiếu phối hợp dữ liệu của các bộ ngành liên quan trong lĩnh vực này, có lẽ không phải lý do. Bởi nó không được nhắc tới, khi bàn về yêu cầu chia sẻ giữ liệu trong quản lý và đảm bảo TTATGT.

Liệu có phải chỉ do chủ quan, lơ là? Với chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ liên tục trong suốt nhiều năm qua đối với từng bộ ngành, địa phương trong công tác đảm bảo TTATG, điều đó xem ra không logic.

Xe quá tải hoạt động trên địa bàn của đơn vị nào, vận chuyển từ nguồn hàng nào, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải địa phương không thể không biết.

Những chiếc xe lặc lè vượt hàng trăm cây số từ miền Trung lên tới tận vùng núi phía Bắc, qua bao nhiêu chốt kiểm tra, lực lượng chức năng không thể không biết.

Nhưng 3 năm qua, kể từ khi xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại – theo báo cáo của ngành giao thông, thì chưa hề có người đứng đầu địa phương nào phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra tình trạng này. Cũng chưa có lực lượng thực thi pháp luật nào bị truy cứu trách nhiệm khi để “lọt” xe vi phạm.

Cuộc chiến với xe quá tải đã từng rất cam go. Cuộc chiến với nạn “tái bùng phát xe quá tải” - nếu triển khai, chắc chắn, sẽ còn khó khăn, ác liệt hơn gấp bội. Nhưng dù khó đến mấy, cũng không thể không làm, và phải quyết làm bằng được.

Bởi một khi thuốc đã “nhờn” thì bệnh tật sẽ vô phương cứu chữa. Cái giá phải trả sẽ không chỉ là gia tăng TNGT, là tăng gấp nhiều lần con số hàng chục, hàng trăm tỉ đồng tiền ngân sách duy tu bảo trì đường bộ mỗi năm, mà nguy hiểm hơn, là sự phớt lờ kỷ cương, xem thường phép nước, khi vì lợi ích mà cố tình để cho những “con voi” chui lọt “lỗ kim”.