Ngoài chế tài xử phạt và kêu gọi hành động, cần có thiết bị đo nồng cồn trên ô tô

31/03/2020 10:02 227

Sử dụng rượu bia nhưng vẫn lái xe đang là nỗi lo của toàn thế giới và Việt Nam

Ngoài những chế tài xử phạt ngày một nghiêm khắc hơn, các nhà sản xuất ô tô cũng đang tích hợp những công nghệ để ngăn chặn "ma men" cầm lái...

Mới đây, nhà sản xuất xe hơi Volvo cho biết, sang năm 2020, tất cả các mẫu xe mới sẽ được lắp đặt camera và cảm biến để phát hiện nồng độ cồn của lái xe. Nếu phát hiện, hệ thống sẽ can thiệp để tránh nguy cơ TNGT. 

Công nghệ này sẽ được trang bị trên tất cả các mẫu xe SUV 7 chỗ như SUV XC90; sau đó sẽ tiếp tục trang bị cho những mẫu xe nhỏ hơn. Ông Henrik Green – Phó chủ tịch Nghiên cứu và Phát triển Volvo chia sẻ về cách thức hoạt động của hệ thống này:

“Camera và cảm biến sẽ giám sát chặt chẽ từng hành vi của tài xế để phân tích khả năng say xỉn, có dấu hiệu ngủ gật, sử dụng điện thoại, hành vi đánh lái tránh không thích hợp, hay phản ứng với các tình huống trên đường quá chậm, khi đó công nghệ sẽ tự động can thiệp”.

Các chuyên gia của Volvo giải thích rõ hơn về cơ chế hoạt động của công nghệ phát hiện nồng độ cồn: Hệ thống cảm biến sẽ giám sát chuyển động của cả ô tô và tài xế; đồng thời theo dõi độ co giãn đồng tử và hệ thống cảm biến tích hợp trên vô lăng tính toán khả năng phả ứng của tài xế... để đưa ra những cảnh báo quyết định có can thiệp vào quyền điều khiển xe hay không. 

Nếu phát hiện nồng độ cồn, hệ thống đồng thời gửi cảnh báo tới đến trung tâm hỗ trợ khách hàng và cảnh báo tài xế. Thậm chí, sẽ "tước quyền" kiểm soát nếu tài xế không tiếp nhận và phản hồi cuộc gọi từ trung tâm hỗ trợ; khi đó chiếc xe sẽ tự động giảm tốc độ, dừng lại bên đường. 

Ông Trent Victor – Chuyên gia về hành vi lái xe cho biết, công nghệ này là một phần trong kế hoạch nhằm giảm số người chết hoặc bị thương nặng xuống 0% khi điều khiển xe Volvo.

“Có rất nhiều tai nạn do tài xế say xỉn gây ra và nhiều người vẫn tin rằng mình có thể kiểm soát được xe sau khi uống nhiều rượu bia. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người sẽ không gặp bất cứ chuyện gì khi say rượu”.

Ngoài Volvo, Hiệp hội ATGT Đường bộ, Cơ quản lý đường cao tốc Mỹ và một số nhà sản xuất ô tô khác cũng đang triển khai một dự án tương tự, nhằm phát hiện nồng độ cồn tài xế. 

Theo ông Bud Zaouk - Giám đốc dự án phát hiện nồng độ cồn, hệ thống sẽ: Đo nồng độ cồn từ hơi thở thông qua cảm biến trên vô lăng và đo nồng độ cồn trong máu dưới bề mặt da bằng cảm ứng và máy quét tia hồng ngoại tại nút khởi động. Dự kiến, giai đoạn 2020-2023 sẽ được áp dụng vào thực tế.

Hiện tại Mỹ, sau khi kết thúc án phạt lái xe sau khi uống rượu bia, sẽ phải lắp một thiết bị đo nồng độ cồn trong xe (có chi phí từ 730 – 2.800 USD). Trước khi lên xe phải thổi vào thiết bị để đo nồng độ cồn. Nếu nồng độ cồn vượt mức cho phép, chiếc xe sẽ không khởi động được. 

Tuy nhiên, nhiều người tìm cách qua mặt thiết bị bằng cách nhờ người khác đo nồng độ cồn thay và họ vẫn có thể lái xe như bình thường. Do đó, trong tương lai không xa, khi công nghệ mới vừa nêu được áp dụng vào thực tế sẽ khắc phục được kẽ hở này. 

Theo thống kê, chỉ riêng bang Virginia, từ năm 2012 tới năm 2017 cho thấy, có tới 67% trường hợp sau khi buộc phải gắn thiết bị đo nồng độ cồn trên xe đã không còn tái phạm. Còn theo tạp chí Y học dự phòng, bắt buộc tài xế vi phạm gắn thiết bị này trên xe góp phần giảm 7% số vụ tai nạn chết người. Tại Mỹ, năm 2017, có 10.874 người chết vì tai nạn lái xe sau khi uống rượu bia; gần 30 người tử vong mỗi ngày vì tai nạn có liên quan đến rượu bia.

Liên quan tới lái xe sau khi uống rượu, tại Hà Nội, ngày 12/5 vừa qua, hàng ngàn người tham gia đi bộ hưởng ứng kêu gọi hành động của UBATGT Quốc gia "Đã uống rượu bia - Không lái xe". Trước đó, Thủ tướng có văn bản yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông do rượu bia.  

Còn về phần các tài xế, nhiều người đồng tình và yêu cầu phạt nặng nếu vi phạm nồng độ cồn. Tài xế Phạm Ngọc Vũ, ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho rằng: 

“Gây tai nạn thì phạt tiền là rõ ràng rồi. Còn uống rượu bia dù chưa gây tai nạn nhưng mà đang lưu thông mà bị cơ quan chức năng kiểm tra mà có thái độ không tốt thì phải phạt tù luôn chứ không cần chờ đến gây tai nạn. Khi đã ôm chiếc xe thì tính mạng bao nhiêu người phải có trách nhiệm, bây giờ uống rượu bia dù có một chút cũng vậy. Pháp luật là phải nghiêm minh, chuyện đó là quá rõ ràng”.

Mỗi khi cầm lái là ảnh hưởng đến chính bản thân và những người xung quanh. Vì thế, bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành luật pháp, gia tăng chế tài xử phạt; thì việc tích hợp công nghệ phát hiện nồng độ cồn vào mỗi chiếc ô tô là điều cần thiết để ngăn ngừa TNGT.