Thế giới quản lý dịch vụ lái xe thuê, đưa người say về nhà thế nào?
Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông với mức độ nghiêm trọng cao trên toàn thế giới.
Đó chính là lý do khiến các nước tăng cường quy định xử phạt hành vi lái xe trong khi có hơi men. Cũng từ đây các dịch vụ đưa đón, lái xe hộ cho người sử dụng bia rượu nở rộ.
Thế giới quản lý dịch vụ lái xe thuê, đưa người say về nhà thế nào?
Trong một bài phát biểu, khi còn đương chức Tổng thống, ông Bill Clinton lên tiếng về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn rượu bia và cam kết:
“Bộ Giao thông và Bộ Tư pháp sẽ tăng cường những nỗ lực thông qua việc trao quyền cho các bang cũng nhiều hoạt động khuyến khích khác để đưa vào thực thi các luật liên quan tới uống rượu lái xe, đặc biệt là thực hiện các chương trình ngăn chặn lái xe khi đã có hơi men, như chương trình lái xe hộ, đưa người say về nhà và tăng cường luật an toàn đường cao tốc bang”.
Dịch vụ đưa về hay lái xe hộ hiện khá đa dạng. Tại Mỹ, có công ty như Designated Drivers (thành lập năm 1998), The Pear Cares,… cung cấp dịch vụ theo mô hình một đội 2 người: một người lái xe đưa người say về nhà trên chính xe của khách và mộtngười khác đi theo sau.
Với sự phát triển của các phương tiện cá nhân như xe e-scooter, xe điện có thể gập lại… các công ty mới ra đời như NightRiders chỉ cần 1 nhân viên phục vụ 1 khách và dùng xe gập để di chuyển. Nhân viên của họ tới địa điểm đón khách bằng xe gập, đặt xe sau cốp ô tô của khách rồi đưa khách say về nhà.
Nổi bật nhất phải nhắc tới Hàn Quốc. Theo thống kê của Hiệp hội Dịch vụ Lái xe nước này, hiện đang có 100.000 tài xế lái xe thuê phục vụ 700.000 khách/ngày trên toàn quốc. Dịch vụ này hoạt động thông qua ứng dụng trên điện thoại. Người dùng đăng nhập ứng dụng, đặt yêu cầu và trung tâm điều phối sẽ cử lái xe tới phục vụ. Người lái xe thuê sẽ tới địa điểm có xe của khách và lái xe tới địa điểm được yêu cầu, rồi nhận phí từ 10.000 – 30.000 won (tương đương 200 nghìn VNĐ – 600 nghìn VNĐ).
Dịch vụ đưa người say về nhà khá phổ biến ở nước ngoài. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, tính chất dịch vụ khá phức tạp do thường thực hiện vào tối muộn lúc ý thức dân nhậu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chẳng hạn, cách đây 1 năm, tại TP Ulsan, Hàn Quốc, một phụ nữ 37 tuổi thuê lái xe hộ vào lúc 12 giờ đêm nhưng không chịu trả tiền. Khi nhân viên này đứng trước mũi xe để yêu cầu thanh toán, người phụ nữ đã lái xe đâm vào đầu gối nhân viên này nhiều lần.
Tại Canada đang có quy định khá cụ thể về dịch vụ đưa người say hoặc lái hộ xe về nhà như: phải từ 25 tuổi trở lên, hợp tác với một công ty cung cấp dịch vụ được cấp phép, có bằng lái xe hạng G (hạng cao nhất bao gồm cả lý thuyết và thực hành); phải cung cấp Báo cáo Thông tin Tội phạm (hồ sơ tóm tắt nhân thân) và giấy chứng nhận đủ sức khoẻ. Trước khi lái hộ, tài xế có quyền xem giấy đăng ký và bảo hiểm của chiếc xe mà họ sẽ lái hộ
Mặt khác, các công ty cung cấpdịch vụ cũng phải có trách nhiệm giám sát, quản lý và kiểm tra lý lịch tài xế, đảm bảo về sức khoẻ cũng như không sử dụng các chất có cồn hoặc chất kích thích…; cung cấp gói bảo hiểm cho khách trong trường hợp xe bị tổn hại. Thậm chí, các công ty còn lắp đặt thiết bị để giám sát tài xế liên tục trong thời gian thực…
Trong khi đó, một số địa phương như bang California (Mỹ), giới chức, cơ quan quản lý đường cao tốc còn khuyến khích đồng thời phối hợp với các quán bar, nhà hàng… để mở dịch vụ đưa khách say về nhà an toàn những dịp lễ tết.
Trong chương trình “The Forum” do tờ The Huffington Post của Mỹ thực hiện, Chủ nhiệm Khoa Y tế Cộng đồng ông Lulio Frenk cho biết:
“Chiến dịch kêu gọi người dân sử dụng tài xế lái thuê hoặc thuê người đưa về sau khi uống rượu bia đã góp phần giảm thiểu con số thương vong vì TNGT do rượu bia lên tới 25%”.
Còn tại Việt Nam, sau khi Nghị định 100 quy định mức xử phạt tăng nặng đối với hành vi lái xe mà có nồng độ cồn có hiệu lực; một nhóm có tên gọi "Say gọi xế - Xế nhận say" đáp ứng nhu cầu đưa lái xe say cùng xe về nhà xuất hiện trên mạng xã hội. Chi phí cho một lần đưa tài xế cùng ô tô về nhà là 500 nghìn VNĐ còn xe máy là 300 nghìn VNĐ.
Do những hình thức như thế này mới mọc lên nên còn chưa có quy định quản lý và giám sát. GS.TS. Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học GTVT Hà Nội nhận định: Dịch vụ đưa người đã uống rượu bia về nhà là nhu cầu tất yếu, đòi hỏi phải chuẩn hóa là đúng đắn. Đưa người say về nhà có đặc thù rất riêng, vì vậy, phải có độ tin cậy cao, đảm bảo chất lượng. Cần xây dựng tiêu chuẩn cho ô tô và xe máy. Vấn đề lý lịch, độ tin cậy của lái xe thế nào cũng cần đặt ra. Ngoài ra, cần phải có khung giá rõ ràng và được kiểm soát chặt chẽ, công khai tại nhà hàng, quán nhậu, tránh tình trạng bắt chẹt khách, tranh chấp phát sinh.