Lê Quý Đôn - Người tiên phong khai sáng

04/10/2024 13:30 628

Gần 90 tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế tại Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp” đã làm sáng rõ thêm vai trò c...

Ngày 30/9, tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) cùng UBND tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp”.

Đại biểu tham dự hội thảo tại Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Tham dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, thành viên của Ủy ban UNESCO thế giới; ông Đào Quyền Trưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học…

Đặc biệt, hội thảo còn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học quốc tế đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Áo, Pháp…

Cùng với đó là đại diện dòng họ Lê toàn quốc, họ Lê tỉnh Thái Bình, dòng họ Lê huyện Hưng Hà và gia tộc họ Lê, thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, đại diện dòng họ bên nội, bên ngoại của danh nhân Lê Quý Đôn ở tỉnh Hà Nam, tỉnh Hưng Yên.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế "Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp". Ảnh: Trần Hiếu Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế "Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp". Ảnh: Trần Hiếu

Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp” là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (1726 - 2026), góp phần hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh ông là Danh nhân Văn hóa Thế giới.

Với 88 tham luận thể hiện sự quan tâm của giới học giả trong nước và quốc tế với những ý kiến tâm huyết, khách quan cùng những tư liệu phong phú về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn thêm một lần nữa khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của nhà bác học Lê Quý Đôn đối với nền văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa khu vực và quốc tế.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Trải qua gần một nghìn năm khoa cử dưới thời phong kiến, các làng xã nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình đã có hơn 120 trí thức Nho học thi đỗ đại khoa, với các học vị từ Phó bảng đến Trạng nguyên, trong đó có Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn, người được coi là một biểu tượng ngời sáng về tinh thần, trí tuệ Việt Nam.

Ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt Ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt

“Việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là Danh nhân Văn hóa Thế giới không chỉ là sự tôn vinh những đóng góp của cá nhân ông mà còn khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là niềm tự hào lớn của dân tộc Việt Nam” – ông Phạm Văn Nghiêm nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, trong lịch sử 300 năm qua, tài năng, tầm vóc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được khẳng định và nhận sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài, đồng thời cho thấy sự cần thiết giới thiệu rộng rãi hơn nữa di sản Lê Quý Đôn đến với thế giới.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ảnh: Thế Duyệt PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ảnh: Thế Duyệt

Sinh ra tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Lê Quý Đôn ngay từ nhỏ đã nổi danh Thần đồng, đứng đầu ở cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình và trở thành một trí thức tài năng, không chỉ giỏi trong các lĩnh vực triết học, lịch sử, địa lý và thiên văn mà còn là nhà văn, nhà ngoại giao xuất sắc. Ông là hiện thân của tinh thần học hỏi không ngừng, của sự sáng tạo và trí tuệ.

Lê Quý Đôn đã để lại khối lượng công trình đồ sộ với những tác phẩm có giá trị và được học giả trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Với việc phân chia thành 4 tiểu ban, các tham luận tại hội thảo đã tiếp tục khẳng định những đóng góp to lớn của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở nhiều phương diện: tư tưởng, vǎn hoá, giáo dục và khoa học. Đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Lê Quý Đôn trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS Nina V.Grigoreva, Đại học HSE, St. Petersburg, Liên bang Nga: Nhà bác học Lê Quý Đôn là nhà khai sáng hàng đầu của Việt Nam

PGS.TS Nina V.Grigoreva, Đại học HSE, St. Petersburg, Liên bang Nga nhận định, với những cống hiến và qua những trước tác của nhà bác học Lê Quý Đôn cho thấy ông là nhà khai sáng hàng đầu của Việt Nam.

“Lê Quý Đôn là vị quan, nhà trí thức và nhà bác học lớn thời Lê Trung hưng. Ông sống, hoạt động và sáng tác trong những thập niên giữa thế kỷ XVIII mà trong lịch sử thế giới được gọi là thế kỷ Khai sáng. Ông là người đương thời với những nhân vật văn hóa và khoa học vĩ đại như Montesquieu (Pháp), Voltaire (Pháp), Hume (Anh), Lomonosov (Nga), Rousseau (Thụy Sĩ-Pháp), Diderot (Pháp)...”. Bà Nina V.Grigoreva phân tích.

Còn GS.TS Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản trong tham luận của mình lại có sự so sánh rất thú vị giữa nhà bác học Lê Quý Đôn với nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Nhật Bản thế kỷ XVIII, nhà Quốc học tên là Motoori Norinaga (1730-1801). “Bài nghiên cứu này tôi phân tích nội dung phần “Âm tự” của Vân đài loại ngữ để xem xét nhận thức của Lê Quý Đôn đối với Việt ngữ như là một thứ tiếng khác với các phương ngữ tiếng Hán hoặc tiếng Trung Quốc. Sau đó chúng tôi so sánh với phương pháp nghiên cứu của một nhà Quốc học Nhật Bản là Motoori Norinaga quy ra các điểm chung và khác biệt giữa hai học giả cùng thời ở Việt Nam và Nhật Bản. Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên đã coi ngôn ngữ, văn tự là đối tượng để suy nghĩ, nhận thức, ông là người đề xuất phương pháp nghiên cứu tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử khoa học Việt Nam” .

GS.TS Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản có sự so sánh rất thú vị giữa nhà bác học Lê Quý Đôn với Motoori Norinaga - nhà Quốc học nổi tiếng của Nhật Bản GS.TS Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản có sự so sánh rất thú vị giữa nhà bác học Lê Quý Đôn với Motoori Norinaga - nhà Quốc học nổi tiếng của Nhật Bản

Hội thảo cũng là dịp để tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để lại, nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Thái Bình nói riêng. Qua tấm gương danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học, về sự sáng tạo để giáo dục cho các thế hệ tương lai.

Các đại biểu cùng gia tộc họ Lê tại từ đường họ Lê (thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) Các đại biểu cùng gia tộc họ Lê tại từ đường họ Lê (thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)

Trước đó, vào chiều 29/9, các đại biểu tham dự hội thảo đã về Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và từ đường họ Lê tại thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình làm lễ dâng hương và viếng lăng mộ Hà Quận Công - Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, thân sinh nhà bác học Lê Quý Đôn và tham quan Thư viện tỉnh Thái Bình.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/le-quy-don-nguoi-tien-phong-khai-sang-50265.vov2