Lên Tà Xùa thẩm vị núi rừng với búp trà cổ thụ
Giữa vùng đất mây phủ, sương mờ, nơi phân chia trời - đất, trà cổ thụ Tà Xùa mang hương vị của hoa đồng cỏ nội, của mùi khói bếp đặc trưng và đặc biệt là v...
Nằm ở độ cao hơn 1.500 mét so với mặt nước biển và cách thị trấn Bắc Yên khoảng 14km, xã Tà Xùa, tỉnh Sơn La được ví như một cô gái đẹp đang ngủ say giữa bạt ngàn núi đồi hoang sơ, hùng vĩ. Nơi này luôn xuất hiện mây mù dày đặc với những dải mây cuồn cuộn như cánh sóng ập vào vách núi, tạo nên những “thiên đường mây” đẹp đến mê người.
Nhưng Tà Xùa đâu chỉ có thế. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này một “tài sản” quý báu, đó là khí hậu quanh năm sương mù bao phủ, có độ ẩm cao để phát triển cây sơn tra (táo mèo), đặc biệt là những cây chè cổ thụ để làm ra loại trà shan tuyết nổi tiếng, nằm trong “tứ đại danh trà” cùng với Suối Giàng (Yên Bái), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) và Tân Cương (Thái Nguyên).
Chuyện kể rằng, người Mông ở Tà Xùa nhiều trà nhưng lại không thường hay uống như người Kinh, người Thái. Nhưng có một điều đặc biệt là trong lễ cúng “con ma nhà” thì lại thường cúng bằng ba chén trà thay vì rượu như những nơi khác. Khi được hỏi vì sao lại cúng trà, trong khi thức uống chính là rượu, thì câu trả lời của bà con là: “Con ma nhà không lấy rượu đâu, chỉ lấy trà thôi”.
Khi xưa, cây chè mọc thành rừng ở Tà Xùa và không hề có sự tác động của con người. Chúng cứ mọc tự nhiên giữa mây trời và trở thành những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên những ngọn núi cao.
Chỉ tay vào những vườn chè cổ thụ bạt ngàn, có những gốc lớn cả người ôm, Mùa A Chớ, một thanh niên người Mông tiết lộ: “Vườn chè này mình cũng không biết nguồn gốc của nó như thế nào. Từ lúc mình sinh ra đã thấy những vương chè cổ thụ này rồi...”
Những gốc chè cổ thụ ở Tà Xùa
Tà Xùa có 8 bản, nhưng chỉ có 5 bản trồng chè, mà trong 5 bản này chỉ có hai bản có cây cổ thụ hoang dã, tập trung chủ yếu ở bản Bệ với khoảng 400 đến 500 cây. Những bản còn lại như Chung Chinh, Tà Xùa A, Tà Xùa C cũng có nhưng hầu hết là được trồng từ năm 1968 trở lại đây.
Ông Thào A Hảng, người dân bản Bệ cho biết, một năm ở Tà Xùa có 4 đợt búp, thu hái vào các tháng 2,3 hoặc 8,10. Thời gian thu hái thường là vào sáng sớm những ngày trời mát và nếu có sương mù thì càng tốt vì đó là khoảng thời gian búp chè đang ngậm sương và sẽ cho nguyên liệu ngon nhất để sản xuất trà.
Những búp chè ngon nhất sẽ được thu hái
Trà cổ thụ Tà Xùa có 2 loại, một loại búp vàng và một loại búp trắng. Nhưng theo chị Thào Thị Súng thì loại búp trắng là ngon nhất bởi nó có lớp lông trắng như tuyết và vị đặc biệt của trà nằm ở đó. Vì thế khi hái, người dân thường sẽ ngắt ở bên dưới cọng lá chứ không đụng đến búp. Mỗi lứa trà hái về, dù ít dù nhiều phải bắt tay vào chế biến ngay bất kể ngày đêm.
“Búp chè khi hái về không được để ướt vì như thế chè sẽ đỏ, không ngon. Khi sao xong cũng đừng vội đóng gói, vì như vậy mới giữ được mùi vị...”.
Trà sao bằng chảo gang sẽ giữ được nguyên vẹn hương vị thơm ngon
Ở Tà Xùa, bà con thường sao chè theo 2 cách, một là dùng lồng quay, hai là trực tiếp dùng tay đảo búp chè trên chảo gang đun bếp củi. Tuy nhiên, cách thứ 2 thường được dùng nhiều hơn vì đây là cách truyền thống.
“Sản phẩm tốt hay không phụ thuộc vào bàn tay mình. Chậu gang lúc nào cũng lên đến hơn 100 độ thì mình sao bước đầu là nhiệt độ phải cao, từ bước thứ 2 nhiệt độ giảm dần. Tay của mình trực tiếp sao nên điều tiết được lượng nhiệt từ chảo lên và mình sẽ giữ được nguyên vẹn vị ngon của trà ” - Anh Mùa A Khư tiết lộ bí quyết.
Dùng tay vò nhiều lần để trà nhanh ngấu
Theo nhiều khách thẩm trà, trà Tà Xùa có mùi thơm rất lạ, dùng qua 7, 8 lượt nước sôi mà chẳng chịu nhạt, cứ sóng sánh, vàng ươm như mật ong. Cánh trà Tà Xùa không bện chặt như những loại trà khác, từng búp tách rời nhau, hương vị có mùi ngai ngái của khói bếp, khi pha với nước sôi, mang vị đậm đà thảo mai như cây cỏ, mới đầu có vị chát dịu nhưng ngay sau đó sẽ là vị ngọt thơm, khiến bất cứ ai cũng không thể quên.
Nước trà sánh vàng như mật ong
Giữa bảng lảng sương khói xứ mây mù, thưởng thức ấm trà shan tuyết cổ thụ chính hiệu Tà Xùa, những du khách đường xa sẽ cảm nhận được mùi vị thiên nhiên: mùi núi, mùi đất, mùi gió, mùi sương, mùi khói, mùi mây... và mọi mệt nhọc, xô bồ của cuộc sống sẽ tan biến cả.
Để rồi khi về lại miền xuôi, lòng lại thêm thổn thức, xốn xang, mong sớm có dịp lên non cao thăm trà, gặp gỡ trà và quyến luyến với trà như một kẻ tình si.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/len-ta-xua-tham-vi-nui-rung-voi-bup-tra-co-thu-23772.vov2
Có thể bạn thích
-
Nhìn lại 1 năm đàm phán trắc trở hậu Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu
-
Công nhân xa nhà và hiểm họa từ những lần "bóc bánh trả tiền"
-
Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 phố Downing
-
Tổng thống Pháp Macron: Cải cách hưu trí sẽ được thực thi trước cuối năm 2023
-
Đám cưới mùa dịch Covid-19: Phải làm sao?