Lưu giữ hồn quê qua mành làng Cuông

16/12/2020 14:21 500

Ở thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên có một ngôi làng vẫn giữ được nghề làm mành tre nổi tiếng, đó chính là làng Cuông. Ở đây, mỗi chiế...

Theo các bậc cao niên ở làng Cuông, nghề làm mành tre xuất hiện ở đây từ năm nào thì không ai còn nhớ. Tuy nhiên, nó cũng đã có tuổi đời hàng trăm năm và gắn liền với câu ca “Mành Cuông, chiếu Hới”.

Mành tre làng Cuông luôn có chỗ đứng trong đời sống sinh hoạt của người dân

Những năm 80 của thế kỷ trước chính là “thời kỳ huy hoàng” vì cả làng làm nghề và không khí lao động lúc nào cũng đông vui, náo nhiệt. Từ trẻ nhỏ tới người già không ai là không biết nghề. Thậm chí, người dân ở các thôn lân cận cũng tìm đến để học hỏi.

Đã có thời điểm, mành làng Cuông làm ra đến đâu bán hết đến đó. Sau này, với sự tiến bộ của xã hội, chiếc mành tre dần bị mất đi để thay vào đó là những loại cửa được thiết kế theo kiểu hiện đại nên chỉ còn lác đác một số ngôi nhà hay quán nhỏ ven đường là còn dùng loại mành tre này.

Thế nhưng, gần đây, xu hướng bài trí nhà cửa theo nếp xưa dần được khôi phục và chiếc mành tre lại được ưa chuộng, tạo ra cơ hội để người dân làng Cuông trở lại với nghề.

Công đoạn pha thành nan

Ngày xưa, mành truyền thống làng Cuông toàn bộ làm bằng tre, tuy nhiên, bây giờ đã chuyển sang dùng nứa. Làm mành nứa có một lợi thế là chẻ, vót dễ dàng. Nhưng dù làm mành nứa thì vẫn bắt buộc phải chọn được những thân già thì mới chịu được mưa, nắng lâu dài: “Nứa chở từ trên rừng về, cắt ra từng đoạn ngắn một 2m, 2,5m, 3m chẻ ra thành nan còn phải phơi khô thành phẩm thì mới làm được” - bà Trần Thị Công, một người thợ trong làng chia sẻ.

Nan được phơi khô kiệt trước khi đan

Những nan nứa sau khi chẻ sẽ được phơi khô kiệt, xử lý sạch bụi bẩn, rồi đem đi đan mành. Một tấm mành cần tới hai người, một người đưa nan vào, người kia quăng dây để đan. Đan mành tre không quá mất sức nhưng lại tốn thời gian. Vì thế, với những tấm mành khổ lớn thì một ngày làm được 2 tấm đã là thành công.

Công đoạn đan mành

Giờ đây, nghề làm mành tre ở làng Cuông đã “nguội” đi nhiều, song vẫn còn đó những người quyết tâm gìn giữ, gắn bó, đồng thời không quên truyền nghề cho thế hệ con cháu.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/luu-giu-hon-que-qua-manh-lang-cuong-23578.vov2