Phẫn nộ vì phát biểu vô cảm của quan chức trước tình trạng ùn tắc

26/02/2020 14:16 517

Ùn tắc giao thông từ lâu là cơn ác mộng với người dân thành phố Manila, Philippines.

Nằm trong vùng đô thị rộng lớn, thủ đô Manila của Philippines là một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới với hơn 12 triệu dân. Kết quả nghiên cứu cuối tháng 9 vừa qua của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, Manila cũng là khu vực có tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất trong số 278 thành phố tại châu Á.

Theo BBC, 3 sự cố đường sắt liên tiếp xảy ra gần đây càng khiến tình hình giao thông ở Manila trở nên trầm trọng. Các hành khách không còn lựa chọn nào ngoài đi bộ nếu muốn hoàn thành hết hành trình.

Tuy nhiên, khi một phóng viên đặt câu hỏi, chính phủ có giải pháp gì với tình trạng khủng hoảng giao thông hiện nay ở Manila, ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết: “Anh có ý gì khi nói đến khủng hoảng giao thông? Tôi thấy giao thông vẫn bình thường, mọi người đều có thể đi lại, đến được nơi cần đến. Giải pháp ở đây là, nếu muốn đến sớm anh cần ra khỏi nhà sớm hơn”.

Nhận định của ông Salvador lập tức châm ngòi cho làn sóng chỉ trích gay gắt tại Philippines. Nhiều người lên mạng xã hội bày tỏ sự thất vọng và phẫn nộ với phát ngôn được xem là vô cảm của một quan chức cấp cao chính phủ.

Một số ý kiến cho rằng, các quan chức, những người chưa bao giờ sử dụng phương tiện công cộng không thể hiểu tình cảnh khốn khổ và việc đi lại ‘như địa ngục’ của người tham gia giao thông. 

Người dân phải ra khỏi nhà từ sáng sớm để tránh tắc đường

Chưa có thống kê bao nhiêu ca bệnh nhân tử vong mỗi năm vì ùn tắc giao thông, nhưng nhiều tài xế lái xe cứu thương ở Manila cho biết, họ bị ám ảnh bởi nhiều trường hợp chết trên xe vì không kịp tới bệnh viện. 

Theo ông John Gemuel Maramba, một nhà hoạt động xã hội, cuộc khủng hoảng giao thông ở Manila diễn ra từ lâu và ngày càng trầm trọng. Các học sinh phải ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng để kịp tới lớp lúc 8 giờ. Hàng triệu người dựa vào phương tiện công cộng để đi học, đi làm nhưng phải chịu đựng sự chậm chạp, quá tải khủng khiếp của hệ thống giao thông, bên cạnh đó là những chuyến tàu thường xuyên gặp trục trặc.

Ông Alejandro Galasao, một công nhân môi trường, phải thức dậy lúc trời còn tối mới kịp giờ làm

Chia sẻ với Reuters, ông Alejandro Galasao, 58 tuổi, một công nhân môi trường cho biết, mình phải thức dậy lúc 3h30 sáng để bắt xe buýt đến chỗ làm cách nhà khoảng 30 km: “Nếu đi làm vào giờ cao điểm, tôi sẽ phải mất 3 tiếng. Còn không gặp tắc đường, thời gian đi lại của tôi chỉ khoảng 1 tiếng. Thật sự là tôi không có đủ thời gian để ngủ”.

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte cho biết, việc cải thiện hệ thống giao thông ở Manila không hề dễ dàng, đồng thời thừa nhận đây là lời hứa tranh cử duy nhất mà ông khó thực hiện. 

Theo ước tính của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), mỗi ngày người dân Philippines mất tới 3,5 tỷ peso (hơn 1.500 tỷ đồng) do tình trạng tắc đường ở thủ đô. Nếu vấn nạn này không được kiểm soát, mức thiệt hại có thể tăng lên 5,3 tỷ peso mỗi ngày vào năm 2035.

Người dân chen chúc trên một phương tiện công cộng ở Manila

Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng cũng là một trong những lý do chính khiến Tổng thống Duterte cân nhắc phương án di dời thủ đô tới địa điểm mới. Trong khi tiếp tục triển khai những dự án xây đường cao tốc, bổ sung các tuyến đường sắt, chính phủ Philippines vẫn lên kế hoạch thành lập khu hành chính mới New Clark, nằm cách Manila khoảng 100 km về phía bắc.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chỉ số tắc nghẽn của Manila là 1,5, cao nhất trong số 24 thành phố lớn tại châu Á. Đứng ngay phía sau là thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia với chỉ số 1,4 và Yangoon, Myanmar với chỉ số 1,38. Hai thành phố của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đều có mặt trong nhóm 10 đô thị tắc nghẽn nhất theo đánh giá của ADB. Hà Nội đứng thứ 6 trong khi TP.HCM đứng thứ 10. 

Mới đây, Ban An toàn Giao thông thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp với lưu lượng thực tế, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Trong 3 tháng cuối năm 2019, cố gắng không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút. 

Còn theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đơn vị này đang lên kế hoạch điều chỉnh lại các tuyến đường vào cầu Sài Gòn, giao lộ Điện Biên Phủ và cầu vượt Hàng Xanh nhằm đảm bảo an toàn và kéo giảm ùn tắc giao thông.