Xét tặng giải thưởng văn học nghệ thuật: Cứng nhắc quá hoá bất cập

20/07/2021 09:34 927

Quản lý văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, đừng để những quy định máy móc làm mất đi bản chất tốt đẹp là tôn vinh những tác phẩm xứng đáng.

Cụm tác phẩm phim tài liệu của NSND Trần Văn Thủy gồm: “Những người dân quê tôi”, “Phản bội”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”; và cụm tác phẩm của NSND Đào Trọng Khánh gồm: “Một thế kỷ - một đời người”, “Giọt nước giữa đại dương” đều không đạt đủ 80% số phiếu của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Điều đó có nghĩa là, hồ sơ không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật theo theo quy định tại Nghị định số 133/2018 của Chính phủ.

NSND Đào Trọng Khánh (trái) và NSND Trần Văn Thủy (phải) là 2 cây đại thụ của làng điện ảnh tài liệu nước ta

“Chuyện tử tế” được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của NSND Trần Văn Thủy. Tác phẩm đã giành giải Bồ câu Bạc Liên hoan phim quốc tế Leipzig 1985, được báo chí nước ngoài gọi là “quả bom đến từ Việt Nam”. Trong khi đó, với những tác phẩm như “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Một thế kỷ - một đời người”, “Giọt nước giữa đại dương”, NSND Đào Trọng Khánh đã đem đến luồng sinh khí mới cho thể loại phim tài liệu vốn được coi là khô khan.

Những bất cập bao năm chưa tháo gỡ

NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh đều là những “cây đại thụ” của nền điện ảnh tài liệu Việt Nam. Theo chia sẻ của nhà báo Trần Việt Văn báo Lao động, những nghệ sĩ lớn thường rất kiêu hãnh và không muốn làm đơn theo kiểu xin-cho. Ngoài ra, mỗi kì trao giải có thể lại có những thay đổi khác nhau khiến việc khai hồ sơ là một “cực hình” với các nghệ sĩ.

“Ví dụ như ở kỳ trao giải lần trước, ở hạng mục Lí luận phê bình văn học lại có thể nộp theo 2 hình thức: một là qua Hội Nhà văn VN, hai là qua Bộ Khoa học Công nghệ", nhà báo Việt Văn nói. "Sau đó đến năm nay họ lại qui định là tất cả những tác phẩm đó được gửi lại thì phải có ít nhất 5% cái mới. Cộng với những hạng mục rất phức tạp, vì thế các cụ phải khai rất mất công, thậm chí rất dễ nhầm, chỗ này tóm tắt, chỗ kia lại tiêu chí này kia. Tôi biết nhiều cụ dành hàng tuần lễ để khai vẫn có thể nhầm. Nhiều cụ lại phải nhờ con cháu”.

Nhà báo Việt Văn

Đồng tình với ý kiến của nhà báo Việt Văn, nhà báo Cao Ngọc, Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, nhiều nghệ sĩ lớn có suy nghĩ “nếu xứng đáng thì tự khắc họ được trao chứ cần gì phải đi làm hồ sơ”. Nhà báo Cao Ngọc còn chỉ ra một bất cập nữa, đó là công tác quản lí hồ sơ các tác phẩm ở những hội nghề nghiệp.

“Làm sao để chúng ta có được bộ phận quản lí hồ sơ các nghệ sĩ, đây là một vấn đề vô cùng đau đầu", chị Cao Ngọc chia sẻ. "Ví dụ như một lần tôi làm nghiên cứu, tôi chỉ cần rà danh sách những ai đã được nhà nước cử đi học ở Liên Xô trong một khoảng thời gian nhất định, mà tôi lên từ Bộ cho đến Cục Nghệ thuật Biểu diễn không nơi nào có danh sách đó. Khâu làm hồ sơ của chúng đang rất yếu. Đặc biệt là ngày xưa không phải tất cả các khâu của chúng ta đều được số hóa mà đều lưu trữ thủ công, nhiều hồ sơ đã thất lạc. Cách làm hồ sơ như thế, theo tôi với những người lớn tuổi thì thực sự không đơn giản”.

Một quy định nữa cũng gây nhiều tranh cãi là không được dùng những cụm tác phẩm giống hệt nhau để xét 2 cấp độ giải thưởng. Nghĩa là một nghệ sĩ đã gửi cụm tác phẩm xét giải Nhà nước 5 năm trước, nếu vẫn muốn dùng những tác phẩm đó để xét lên giải cao hơn là Hồ Chí Minh thì “phải có ít nhất 5% yếu tố mới”. Đó là điều không hợp lí bởi với mỗi nghệ sĩ họ chỉ có số lượng giới hạn một vài tác phẩm được xem là “đỉnh cao” gắn với những thời kì “vàng son khi làm nghề”, phù hợp với tiêu chuẩn các giải này. Chưa kể, hầu hết các nghệ sĩ tuổi đều đã cao và không còn làm nghề, thì sao có được “cái gọi là mới”.

“Các nghệ sĩ lớn tuổi của chúng ta hầu hết đã ngừng hoạt động rồi", nhà báo Cao Ngọc cho biết. "Có thể một vài người vẫn làm nghiên cứu hoặc vài người tham gia công tác giảng dạy hay hướng dẫn học trò thôi. Về cơ bản thì người ta đã ngừng sáng tác rồi. Nên tôi nghĩ tiêu chí này là chưa hợp lý”.

Nhà báo Cao Ngọc

Các quy định, tiêu chuẩn đã bất cập, việc phổ biến, cập nhật những qui định đó cho các nghệ sĩ và người nhà trong quá trình làm hồ sơ cũng chưa rõ ràng, khiến nhiều người không hiểu rõ trình tự xét giải. Nhà báo Việt Văn phân tích: “Có những qui định mà không phải ai cũng biết, chẳng hạn như có thể đưa vài tác phẩm xét thẳng lên giải Hồ Chí Minh chứ không cần qua giải Nhà nước".

"Nhưng có nhiều người lại nghĩ rằng cứ phải tuần tự qua Nhà nước rồi mới lên Hồ Chí Minh thành ra là bị hỏng. Như NSND Đào Trọng Khánh có những tác phẩm rất tốt, nhưng khi xét từ giải Nhà nước lên Hồ Chí Minh thì cụ bị ‘đuối’ vì không có yếu tố mới, và không vượt qua được những cái trước”.

Thay đổi như thế nào?

Đề xuất những thay đổi trong cách xét giải thưởng Nhà nước và giải Hồ Chí Minh, nhà báo Cao Ngọc cho rằng, nên chăng Bộ VH-TT&DL hay các hội nghề nghiệp có những bộ phận chuyên theo dõi, bám sát đời sống nghệ thuật, quá trình sáng tác của các nghệ sĩ trong giai đoạn 5 năm giữa 2 kì trao giải, để nếu có tác phẩm xuất sắc thì mời nghệ sĩ đến trao giải luôn.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải có bộ phận chức năng theo dõi hoạt động của các nghệ sĩ, rồi thấy ai xứng đáng thì trao giải chứ không nên bắt các nghệ sĩ phải tự làm hồ sơ, qui trình hóa hay làm nhiều giấy tờ phức tạp. Nhiều nghệ sĩ với lòng tự tôn, cá tính, cảm giác phải đi xin xỏ thì người ta không thích. Như thầy tôi là PGS Tất Thắng, cụ rất dị ứng với các loại hồ sơ rồi phải trình lên, bởi vì những người xét hồ sơ đôi khi lại là học trò của cụ”.

Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017

Nhà báo Việt Văn cũng cho rằng, một bộ phận tập hợp, tuyển chọn và sàng lọc tác phẩm là cần thiết, nhưng nhấn mạnh thêm, bản thân bộ phận đó cần phải làm việc hết sức công tâm: “Ở Việt Nam chúng ta rất hay gặp vấn đề về sự không công tâm. Ví dụ có những tác giả đủ tiêu chí, điều kiện đạt giải Nhà nước nhưng không được vì có những ý kiến bàn ra bàn vào khác nhau; có những ý kiến đúng nhưng cũng có ý kiến hơi thiên kiến cá nhân, thậm chí chê bai mà không nắm rõ hành trình nghệ thuật của người ta. Thế nên vấn đề là hội đồng đó có công tâm không? Nếu công tâm thì tôi nghĩ giải pháp này rất hay, vì tránh được cơ chế xin – cho và thật sự tôn vinh tài năng”.

Đối với các văn nghệ sĩ, giải thưởng không phải là tất cả mà chỉ mốc đánh dấu sự ghi nhận của cơ quan quản lí nhà nước về quá trình làm nghề. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, nếu họ có tác phẩm đủ hay, đủ xuất sắc để tồn tại lâu bền với thời gian, thậm chí khi nghệ sĩ mất đi mà tên tuổi và tác phẩm của họ vẫn được công chúng nhớ tới thì đó mới là phần thưởng cao quí nhất trong đời nghệ sĩ.

Quản lí văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, đừng để những qui định máy móc làm mất đi bản chất tốt đẹp là tôn vinh những tác phẩm xứng đáng. Bởi tìm đúng và tôn vinh tác phẩm có giá trị cũng nói lên chất lượng của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nguồn: vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/xet-tang-giai-thuong-van-hoc-nghe-thuat-cung-nhac-qua-hoa-bat-cap-27554.vov2