Đình Thượng Cát và những dấu ấn văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội
Đình Thượng Cát (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là ngôi đình cổ có từ lâu đời. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa.
Thượng Cát là một ngôi làng cổ, một vùng đất giàu truyền thống, nơi bảo lưu nhiều nét văn hóa đẹp và là một pho tài liệu vô cùng quý giá về lịch sử văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Đình Thượng Cát có từ bao giờ, ngay chính các cụ cao niên ở trong làng cũng không rõ. Chỉ biết rằng thành hoàng làng được thờ trong đình là ba vị tướng dưới thời Hai Bà Trưng là Quách Lãng, Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương. Gắn với đình có một lễ hội với các hoạt động đặc sắc, trong đó phải kể đến lễ rước nước và đua thuyền.
Lễ hội được tổ chức từ mùng 10 đến 12/3 âm lịch hàng năm. Đây chính là dịp để người dân Thượng Cát tưởng nhớ công lao của 3 vị tướng – là những nhân vật quan trọng và có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Đình làng Thượng Cát - nơi thờ tướng quân Quách Lãng, Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương
Năm 1633, đình Thượng Cát được di dời và xây dựng lại ở vị trí hiện nay. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, đình đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Ông Bùi Ngọc Thanh, một người cao tuổi ở làng Thượng Cát cho biết: Sau này do đình có những chỗ xuống cấp và hậu cung bị hỏng nên có khôi phục một phần hậu cung vào năm 1991. Năm 1997 thì sửa chữa một trái của nhà đại đình. Năm 2002 đại trùng tu đại đình và hậu cung... nhưng chỗ nào hỏng thì sửa, thay thế chứ không làm mới.
Đình Thượng Cát được xây dựng bề thế trên một khu đất rộng có vị trí đẹp về phong thủy với hướng Đông nam, trông ra hồ nước rộng. Theo ông Nguyễn Trí Khôi, một vị cao niên trong làng thì đây là thế đất hổ phục rồng chầu, đình được xây dựng trên mình của một con rồng.
Mặc dù đã trùng tu, sửa chữa nhiều lần nhưng kiến trúc của đình Thượng Cát vẫn còn được giữ nguyên vẹn từ thời Lê. Đình có quy mô kiến trúc lớn, bao gồm đại đình, hai dãy tả, hữu vu. Đại đình có quy mô lớn hình chữ nhật dài, làm kiểu 4 mái với các đầu đao uốn cong. Đình lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp nổi “lưỡng long chầu nguyệt”. Tam quan gồm 4 cột trụ biểu xây gạch tạo thành. Cổng giữa đắp đình hổ phù ngậm vành trăng. Bên trong đình vẫn còn hai bộ vì giữa có các mảng trang trí từ thế kỷ 17. Bốn bức cốn được chạm lộng nhiều lớp với các đề tài phượng, long mã, tiễn cưỡi rồng lớn chầu mặt trời…
Sắc phong của các triều đại cho các vị thành hoàng làng Thượng Cát
Đình Thượng Cát không chỉ là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của một ngôi làng cổ mà đây còn là nơi để người dân tưởng nhớ tới các vị thành hoàng làng, những người đã sẵn sàng xả thân để bảo vệ đất nước.
Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, các câu chuyện, giai thoại về thành hoàng làng vẫn được người dân Thượng Cát lưu truyền từ đời này sang đời khác, để các thế hệ trẻ của làng tự hào về truyền thống của cha ông.
Nguồn: vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/dinh-thuong-cat-va-nhung-dau-an-van-hoa-lich-su-thang-long-ha-noi-25702.vov2