Hà Nội sắp đưa 8 tuyến buýt cỡ nhỏ vào hoạt động

09/01/2020 16:16 847

Những tuyến buýt nhỏ được xem là giải pháp khả thi cho vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội trong điều kiện hạ tầng ngày càng chật chội.

Theo đề án phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt của thủ đô, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có tới 25% người dân sử dụng phương tiện xe buýt để đi lại hàng ngày. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đang chú trọng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với phương thức vận tải này song song với việc tăng cường sự kết nối liên thông giữa các loại hình phương tiện, để tăng sức hấp dẫn cho phương tiện vận tải công cộng.

Trong nhiều giải pháp để tăng cường kết nối dịch vụ xe buýt, có thể khẳng định việc phát triển một số tuyến xe buýt gom kết nối giữa các khu vực dân cư, văn phòng, nơi tập trung đông người với các tuyến xe buýt được xem là một giải pháp hoàn toàn khả thi.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và giao thông đô thị Hà Nội, việc hình thành những tuyến buýt nhỏ đang là xu thế hiện nay bởi những tuyến trục đã được các xe buýt lớn “gánh vác” và tương lai do các tuyến đường sắt đảm nhiệm.

“Những tuyến trong tương lai chúng ta sẽ chuyển thành những tuyến buýt gom với những xe có kích thước nhỏ hơn, có điều kiện phù hợp với hạ tầng nhỏ hẹp và có thể đi lại ở những vùng sâu, vùng xa, có thể đón những người dân ở những khu vực mà hiện nay xe buýt chưa thể tiếp cận được. Rõ ràng xu thế hiện nay là những xe buýt nhỏ  và các xe buýt gom đang được hình thành rất tích cực. Các tuyến mới chúng tôi cho rằng cũng sẽ định hướng theo các tuyến buýt này”.

Thực tế cho thấy, việc tiếp cận các điểm dừng, nhà chờ xe buýt của người dân hiện nay còn nhiều bất cập. Tại Hà Nội và nhiều đô thị khác có cấu trúc đô thị theo mô hình vết dầu loang, trong đó tồn tại nhiều khu phố cổ hay có những tuyến phố, đường dân sinh nhỏ, xe buýt 60 chỗ rất khó tiếp cận. Để đi xe buýt, hành khách nhiều khi phải đi 1-2km để đến điểm dừng chờ. Do đó, việc ra đời những tuyến buýt gom cỡ nhỏ sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận của người dân với xe buýt.

Hà Nội sắp đưa 8 tuyến buýt cỡ nhỏ vào hoạt động. Ảnh: Nhân Trần

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất điều chỉnh sức chứa của phương tiện cho 8 tuyến buýt gom cỡ nhỏ nằm trong danh mục tuyến buýt mở mới năm 2019 để tổ chức đấu thầu.

Theo đó, 8 tuyến buýt gom sử dụng phương tiện sức chứa nhỏ (dự kiến từ 17 chỗ ngồi trở xuống như đề xuất ban đầu) sẽ được điều chỉnh thành loại xe có sức chứa từ 17 đến 25 chỗ ngồi. Kích thước của xe buýt nhỏ sẽ phù hợp với hạ tầng nhỏ hẹp của một số tuyến đường có chiều rộng từ 5 – 7m.

Cụ thể, 8 tuyến buýt gom, bao gồm: tuyến Hoàng Cầu - Hoàng Mai (dài 12,1km); tuyến Cầu Giấy - Định Công - Giáp Bát (dài 13,9km); tuyến Bến xe Gia Lâm - Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (dài 30,3km); tuyến Bến xe Yên Nghĩa - xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai (dài 22,65km); tuyến Bến xe Yên Nghĩa - Chúc Sơn - thị trấn Kim Bài (dài 25,25km); tuyến Bến xe Thường Tín - Tế Tiêu (dài 40,65km); tuyến Bến xe Sơn Tây - Cổ Đô - Trung Hà (dài 33,9km); tuyến Long Biên - Cảng Hà Nội - Long Biên (dài 11km).

Theo các chuyên gia giao thông, những tuyến buýt gom sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận phương thức vận tải công cộng, đồng thời làm hoàn thiện, tăng tính kết nối của mạng lưới xe buýt hiện nay, có tác dụng thu gom khách cho tuyến đường sắt đô thị trong tương lai, tạo nên phương thức vận tải đồng bộ, văn minh.

Mặc dù vậy, để việc triển khai các tuyến buýt gom hiệu quả, chuyên gia giao thông, TS Đinh Thị Thanh Bình cũng lưu ý:

“Triển khai những tuyến mini bus quan trọng nhất thì chúng ta lựa chọn được khu vực áp dụng và thiết kế được tuyến. Ở những khu vực xa tuyến buýt nhưng nhu cầu đi lại bằng vận tải công cộng lớn thì việc thiết kế tuyến gom sẽ phục vụ được nhiều người dân. Thứ hai cũng giảm trợ giá và tăng hiệu quả của hệ thống, chứ không phải bất cứ khu vực nào chúng ta cũng triển khai như khu đô thị mới nhưng lại quá ít dân đến sinh sống thì việc triển khai không hiệu quả”.

Được biết, cùng với 8 tuyến buýt gom sử dụng phương tiện sức chứa nhỏ, Sở GTVT Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch đấu thầu ngay trong năm 2019 đối với 9 tuyến buýt sử dụng loại phương tiện có sức chứa 30 chỗ ngồi nhằm kết nối và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân giữa các khu vực thuộc các huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thạch Thất, Ba Vì thị xã Sơn Tây…

Có thể nói, những tuyến buýt nhỏ được xem là giải pháp khả thi cho vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội trong bối cảnh hạ tầng còn nhiều bất cập, cũng như sắp tới đây tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ được đưa vào vận hành. Việc đẩy mạnh các phương tiện công cộng trên các tuyến đường là một trong những phương án mà Hà Nội xây dựng để giảm thiểu phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông.