Thiếu kinh phí sửa đường, gần 400 người thương vong mỗi năm vì ổ gà

30/03/2020 15:38 967

Năm 2019, có gần 400 người tại Anh tử vong hoặc bị thương nặng trong các vụ tai nạn giao thông liên quan đến ổ gà

Một buổi sáng mùa đông năm 2018, Nicole Chahal lái xe trên con đường quê ở hạt Kent, nước Anh. Chiếc xe của Chahal bất ngờ đâm trúng ổ gà rồi bị lật. Người phụ nữ mang thai 34 tuần phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Chahal qua khỏi, nhưng các bác sĩ không cứu được con trai cô.

Tai nạn đáng tiếc của cô Chahal chỉ là một trong gần 400 người tử vong hoặc bị thương nặng trong các vụ tai nạn liên quan đến ổ gà mỗi năm.

Các chuyên gia cho rằng, thời tiết lạnh, ẩm là nguyên nhân khiến mặt đường nhanh xuống cấp. Vào mùa đông, nước mưa ngấm qua khe nứt, sau đó đóng băng rồi gây ra áp lực phá vỡ lớp nhựa đường.

Mặt đường gồ gề, lồi lõm gây ra nhiều hệ lụy. Một nghiên cứu cho thấy, trung bình tài xế tại Anh phải trả từ 30 tới 40 bảng mỗi năm do xe bị nổ lốp, từ 70 tới 100 bảng khi ô tô tránh ổ voi, ổ gà và không may lạc tay lái. Tổng thiệt hại kinh tế liên quan tới chất lượng đường sá lên tới 5 tỷ bảng mỗi năm.   

Ông Mark Morrell, một chuyên gia bảo trì đường bộ chia sẻ: “Chúng ta nên dành nhiều chi phí hơn cho công tác bảo trì, bởi về lâu dài người tham gia giao thông sẽ được hưởng lợi. Việc sửa đường không phải cho cá nhân nào đó mà cho xã hội”

Tuy nhiên, kinh phí là điều khiến giới chức địa phương đau đầu. Theo báo cáo của Cơ quan bảo trì đường bộ Anh, các ổ gà, lồi lõm hiện đang được khắc phục theo cách ‘hỏng đâu sửa đấy’.

Việc chỉ trám vật liệu vào ổ gà không thể khắc phục triệt để vấn đề và chúng lại tái xuất hiện nhanh chóng.

Theo ông Mark Morrell, chi phí trung bình sửa 1 ổ gà hiện nay tốn từ 40-50 bảng. Tuy nhiên, muốn xử lý triệt để cần can thiệp vào cả mảng lớn: “Khi một ổ gà xuất hiện nó báo hiệu khu vực xung quanh đang bị xuống cấp. Nếu sửa chữa khoảng 10 m quanh khu vực đó, chúng ta có thể ngăn chặn các ổ gà xuất hiện trở lại”

Theo thống kê, chi phí cho công tác bảo trì đường bộ 2 năm qua tại Anh gần 2 tỷ bảng, tức chưa đến 1% ngân sách. Cụ thể, năm 2018 có 820 triệu bảng, năm 2019 là 950 triệu bảng.

Theo phân tích của Hiệp hội chính quyền địa phương, kể từ năm 2010 tới nay, quỹ bảo trì đường bộ  bị cắt giảm 400 triệu bảng. Số tiền này có thể sửa chữa được gần 8 triệu ổ gà. Nhưng 60% số tiền nhận từ ngân sách trung ương phải dùng cho các dịch vụ dành cho trẻ em, chăm sóc xã hội cho người trưởng thành và hỗ trợ người vô gia cư.

Bà Lilian Greenwood Chủ tịch Ủy ban Giao thông vận tải Anh cho rằng, chính phủ cấp đủ kinh phí, các địa phương mới đưa ra được chiến lược bảo trì đường bộ lâu dài: "Chính quyền địa phương cần có sự đảm bảo về kinh phí bảo trì đường bộ. Họ cần phải có giải pháp để những con đường đạt trạng thái tốt nhất thay vì chỉ sửa chữa tạm”

Theo các chuyên gia, việc chỉ vá tạm vật liệu vào ổ gà không thể khắc phục triệt để vấn đề

Các chuyên gia cảnh báo, nếu chính phủ không nâng quỹ bảo trì đường bộ, trong thời gian tới số lượng ổ gà có thể tăng tới 16%. Theo đó, sẽ có thêm khoảng 90.000 ổ gà vào năm 2030, điều này gây rủi ro cao hơn cho người tham gia giao thông.

Chính phủ Anh cho biết, đang cấp cho các hội đồng địa phương 6,6 tỷ bảng từ năm 2015-2020 để bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, họ cũng đang thử nghiệm công nghệ mới giúp dự đoán sớm những đoạn đường cần sửa chữa nhằm ngăn chặn ổ gà.

Trở lại câu chuyện của Chahal. Cô hồi phục sau 11 tuần điều trị tại bệnh viện. Điều tra của cảnh sát cho thấy, ổ gà là nguyên nhân tai nạn nạn.

Người phụ nữ mất con sau đó nhờ luật sư khởi kiện, yêu cầu chính quyền phải bồi thường. Các cư dân địa phương cũng kiến nghị chính quyền duy tu lại ngay con đường để tránh những tai nạn thương tâm.

Còn tại Việt Nam, kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm hiện mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Trong khi đó, hệ thống quốc lộ có tới 10.600 km đến kỳ trung tu, đại tu, nhưng không có vốn. Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh dài hơn 500 km, đoạn qua 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa hiện có nhiều đoạn bị hư hỏng, mặt đường bong tróc, xuất hiện ổ voi, ổ gà, gây mất ATGT.

Ông Lê Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II, đơn vị quản lý tuyến đường cho biết, theo quy định, thì 5 năm trung tu 1 lần, 10 năm đại tu 1 lần để thảm lại mặt đường bằng bê tông nhựa. Tuy nhiên, kể từ năm 2004 đến nay, tức là đã hơn 15 năm, tuyến đường chưa được trung tu, đại tu.. Nếu không sửa chữa kịp thời, số tiền bỏ ra phải lớn gấp 3 so với việc được sửa chữa đúng định kỳ.