Nghệ thuật quân sự đặc sắc dưới thời Lê sơ

10/11/2021 15:57 628

Nhà Lê sơ được sử cũ nhắc đến là thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam, đặc biệt dưới thời vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông. Ngay từ khi sơ khai,...

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế và thực hiện nhiều chính sách tích cực nhằm xây dựng đất nước, củng cố tình hình an ninh trật tự, đặc biệt chú ý đến các vấn đề quân sự. Theo TS Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện sử học, nghệ thuật quân sự dưới thời Lê sơ, các chính sách, chế độ đã được phát triển và kiện toàn. Nhà nước nắm độc quyền trong tổ chức lực lượng quân sự. Toàn bộ quân đội trên cả nước được đặt dưới sự thống nhất của triều đình mà đại diện là nhà vua. Dưới thời Lê sơ, các vương hầu, quý tộc không có quyền tổ chức quân đội riêng như dưới thời Trần.

Đặc biệt, nhà Lê sơ luôn nêu cao quan điểm "bách tính giai vi binh” (trăm họ đều là lính). Chính vì vậy, nhà Lê đã triển khai nhiều chính sách, chế độ binh lính. Cụ thể, mỗi nhà 3 người thì một người làm quân, mọi việc phương dịch đều được tha miễn trong 3 năm.

Đến thời Lê Thánh Tông, những quy định này trở thành thể chế: Nhà nào 3 đinh thì một người đồ bổ làm lính tráng, một người bổ hạng quân, một người bổ hạng dân. Nhà nào 4 đinh thì hai người bổ hạng quân, hai người bổ hạng dân. Đối với phép tuyền binh thời này, Phan Huy Chú sau này có nhận xét: Phép tuyển binh thời này rất rõ ràng chu đáo, bấy giờ dân binh ko sót tên trong sổ mà số binh thường là có nhiều vì là kén lựa đúng số.

Nhà Lê sơ cũng đặc biệt chú ý đến các vấn đề biên viễn và vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số, có những chính sách thích hợp, kịp thời để khai thác sức mạnh của nhân dân trong công tác bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

TS Nguyễn Hữu Tâm, Nguyên Giám đốc Thư viện Viện sử học cho biết, trong vấn đề bảo vệ biên cương nổi bật lên đối ngoại khôn khéo và đầy mưu lược trong những lần giải quyết vấn đề biên cương giữa Đại Việt và triều Minh: "Thứ nhất là kết hợp chặt chẽ trước sức mạnh trí tuệ của trung ương với sự quản lý, ứng phó linh hoạt của địa phương nhất là vùng dân tộc thiểu số. Thứ hai là quan hệ giữa trung ương và địa phương là thường xuyên và kịp thời. Các viên thổ thủ ở biên giới phía Bắc đều thường xuyên cập nhật tin tức với nhà vua. Và khi nắm được tin tức thì nhà vua sẽ họp triều thần lại và đưa ra những quyết sách rất hợp lý và kịp thời. Thậm chí cử quân hay các đại thần lên để giải quyết".

Cũng như các triều đại trước, nhà Lê sơ vẫn áp dụng chế độ "ngụ binh ư nông". Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang của thời phong kiến ở nước ta. Bắt đầu vào thời Lý, chính sách này đã được xây dựng và đi vào thực tế. Chế độ này giúp cho người lính vừa đảm bảo công việc ở triều đình nhưng lại vừa cung cấp được lương thực cho địa phương, cho gia đình và cho chính bản thân họ. Việc này đã tạo một không khí phấn khởi trong toàn quân. Vì thế đã có câu: "Đời vua Thái Tổ, Thái Tông, thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buôn ăn". Chứng tỏ chế độ ngụ binh ư nông rất có tác dụng, rất có lợi trong quân dân.

Chế độ "ngụ binh ư nông" dưới thời Lê sơ

Có thể nói, mọi chính sách xây dựng phát triển đất nước của nhà Lê sơ đều đem lại quyền lợi cho nhân dân, đây là điều không phải triều đại phong kiến nào cũng làm được. Do vậy, dưới thời Lê Thánh Tông, Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển thịnh vượng được coi là hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nghe-thuat-quan-su-dac-sac-duoi-thoi-le-so-30590.vov2