"Bảo tàng" Yên Mỹ - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa
"Bảo tàng làng" - mô hình độc đáo của người dân xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, điểm đến hấp dẫn với du khách và ngay cả những người dân địa phương. Nơ...
Trên diện tích 150 mét vuông, "bảo tàng" Yên Mỹ (nhà truyền thống xã Yên Mỹ) trưng bày đủ các tư liệu, hiện vật tái hiện quá trình hình thành, phát triển của Yên Mỹ xưa và nay. Đã có hàng trăm cá nhân đóng góp hơn 300 hiện vật, là những vật dụng gắn bó với cuộc sống, lao động, sản xuất, chiến đấu của người dân.
Khung cảnh "Bảo tàng" Yên Mỹ
Một góc "Bảo tàng"
Quá trình sưu tầm hiện vật cho "bảo tàng" đặc biệt này mất khoảng một năm. Ngoài thông báo trên loa đài, chính quyền xã còn lập ra những đội nhóm đi đến từng gia đình vận động.
Bà Trần Thị Huệ, 68 tuổi, người trông coi "bảo tàng" cho biết, sau khi được vận động, bà con đều nhiệt tình phấn khởi, ai có gì đem ra nấy, mọi người đều mong muốn được góp sức vào việc lưu trữ, để những giá trị được gìn giữ, truyền đời.
"Bảo tàng" hiện lưu giữ nhiều hiện vật có thời gian trên 100 năm tuổi như chiếc chum, chiếc trạn, rồi máy khâu, thuyền, đôi quang gánh… Cũng có hiện vật là những kỷ vật gắn liền với cuộc sống quân ngũ của những người con quê hương Yên Mỹ từng tham gia chiến đấu tại các chiến trường. Nhưng theo bà Huệ, hiện vật đặc biệt nhất đối với người dân Yên Mỹ có lẽ phải kể tới chiếc cối đá xay ngô - vật dụng đã gắn liền với cuộc sống khó khăn của bà con qua các thời kì.
"Đặc biệt của Yên Mỹ là cái cối xay ngô, trước làm gì có gạo, chỉ toàn ăn cơm bột ngô, nhà nào sang mới được ăn với cá kho, gọi là bánh đúc ngô. Cứ nhìn vào lại nhớ, không thể nào quên được".
Bà Trần Thị Huệ người trông coi "bảo tàng" bên cạnh chiếc cối đá xay ngô
Những chiếc chum cổ có tuổi đời trên 100 năm
Những chiếc mâm đồng, mâm gỗ mộc mạc được trưng bày ở một góc trang trọng trong "bảo tàng". Trong số này có chiếc mâm gỗ hình chữ nhật của gia đình cụ Đặng Văn Quế sử dụng trong giỗ, chạp từ thế kỷ 19
Những chiếc mâm đồng, mâm gỗ mộc mạc được trưng bày ở một góc trang trọng trong "bảo tàng". Trong số này có chiếc mâm gỗ hình chữ nhật của gia đình cụ Đặng Văn Quế sử dụng trong giỗ, chạp từ thế kỷ 19
Chiếc Trạn có tuổi đời cả trăm năm
Nơi đây giờ đã trở thành không gian gần gũi và thú vị cho mọi người già, người trẻ trong thôn tới tham quan, tìm hiểu. Chia sẻ về ý nghĩa của "bảo tàng" Yên Mỹ, ông Nguyễn Đình Khuyết – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Mỹ cho biết: "Mục đích của bảo tàng là nhằm tái hiện lại cuộc sống lao động, đấu tranh trong thời kì cách mạng của cha ông ta, để thế hệ trẻ bây giờ hiểu được đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân vùng bãi - những tháng ngày gian khó nhưng cũng đầy tự hào và vô cùng ý nghĩa".
"Tôi là một người dân của Yên Mỹ, tôi rất tự hào cho Yên Mỹ là xây dựng nên một cái nhà truyền thống lưu lại tất cả các đồ dùng từ xa xưa của các cụ để lại, mà bây giờ con cháu vẫn giữ lại được, đấy là một nét đẹp của xã Yên Mỹ" - bà Trương Thị Dung chia sẻ.
Bà Trương Thị Dung (trái) và bà Trần Thị Huệ (phải)
Còn bạn trẻ Lê Kim Phượng, đến từ Mỹ Đình, Hà Nội, thì cho rằng: "Khi đến đây có cảm giác rất cổ xưa, giúp mình hiểu hơn về cuộc sống ông cha mình, rất thú vị".
Một số hình ảnh tại "bảo tàng"
Chiếc thuyền gắn liền với đời sống của bà con Yên Mỹ
Hiện "bảo tàng" vẫn ngày ngày phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu và hưởng thụ văn hóa của người dân. Tuy nhiên, đây mới là sự khởi đầu, "bảo tàng" sẽ tiếp tục được hoàn thiện khu trưng bày ngoài trời, bổ sung tư liệu, hiện vật… góp phần làm tốt công tác giáo dục truyền thống của địa phương.
Nguồn: vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/bao-tang-yen-my-noi-luu-giu-nhung-gia-tri-van-hoa-25616.vov2
Có thể bạn thích
-
Tể tướng, Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài - vị quan mẫu mực triều Lê - Trịnh
-
Thanh toán không tiền mặt trên xe buýt: Xu hướng của tương lai
-
Giờ trái đất 2023: Hình thành “thói quen” tiết kiệm điện trong giới trẻ
-
Nhật Bản: duy trì lãi suất âm - triển vọng giảm lạm phát đạt mục tiêu
-
Những điểm nóng an ninh khu vực nhìn từ Đối thoại Shangri-La 19