Bỏ qua "lối đi an toàn", liều mình cắt ngang dòng phương tiện

19/12/2019 15:46 983

Nhiều cầu bộ hành, hầm bộ hành được TP. Hà Nội đầu tư đang rơi vào tình trạng "bỏ hoang" khi người dân bất chấp nguy hiểm, băng qua làn xe cộ để sang đường hàng ngày.

Đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội là tuyến đường được xây dựng hệ thống cầu bộ hành, hầm bộ hành rất đầy đủ. Riêng đoạn từ Ngã Tư Sở đến ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, theo quan sát của phóng viên, có tới 4 cầu bộ hành và một hầm bộ hành. Thế nhưng, trên mặt đường Nguyễn Trãi, vẫn rất nhiều người đi bộ băng cắt qua đường.

"Vô tư" sang đường dù cách cầu bộ hành chỉ vài bước chân

Hiện nay đang là thời điểm các học sinh, sinh viên được nghỉ học, nhưng nhiều người đi bộ ở đây vẫn lựa chọn cho mình lối đi ngắn nhất nhưng ít an toàn nhất: đó là băng qua đường. Lý do mà những người đi bộ ở đây thờ ơ với hầm, cầu bộ hành là gì?

"Nhiều lúc mình cần sang đường nhưng không phải ở chỗ nào mình cần sang đường cũng có cầu vượt hoặc hầm chui, nếu đi bộ đến những điểm đó thì mất thời gian nên mình sẽ băng sang đường luôn".

"Bởi vì cầu vượt cách đây 500 m, nhà em ở trong kia và bến xe buýt thì ngay bên đường nên em đi qua mặt đường cho tiện".

"Nguy hiểm lắm nhưng mình vẫn thích đi nhanh để sang đường cho nhanh tới nơi. Đi xuống kia thì lại đi xuôi xuống các bác cũng ngại nên cứ liều".

Thời gian qua Hà Nội đã đầu tư, xây dựng 46 cây cầu bộ hành và mạng lưới hầm đi bộ là hơn 30 cái để phục vụ cho người đi bộ trong nội đô. Tuy nhiên, dù hệ thống cầu bộ hành hay hầm dành cho người đi bộ được khai thác, duy tu và vệ sinh thường xuyên, được đặt tại các vị trí hợp lý, kết nối với các điểm xe buýt thì người đi bộ vẫn chưa có thói quen sử dụng các lối đi an toàn này dành cho mình.

Sang đường ở bất cứ chỗ nào "tiện"

Hiện nay, mức phạt hành chính dành cho người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, chỉ dừng lại ở mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không đi đúng phần đường quy định, vượt dải phân cách. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là mức phạt quá thấp, lại ít có lực lượng chức năng xử phạt nên tình trạng nhiều người dân đi bộ, bất chấp nguy hiểm để vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Liên quan tới vấn đề này, Tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt-Nhật nêu đóng góp giải pháp để các hầm và cầu bộ hành được người tham gia giao thông ở Thủ đô đón nhận:

“Việc băng qua đường một cách bừa bãi tùy tiện vẫn bị xem nhẹ. Không ai phạt lỗi này. Nếu bị phạt, chắc chắn người ta sẽ phải suy nghĩ khi băng qua đường. Thứ hai, hầm đường bộ có thể khuất khỏi tầm nhìn của người đi đường, cho nên mức độ trị an có thể không cao. Chúng ta cũng phải có trách nhiệm làm hầm đi bộ hấp dẫn hơn, như cho phép người bán hàng nhỏ kinh doanh trong hầm, vừa tạo nơi mua sắm, vừa có người trông coi và quan sát, giúp hạn chế hiện tượng trấn lột, mất an toàn trong đó”.