Bảo tồn văn hóa ở Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến thời điểm này đã được xây dựng và đi vào hoạt động gần 20 năm, là địa chỉ để mọi người đến tìm hiểu văn hóa...
Tết Gơ rơ - ngày Tết truyền thống của bà con Khơ Mú tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã được phục dựng tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và thu hút sự chú ý của nhiều du khách.
"Đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và được dự lễ mừng năm mới – Tết Gơ rơ của người Khơ Mú thì tôi thấy rất thích thú, cảm nhận được sự linh thiêng. Khi thầy mo cắt tiết gà, bôi máu gà lên đầu gối của những người trong gia đình thì thấy ai nấy cũng hân hoan, kính cẩn, cảm giác những gì của năm cũ xóa đi hết, họ sẽ sẵn sàng chào đón những điều tốt đẹp hơn trong năm mới." - một du khách chia sẻ.
Tái hiện Tết Gơ rơ của người dân tộc Khơ Mú chỉ là một trong nhiều hoạt động của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Nhờ những hoạt động, sự kiện này, văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam được nhiều người biết đến hơn.
Khu bảo tồn tái hiện đời sống sinh hoạt các tộc người trên khắp nước Việt Nam được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ với nhiều thung lũng và hồ nước bao quanh. Địa hình nơi đây rất đa dạng, phong phú với nhiều cảnh quan đẹp phù hợp để du khách tới tham quan và du ngoạn, tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục của các dân tộc anh em.
Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa cho biết: "Các hoạt động giới thiệu, bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của các dân tộc là do chính nghệ nhân là đồng bào các dân tộc tổ chức các hoạt động hàng ngày, các hoạt động sự kiện theo định kỳ. Thông qua những không gian văn hóa được tái hiện đầu tư xây dựng tại Làng và thông qua các phong tục tập quán, lễ hội, tập tụ của các dân tộc được tái hiện, duy trì tổ chức để giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt chúng tôi quan tâm đến thế hệ trẻ, thông qua các hoạt động của làng, truyền tải cho các em những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, qua đó xây dựng lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước…"
Năm 2019, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đón hơn 700 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng khách đến Làng cũng sụt giảm nhiều. Trong năm 2022, bên cạnh việc duy trì những hoạt động tái hiện, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, Làng Văn hóa sẽ tự đổi mới để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, bắt kịp xu thế của thời đại, đặc biệt là với giới trẻ.
"Không chỉ bảo tồn 1 cách đơn thuần các giá trị văn hóa truyền thống, chúng tôi còn tiến tới số hóa toàn bộ giá trị văn hóa của 54 dân tộc. Họ có thể thông qua những thiết bị thông minh, trang web để tiếp cận những giá trị văn hóa. Ví dụ vào làng Dao thì có thể tìm hiểu tộc người Dao như thế nào, nghi thức truyền thống tốt đẹp của dân tộc… Đa dạng hóa hoạt động của các làng, nghệ nhân các dân tộc về tổ chức hoạt động ở Làng Văn hóa." - ông Trịnh Ngọc Chung cho biết.
Trong những năm gần đây, Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ nơi cung cấp cảnh quan tươi đẹp, một môi trường nghỉ ngơi, dã ngoại lý tưởng vào mỗi dịp cuối tuần, nghỉ lễ mà còn là một địa danh yêu thích của những người muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc, văn hóa truyền thống./.
Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/bao-ton-van-hoa-o-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-32420.vov2