Xén vỉa hè, dải phân cách giảm ùn tắc: Xén xong, rồi sao nữa? 

29/08/2019 02:32 170

Phần vỉa hè, dải phân cách được xén nằm trong quỹ đất dự phòng, không ảnh hưởng đến giao thông đi bộ, không làm sai lệch các quy hoạch khác về giao thông. Vậy xén để làm gì??

Theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, việc xén vỉa hè sẽ được thực hiện ở 3 tuyến phố và xén dải phân cách ở 12 tuyến đường...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

1.900 cây xanh, 820 cột đèn chiếu sáng và các công trình ngầm, nổi phải di dời nếu Hà Nội chấp thuận đề xuất xén vỉa hè, dải phân cách nhằm giảm ùn tắc giao thông. Trước đó, giải pháp này cũng đã nhiều lần triển khai.

Mặc dù cơ quan đề xuất giải thích rằng, chỉ xén ở những khoảng đất dự phòng, nhưng nhiều ý kiến vẫn không khỏi băn khoăn, nghi ngại, vì cách làm này đi ngược xu hướng của các đô thị văn minh trên thế giới.

Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc xén vỉa hè sẽ được thực hiện ở 3 tuyến phố và xén dải phân cách ở 12 tuyến đường. Chiều rộng vỉa hè trung bình mỗi bên giảm từ 7m xuống còn 3m.

Dải phân cách được xén thu hẹp chiều rộng từ 11,5 m xuống còn 4m. Các tuyến đường được xén dải phân cách bao gồm: đường Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Phạm Văn Đồng, Nghĩa Tân, Trần Cung, Phạm Tuấn Tài, Liễu Giai, Văn Cao...

Trước đó, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó có giải pháp xén dải phân cách, mở mộng mặt đường trên một số tuyến phố như: Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh; Vành đai 2 (đường Láng); Vành đai 3 (Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm). 

Đánh giá về hiệu quả của giải pháp này, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, cùng với sự tăng dân số cơ học trên địa bàn Thủ đô là sự gia tăng không ngừng các phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến tình trạng quá tải trên một số tuyến đường. 

Để khắc phục thực tế trên, đơn vị này đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, giải pháp xén hè, thu hẹp dải phân cách giữa một số tuyến đường đã giải quyết kịp thời tình trạng quá tải phương tiện, ùn tắc giao thông.

Dù vậy, nhiều người dân Thủ đô bày tỏ băn khoăn về hiệu quả giảm ùn tắc một cách bền vững mà giải pháp này mang lại: 

“Nó chỉ giải quyết được khoảng 50% lượng người đi lại chứ không thể giải quyết được hết, cần tập trung vào các nhánh nhỏ đi vào đường nên vẫn còn tồn tại tắc đường”.

“Cũng không giải tỏa được quá nhiều áp lực vì nó cần mở rộng đường hơn nữa cơ chứ như hiện nay mở rộng chỉ thêm được 1 làn đường hoặc 1 thân xe ô tô nên việc ách tắc có thể giảm nhưng không nhiều”.

“Đây là một việc bất đắc dĩ, giải quyết tạm thời khó khăn về giao thông. Trong điều kiện hiện nay nó có thể là phù hợp nhưng cuối cùng vẫn là giải pháp manh mún”.

Với đề xuất tiếp tục xén vỉa hè, dải phân cách ở 15 tuyến đường của Hà Nội, các chuyên gia giao thông chờ rằng, việc làm này có thể giúp cho phương tiện đi lại được thuận tiện hơn và giảm được ách tắc giao thông ở một số tuyến phố nhất định. 

Tuy nhiên, chỉ nên coi đây là giải pháp tình thế và có chăng sẽ giảm bớt được ùn tắc chứ không thể giải quyết triệt để. Thậm chí có ý kiến cho rằng, với cách làm manh mún, chắp vá này sẽ khó có thể giải quyết được ùn tắc một cách triệt để bởi dù xén đường nếu thông được chỗ này thì sẽ ùn tắc đoạn khác. Ông Đinh Quốc Thái, chuyên gia giao thông khẳng định: 

“Đây không phải là vấn đề giải pháp mà đây là biện pháp mang tính tình thế để giải quyết cho các tuyến đường có quỹ đất dự trữ để mở rộng lòng đường khi các tuyến đường có dung lượng phương tiện quá lớn. Tuy nhiên ban đầu chỉ nên mở thử nghiệm 1 đoạn thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông chứ không nên mở luôn toàn tuyến”.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia giao thông JICA, việc sửa chữa, quy hoạch lại hạ tầng giao thông là điều cần thiết, tuy nhiên việc xén vỉa hè và dải phân cách cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi đây là việc làm tốn kém do yếu tố hạ tầng kỹ thuật. 

TS Nguyễn Hữu Đức phân tích, phần vỉa hè và dải phân cách có kết cấu khác hẳn với phần xe chạy vì phần xe chạy phải làm rất cẩn thận, từ móng, nền còn dải phân cách thì chỉ cần bó vỉa và trồng cây phía trên. Bây giờ mà làm đường thì lại phải làm lại từ nền móng nên rất tốn kém. Đặc biệt nếu phía dưới dải phân cách có công trình ngầm thì công tác này rất khó khăn, phức tạp.

“Ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện ở mức cao tới mức xén những cái như thế thì không ăn thua gì cả, nó chỉ dồn dòng lưu thông từ chỗ này sang chỗ khác, nghĩa là nó thoát ở đường đó nhưng lại tắc ở chỗ khác, vì hệ thống giao thông phải liên thông, nếu nó không liên thông được thì nó sẽ ùn tắc lại ở chỗ nào khả năng tiêu thoát thấp nhất. Để giải quyết ùn tắc giao thông phải là vấn đề khác”.

Mặt khác, việc cắt xén diện tích của vỉa hè còn ảnh hưởng tới tiêu chuẩn của một đô thị văn minh. Ở các nước trên thế giới luôn có những quy định rõ ràng về vỉa hè, hệ thống cây xanh, đường dành cho người đi bộ nên những tiêu chí này bị giảm sút sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân và nguy cơ phá vỡ quy hoạch kiến trúc hạ tầng tổng thể của thành phố. Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ: 

“Khi chúng ta xén đi là chúng ta làm mất một cảnh quan mà đúng nó phải được tồn tại, được mọi người ghi nhớ. Việc xén đó thể hiện quy hoạch không đồng bộ, không hợp lý; đáng ra con đường ngay từ đầu phải rộng hơn, phải thoáng hơn thì sẽ không bị xén như vậy”.

Về biện pháp giải quyết ùn tắc có tính bền vững hơn cho các tuyến đường trung tâm Thủ đô, các chuyên gia giao thông đều cho rằng, Hà Nội cần phải mạnh tay làm quy hoạch giao thông bằng cách dành đất làm đường, giao thông tĩnh đồng thời hạn chế xây các chung cư cao tầng trong nội đô song song với việc di dời các trường Đại học, xây dựng các khu đô thị vệ tinh, ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, hạn chế xe cá nhân, thu phí phương tiện nội đô và đẩy mạnh vận tải công cộng… 

Xén xong, rồi sao nữa?

Việc xén dải phân cách hay vỉa hè được nhiều chuyên gia giao thông đô thị nhấn mạnh, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn và sớm muộn thì vẫn ùn tắc. Bởi, lí do là nguyên nhân của ùn tắc không được giải quyết khi nhu cầu đi lại tăng cao, giao thông công cộng không phát triển, không kiểm soát được phương tiện cá nhân...Vậy, sau khi thực hiện xén vỉa hè và dải phân cách rồi sẽ là điều gì? 

Cuối năm 2018, Hà Nội bạo tay xén vỉa hè và dải phân cách trên một số đoạn của tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, với tin tưởng sẽ giảm ùn tắc giao thông.

Chỉ chưa đầy nửa năm sau, những khoảng mặt đường mở rộng nhờ xén hè, xén dải phân cách giữa rất nhanh chóng được lấp đầy. Những đoạn hay tắc trước khi xén (như nút giao Cầu Dậu, đoạn Nguyễn Xiển sát nút giao Thanh Xuân, đoạn ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, nửa năm sau xén, tình hình gần như không có gì cải thiện. 

Cũng có những đoạn sau khi xén dải phân cách xong, tạo thêm 1 làn đường, giao thông đã có phần bớt căng thẳng hơn, như đường Nguyễn Chí Thanh. Nhưng đó là cảm quan của những người chỉ di chuyển trên phạm vi đoạn đường được mở rộng. Còn nếu tiếp tục lộ trình đó để sang tuyến khác (là trục Liễu Giai, Văn Cao), sẽ lại gặp 1 nút thắt cổ chai do sự vênh nhau của độ rộng mặt đường.

Và thực tế, ùn tắc đã xuất hiện với tần suất dày hơn ở các nút giao thông kế tiếp sau khi kết thúc những đoạn đường được xén, như các nút giao trên đường Phạm Văn Đồng, đường Liễu Giai và khu vực lân cận. Còn với đường Láng, phía vỉa hè được xén để có thêm đường cho xe cơ giới lưu thông, thì đương nhiên thông thoáng hơn. Nhưng bản thân chiều đường này, trước khi xén, gần như không tắc bao giờ.

Có thể, phần hè là dải phân cách được xén nằm trong quỹ đất dự phòng,  không ảnh hưởng đến nhiều đến giao thông đi bộ, không làm sai lệch các quy hoạch khác về giao thông… như giải thích của cơ quan chức năng. Nhưng câu hỏi đặt ra và cần được  trả lời một cách sòng phẳng, là xén để làm gì? 

Xén để làm gì, khi mà các dự án xén dải phân cách, xén vỉa hè được thực hiện ở những đoạn đường mà trước khi xén, không hề thuộc khu vực điển hình về ùn tắc giao thông?

Xén đề làm gì, khi các nút giao trọng điểm trên những đoạn đường đó, trước kia đã tắc, bây giờ xén xong vẫn tắc?

Xén để làm gì, khi xén xong đợt này chưa được bao lâu, thành phố lại phải chuẩn bị xén tiếp, để khơi thông những điểm nghẽn mới, do chính đợt xén trước đó tạo ra?

Xén để làm gì, khi thành phố tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa cho mỗi dự án kiểu này, nhưng đổi lại, ùn tắc không giảm, tốc độ không cải thiện, thảm cỏ vườn hoa ngày càng teo tóp, cây xanh phải di dời, hàng nghìn cây xanh có thể phải di dời, hàng trăm cột đèn và công trình ngầm nổi cũng phải dịch chuyển, hoặc đập đi xây lại, dù mới trồng, mới xây chưa được bao lâu.

Và quan trọng hơn hết, đáng lo hơn hết, là người đi bộ sẽ ngày càng rón rén hơn, thấp thỏm hơn trên những vỉa hè bị co lại.

Phát triển một đô thị văn minh là khuyến khích nền giao thông phi cơ giới, tạo điều kiện và thúc đẩy giao thông công cộng để thay thế phương tiện cá nhân, là tạo một đô thị xanh để đẩy lùi ô nhiễm, tăng chất lượng cuộc sống cho cư dân. Hà Nội, TPHCM hay các đô thị VN đều mong muốn điều này. Nhưng với giải pháp chống tắc đường bằng cách bạo tay xén hè, xén dải phân cách giữa, dường như Hà Nội đang làm điều ngược lại.

Xén hè, rồi sao nữa? khoảng đất dự phòng nào rồi cũng đến tới hạn. Đến một lúc nào đó, khi không còn gì để xén, Hà Nội có thể sẽ tập trung kiếm tìm cách khác để chống tắc đường.

Nhưng e rằng, niềm tin của người dân vào quyết tâm của thành phố giữ gìn khoảng xanh, giữ vỉa hè cho người đi bộ, giữ gìn các tiêu chí hạ tầng cốt lõi của một đô thị văn minh.. một khi đã bị xén, sẽ rất khó bù./.