Giới hạn quyền lái xe của người cao tuổi dựa trên độ tuổi hay sức khỏe?

28/04/2020 10:23 357

Người cao tuổi lái xe gây tai nạn lại trở thành đề tài nóng, khi mới đây, Hoàng thân Philip, 97 tuổi, gây ra vụ tai nạn khiến 2 người bị thương

Ngày 17/1 vừa qua, Hoàng thân Philip đã gây ra một vụ tai nạn xe hơi tại ngã ba đường gần tư dinh Sandringham, Norfolk. Chiếc xe sang của ông va chạm với một xe hơi hiệu Kia đi ngược chiều chở 2 phụ nữ và một em bé 9 tháng tuổi.

Trong khi hoàng thân may mắn không bị thương thì người phụ nữ 28 tuổi lái chiếc xe Kia bị gãy chân; bà Emma Fairweather, 45 tuổi bị gãy cổ tay và phải xin nghỉ việc 2 tháng.

Khoảng 1 tuần sau, bà Emma nhận được thư từ hoàng thân Philip. Trong thư, ông gửi lời xin lỗi cho biết cảm thấy rất tiếc vì gây ra tai nạn; nhưng cũng thở phào vì không có ai bị thương nghiêm trọng.

Cũng trong thư, hoàng thân cho biết nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do ông bị lóa mắt vì ánh sáng mặt trời nên đã không nhìn thấy chiếc xe phía đối diện, dẫn đến chệch tay lái.

Đáng chú ý, chỉ 48 giờ sau vụ tai nạn, truyền thông ghi lại được hình ảnh Hoàng thân Philip lái chiếc xe Land Rover mà không thắt dây an toàn.

Chỉ 48 tiếng đồng hồ sau khi va chạm với xe với người khác, Hoàng thân Philip tiếp tục tự mình lái xe mà không thắt dây an toàn khiến dư luận Anh bất bình - Ảnh: CNN

Vụ việc gây ra cuộc tranh luận, liệu Hoàng thân Philip có quá lớn tuổi để lái xe hay không và cho rằng ông nên từ bỏ quyền lái xe vì an toàn của chính mình và những người khác.

Bà Emma Fairweather, nạn nhân trong vụ tai nạn bày tỏ:

"Tôi hiểu lý do vì sao ông ấy vẫn muốn tiếp tục lái xe khi còn có thể và luật pháp thì cho phép điều này. Đây là điều luật tôi không đồng ý. Chúng ta nên xem xét liệu luật này có phù hợp hay không. Tôi cho rằng không phải tất cả cao tuổi đều không được lái xe, nhưng nên có một số bài kiểm tra”.

Nước Anh hiện không có giới hạn về độ tuổi lái xe mà chỉ yêu cầu những người trên 70 tuổi phải gia hạn bằng lái 3 năm/lần, mà không phải thi lại. Cơ quan Cấp giấy phép phương tiện và người lái cho biết: Đến tháng 11/2018, có 110.790 người trên 90 tuổi đang có bằng lái xe; trong đó có 314 lái xe hơn 100 tuổi và 4 người già nhất đã 107 tuổi.

Theo quy định, các lái xe buộc phải trả lại bằng lái trong trường hợp bác sĩ yêu cầu không được lái xe từ 3 tháng trở lên, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu sức khỏe. Ngoài ra, họ cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về tầm nhìn, như đọc được biển số từ khoảng cách 20 m.

Theo một nguồn tin hoàng gia, hoàng thân Philip hiện vẫn đang có bằng lái và tuân thủ đầy đủ các thủ tục để được cấp bằng. Hoàng thân cũng đã vượt qua bài kiểm tra thị lực của cảnh sát 2 ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra.

Về vấn đề này, ông Ingrid Seward - Tổng biên tập tạp chí Majesty nêu quan điểm:

"Thật khó để bảo một người già phải từ bỏ cuộc sống tự chủ, phụ thuộc vào người khác lái xe. Nhưng tôi nghĩ, với phong cách lái xe nhanh, từng gây tai nạn trước đó nhiều lần; có lẽ chỉ có Nữ hoàng mới có thể ngăn ông ấy dừng lái xe. Vì việc này đã không dừng lại ở phạm vi đặc quyền hoàng gia nữa rồi".

Được biết, vào ngày 9/2 vừa qua, điện Buckingham đưa ra thông cáo: “Sau khi cân nhắc một cách cẩn thận, Quận công xứ Edinburgh đã quyết định giao nộp lại bằng lái xe của mình một cách tự nguyện.” Phía cảnh sát cũng đã xác nhận thông tin trên và cho biết sẽ tuân theo quy trình chuẩn và giao nộp lại bằng lái cho Cơ quan cấp phương tiện và giấy phép lái xe. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng rằng tuổi tác không phải là trở ngại khi tham gia giao thông. Theo ông Edmund King, Chủ tịch Hiệp hội mô tô AA, những lái xe mới mới là những người dễ gây ra tai nạn. Bởi lẽ, lái xe lớn tuổi thường tự hạn chế việc lái xe, họ không lái xe vào ban đêm và chỉ lái xe trên những con đường quen thuộc, điều này giảm đáng kể rủi ro. Ông Edmund cũng dẫn số liệu: Trên thế giới hiện nay, các tài xế trong độ tuổi 17 đến 24 có liên quan đến các vụ tai nạn giao thông nhiều hơn gấp bốn lần so với trên 70 tuổi.

Còn tại Việt Nam hiện không có quy định cụ thể về giới hạn độ tuổi lái xe ô tô. Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trên thực tế, nhiều người cao tuổi vẫn có sức khỏe tốt, kỹ năng lái xe tốt thì không có lý do gì lại “tước” đi quyền tham gia giao thông của họ.

“Có thể nói rằng, sức khỏe về tâm thần quyết định hơn nhiều đến vấn đề an toàn của người lái xe. Bởi vì xe ô tô hiện nay đều có hệ thống cường hóa lái cho nên lái xe rất nhẹ nhàng, không mệt nhọc gì cả. Vì thế mà sức khỏe cơ bắp không quan trọng bằng sức khỏe tâm thần. Những người có tuổi cao một chút nhưng người ta lái xe vẫn tốt, có sức khỏe tốt thì người ta vẫn có điều kiện tham gia giao thông, như thế nó sẽ đảm bảo quyền đi lại của con người cũng như phát triển kinh tế xã hội”.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, quyết định ngừng lái xe nên dựa trên tư vấn của bác sĩ và gia đình, thay vì dựa vào một độ tuổi nhất định.