Nhầm chân ga với chân phanh hay lỗ hổng trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX
Nhầm lẫn chân ga và chân phanh, gây tai nạn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về tài xế. Song các đơn vị liên quan cũng phải chịu trách nhiệm.
Trong thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ việc người điều khiển ô tô nhầm chân thắng với chân ga.
Dư luận vô cùng bức xúc chỉ vì những sai lầm tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại gây hậu quả khôn lường. Vì đâu mà số vụ tai nạn xuất phát từ việc nhầm chân ga với chân thắng ngày một nhiều?
Sự nhầm lẫn ấy có phải chỉ do kỹ năng của người lái chưa thuần thục hay vì yếu tố nào khác? Làm gì để hạn chế tối đa những cái chết oan uổng chỉ vì thao tác sai lầm của một vài người?
Tối ngày 1/5 vừa qua, một người đàn ông điều khiển ô tô Kia Morning vì nhầm chân ga và chân thắng đã lao xe thẳng xuống hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trước đó 2 ngày, một phụ nữ điều khiển ô tô chở theo một nhóm người, do đạp nhầm chân ga và chân thắng đã lao thẳng xuống mương nước trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), rất may 4 người trên xe đã kịp thoát ra ngoài.
Nghiêm trọng hơn, sáng ngày 9/4 vừa qua, một phụ nữ điều khiển xe ô tô Mercedes tại gầm cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), thay vì đạp thắng lại đạp nhầm chân ga lao thẳng vào dòng người phía trước khiến 1 người nguy kịch và nhiều người bị thương. Trước đó vào ngày 14/11/2018, một người đàn ông lái xe ô tô trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM đã gây tai nạn khiến 1 người chết và 4 người bị thương, nguyên nhân sau đó được xác định là do người này nhầm chân ga và chân thắng.
Trên đây chỉ là một vài vụ tai nạn giao thông điển hình mà nguyên nhân chính do người điều khiển xe ô tô thay vì đạp thắng lại đạp nhầm chân ga. Trên thực tế, nếu phải thống kê thì chắc chắn số vụ tai nạn có nguyên nhân tương tự là không hề nhỏ. Nhận định về nguyên nhân của thực trạng này, nhiều tài xế, chuyên gia, giáo viên dạy lái xe và các đơn vị quản lý cho biết:
"Bình thường thì sẽ không có vấn đề gì xày ra, tuy nhiên trong một số trường hợp trong một phần nghìn giây tích tắc thì bạn rất dễ hoảng sợ. Với người có kinh nghiệm thì không sao nhưng với những người chưa có nhiều kinh nghiệm thì bản năng sẽ trỗi dậy, kéo theo việc đạp chân loạn cả lên vì xe số sàn và số tự động khác nhau".
"Tình trạng này thường xày ra ở hầu hết là phụ nữ vì họ thường mang giày cao gót nên khó điều khiển xe, dễ nhầm chân thắng với chân ga. Đặc biệt khi lái xe thì lại hay dùng điện thoại nên thiếu tập trung khi xử lý tình huống, nên khi gặp bất trắc thì không xử lý kịp, mất bình tĩnh dẫn đến thay vì đạp thắng lại đạp ga".
"Xe số tự động thì chỉ có chân ga và chân phanh chính vì vậy khi đạp nhầm vào chân ga thì xe vẫn lao về phía trước mà không chết máy như xe số sàn nên dễ gây ra hậu quả rất khôn lường".
"Lý do theo tôi là mọi người chưa biết sử dụng phanh đúng cách. Mọi người có xu hướng là nhấn ga chạy càng nhanh càng tốt nhưng đối với những người chuyên nghiệp thì phanh mới là bộ phận quan trọng nhất".
"Việc điều khiển phương tiện có tính chất bản năng, theo kinh nghiệm truyền tai thì sẽ dẫn đến nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông".
Đối với nhiều người, nhất là gia đình của các nạn nhân bị thương vong từ các vụ tai nạn giao thông thì cái lý do “nhầm” chân ga với chân thắng thật khó được chấp nhận. Bởi với họ, sự nhầm lẫn ấy không khác gì là vô ý thức, là thiếu trách nhiệm dẫn đến những cái chết oan uổng.
Tuy nhiên cũng cần nhìn rộng hơn về những lý do khách quan khác đến từ công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý người lái. Theo chuyên gia giao thông - tiến sĩ Khương Kim Tạo thì đa số người dân khi đăng ký học lái xe thì được học trên xe số sàn, nhưng khi được cấp bằng và lái thật thì lại lái trên xe số tự động. Sự khác biệt giữa 2 loại xe này phần nào cũng khiến không ít tài xế tỏ ra lúng túng khi gặp sự cố:
"Khi dùng số tự động thì việc điều khiển khá là ít thao tác, việc duy trì khả năng khởi động thì thuận lợi hơn tuy nhiên cũng có nhiều bất cập về an toàn. Công tác đào tạo và huấn luyện lái xe chúng ta cần làm kỹ hơn trong đó phải chú ý nhiều đến khả năng phản ứng nhanh của người điều khiển phương tiện trong quá trình lái xe số tự động".
Theo một số giáo viên dạy lái xe cũng như những tài xế kinh nghiệm lâu năm thì việc liên tục xảy ra tai nạn do nhầm chân ga với chân thắng thì nguyên nhân lớn nhất chính là việc đào tạo hời hợt, học cho có để lấy bằng mà thiếu tập trung vào hướng dẫn kỹ năng cũng như bổ sung kinh nghiệm lái thực tế.
Anh Nguyễn Đức Tuấn - Trung tâm đào tạo lái xe Lạc Hồng và anh Bùi Hữu Việt - thành viên CLB xe bán tải địa hình Việt Nam cho rằng:
"Việc ấy bất nguồn từ việc thứ nhất là tự học, thứ hai là trong quá trình đi học không đủ thời gian, chưa đủ điều kiện thì đã sử dụng xe nên khi xày ra sự cố thì gồng cứng người lên, đầu có thể nghĩ là đạp phanh nhưng lại nhầm chân ga".
"Chúng ta cần thừa nhận là việc cấp bằng, đạo tạo, sát hạch lái xe đang rất có vấn đề. Hầu như thời gian để thực hành cũng như lái xe thực tế trên đường cho mọi người là rất ít".
Không chỉ thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm, mà theo Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, rất nhiều trung tâm đào tạo lái xe hiện nay rất thờ ơ trong việc bồi dưỡng ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ cho các học viên. Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho biết thêm.
"Về khâu quản lý đào tạo thì hiện nay vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là hầu hết những người được sát hạch chỉ được kiểm tra qua phần mềm máy tính mà ít chú ý đến việc học luật. Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất không phải là thiếu kỹ năng lái xe mà chính là do thiếu ý thức tuân thủ luật giao thông".
Theo các cơ quan quản lý, hàng năm nước ta có thêm hàng triệu tài xế mới được cấp bằng. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai có bằng cũng có thể điều khiển ô tô một cách thuần thục cũng như chấp hành tốt luật giao thông. Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh kịp thời sẽ chắc chắn sẽ còn nhiều người thương vong oan uổng chỉ vì tài xế nhầm chân ga và chân thắng.
Lỗ hổng trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX (Bình luận của nhà báo Bùi Trọng Điển)
Cần khẳng định rằng, việc nhầm lẫn trong thao tác chân ga và chân thắng, gây tai nạn dẫn đến thương vong cho người khác thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về tài xế. Song cũng cần nhìn nhận rằng chính các đơn vị quản lý liên quan cũng phải chịu trách nhiệm vì chính những lỗ hổng trong công tác đào tào, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng như quản lý người lái.
Có thể nói việc nhiều người lái ô tô đạp chân thắng nhầm sang chân ga gây tai nạn giao thông thời gian gần đây ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Nhiều vụ để lại hậu quả đau lòng, khiến nhiều người thương vong. Đây này là những cảnh báo nghiêm khắc nhất cho bất cứ người khi lái xe nào nếu chủ quan, thờ ơ hoặc thiếu trách nhiệm sẽ gây tổn thất lớn cả về người và tài sản.
Cũng như các ngành nghề có khác, nghề lái ô tô cũng đặt ra các tiêu chuẩn khá ngặt nghèo, với các điều kiện bắt buộc cả về kỹ năng kỹ thuật thực hành đến các yêu cầu về lý thuyết mang tính quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh. Việc thi và sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng theo những quy trình chuẩn mực mang tính quốc tế.
Thế nhưng, thực tế hiện nay, rất nhiều người vì các lý do chủ quan, học cả lý thuyết và thực hành rất sơ sài rồi tìm cách “ lách luật” để có được giấy phép lái xe. Khi điều khiển ô tô lại không chú ý đến các kỹ năng kỹ thuật cần thiết; chưa kể dùng chất kích thích khi lái xe.
Như vậy, nguyên nhân của việc đạp thắng nhầm ga, ngoài những trường hợp bất khả kháng, rủi ro thì phần lớn là do chủ quan; coi thường luật an toàn giao thông nên những lỗi mang tính kỹ thuật đã không được chú ý; bỏ qua những kỹ năng khi xử lý huống, cảnh báo trong quá trình lái xe.
Do vậy, đã đến lúc nếu bất cứ ai vì lý do chủ quan để xảy ra hậu quả phải bị xử lý nghiêm khắc để luôn hiểu rõ trách nhiệm của người lái xe phải nằm lòng câu nói” phía trước tay lái là sự sống”.
Việc để xảy ra các vụ tai nạn giao thông do lỗi đạp chân thắng nhầm sang chân gia cũng không thể không đề cập trách nhiệm của các đơn vị quản lý chuyên ngành mà ở đây cụ thể là Sở Giao thông vận tải các địa phương. Tình trạng buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát công tác đào tạo và sát hạch tại các trường, trung tâm đào tạo lái xe ở một số địa bàn là có thật; dẫn đến việc học tập cả lý thuyết lẫn thực hành không nghiêm túc; thậm chí có nơi gian lận trong thi cử, khiến cho việc giấy phép lái xe trở nên dễ dãi; không học cũng có giấy phép.
Đối với cơ sở đào tạo do việc “nở rộ” khắp các địa bàn nên việc thu hút học viên nhiều nơi được khoán trắng cho giáo viên; bỏ qua các quy trình, quy chuẩn của nghề nghiệp, trong đó nhất là kiểm tra về sức khỏe. Đó là chưa kể, nhiều nơi tổ chức học qua loa về lý thuyết, chiếu lệ trong thực hành; hoặc thỏa hiệp với tiêu cực, gian lận trong sát hạch; khiến cho việc cấp giấy phép lái xe trở nên tràn lan, vô tội vạ. Hậu quả là đào tạo ra những học viên chủ quan, thờ ơ, coi thường luật lệ, tính mạng của người khác khi cầm lái.
Rõ ràng những ”lỗ hổng” trách nhiệm của người lái ô tô, đơn vị quản lý và các cơ sở đào tạo trong việc để xảy ra tai nạn giao thông do lỗi đạp chân thắng nhầm với chân ga cần được lấp đầy, siết chặt và xử lý nghiêm trong thời gian tới. Có như vậy mới mong hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đau lòng do nguyên nhân này xảy ra trong thời gian gần đây.
Có thể bạn thích
-
2 trong 3 tuyến cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng ngay trong tháng 9 này
-
Vẻ đẹp chùa Cái Bầu, Vân Đồn, Quảng Ninh
-
Cồn Vành – điểm khám phá hoang sơ, hấp dẫn ở Thái Bình
-
Mỹ bắt đầu kích hoạt trừng phạt Iran
-
Truyện ngắn "Sống thử": Nên hay không nên?