Quan tâm bạn đồng hành: Xây dựng văn hóa giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông
Ủy ban Giao thông công cộng Singapore đang triển khai Chương trình quan tâm bạn đồng hành, kêu gọi mọi người giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông.
Singapore xây dựng văn hóa giúp đỡ nhau giữa những người tham gia giao thông
Theo tờ Straits Times, các dự án thúc đẩy văn hóa đi lại mang tính nhân văn đang được triển khai rộng khắp trên quy mô toàn quốc tại Singapore. Ủy ban Giao thông công cộng nước này (PTC) kêu gọi thành lập một Cơ quan điều phối gồm đại diện doanh nghiệp vận tải, các tổ chức phúc lợi thiện nguyện để xây dựng hệ thống giao thông công cộng trở nên thân thiện, gần gũi hơn.
Chương trình sẽ bắt đầu với phong trào “Quan tâm bạn đồng hành”, từng được khởi xướng năm 2017 nhưng trước đó chỉ thực hiện trên quy mô nhỏ.
Ông Richard Magnus, Chủ tịch Ủy ban Giao thông công cộng Singapore chia sẻ: “Phong trào Quan tâm bạn đồng hành cần nhận sự hỗ trợ cần thiết để phát triển và đảm bảo tính bền vững. Vì vậy, chúng tôi đề xuất thành lập Cơ quan điều phối có thể gắn kết mọi thành phần nhằm phát triển phong trào này trong hệ thống giao thông công cộng”.
Theo ông Magnus, Cơ quan điều phối mới sẽ đưa ra quyết định mạnh mẽ hơn nhằm thực hiện những mục tiêu trong Kế hoạch Giao thông đường bộ tầm nhìn 2040, đó là xây dựng mạng lưới giao thông có độ bao phủ rộng và được hỗ trợ bởi văn hóa đi lại ân cần, chu đáo. Ngoài ra, Cơ quan này còn có trách nhiệm đưa ra các sáng kiến thúc đẩy lòng tốt, khuyến khích sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau giữa những người tham gia giao thông.
Ủy ban Giao thông công cộng cho biết, đang làm việc với Phong trào Nhân ái Singapore để đưa hạng mục giải thưởng “Quan tâm bạn đồng hành” vào Sự kiện Giao thông vàng dự kiến tổ chức trong tháng 10 năm nay. Giải thưởng này ghi nhận những tấm gương người tốt, việc tốt của người tham gia giao thông.
Học sinh trường Trung học Chung Cheng hưởng ứng phong trào
Việc xây dựng ý thức hỗ trợ cộng đồng khi tham gia giao thông còn được nhiều trường học tại Singapore hưởng ứng. Mới đây, 1.200 học sinh trường Trung học Chung Cheng đi cùng giáo viên, tình nguyện viên tỏa khắp các trạm xe buýt, tàu điện ngầm ở khu vực Khatib, Yishun, Ang Mo Kio và Yio Chu Kang. Họ tiếp cận, đề nghị giúp đỡ những người già, người khuyết tật gặp khó khăn khi leo cầu thang hay những ai đang mang hành lý nặng.
Trước đó, Ủy ban Giao thông công cộng Singapore cũng phối hợp cùng bệnh viện trung tâm Khoo Teck Puat (Khu tếch Piu-át) xây dựng Chương trình với tên gọi Khu vực trái tim nhằm kêu gọi người tham gia giao thông tạo thuận lợi tối đa cho xe cứu thương hay phương tiện chở bệnh nhân tới bệnh viện.
Ông Chew Kwee Tiang, Giám đốc điều hành bệnh viện cho biết: “Khu vực trái tim được thành lập sẽ tạo thuận lợi và an toàn cho các bệnh nhân, đặc biệt là người già, người ốm yếu hay những người khả năng di chuyển hạn chế. Bệnh viện sẽ phối hợp với Ủy ban giao thông công cộng thực hiện dự án này”.
Hiện các áp phích kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau giữa những người tham gia giao thông đang được cơ quan chức năng Singapore đặt tại nhiều điểm giao thông công cộng. Tuy nhiên, nhà chức trách kỳ vọng, trong tương lai không xa ý thức tự giác và thói quen giúp đỡ người khác sẽ được hình thành mà không cần tới bất kỳ bảng báo nhắc nhở nào.
Văn hóa giao thông là ý thức trách nhiệm với cộng đồng khi tham gia giao thông. Thời gian gần đây rất nhiều tấm gương lái xe cứu người bị nạn, đỡ đẻ trên xe được biểu dương, khen gợi, dư luận cảm kích. Tuy nhiên, cũng không ít những vụ việc mà sự vô cảm đã dẫn tới những hậu quả hết sức thương tâm. Điển hình hôm 17/8 vừa qua, một tài xế taxi do sợ "xui xẻo" đã đuổi sản phụ sắp sinh ở Bình Phước ra khỏi xe khi đang trên đường tới bệnh viện cấp cứu khiến bé sơ sinh sau đó tử vong gây phẫn nộ dư luận.
Dưới góc độ xã hội, đây là hành động nhẫn tâm không thể chấp nhận. Còn theo các chuyên gia pháp lý, trong trường hợp này, tài xế taxi có thể bị khởi tố để điều tra về hành vi Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Khi tham gia giao thông, bên cạnh thực hiện tốt pháp luật để đảm bảo an toàn, việc hỗ trợ giúp đỡ những người xung quanh cũng là cách thể hiện nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.