Các hãng ô tô chuyển sang sản xuất máy thở, vật tư y tế

02/04/2020 09:02 958

Trong bối cảnh hàng loạt nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô bị đóng cửa do sự bùng phát của dịch Covid-19

Hiệp hội Hồi sức Cấp cứu Mỹ ước tính sẽ có đến 960.000 bệnh nhân COVID-19 cần trợ giúp từ máy thở, trong khi hiện tại chỉ có khoảng 200.000 chiếc.

Bác sĩ Cara Christ, Giám đốc Văn phòng Dịch vụ y tế Arizona, Mỹ bày tỏ lo ngại: “Chúng ta phải luôn nghĩ đến những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra và cần chuẩn bị đầy đủ vật tư mà chúng ta sẽ cần đến”.

Máy thở là thiết bị quan trọng hỗ trợ điều trị, cứu mạng sống các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, dịch Covid 19 cũng đã khiến hàng loạt nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô phải đóng cửa.

Tại hai thị trường ô tô lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, doanh số sụt giảm nghiêm trọng trong tháng 2/2020. Cụ thể, tại Mỹ, lượng xe bán ra giảm 20%, trong khi tại Trung Quốc mức sụt giảm lên tới 80% so với cùng kì năm ngoái.

Thị trường châu Âu cũng vậy, các nhà kinh tế nhận định doanh số xe tại các nước có tốc độ lây nhiễm Covid 19 mạnh sẽ giảm tới 50% trong tháng 3 này, trong đó doanh số của Italia có thể giảm sâu tới 80 – 90%.

Trước thực tế này, chính phủ các nước kêu gọi các nhà sản xuất ô tô tạm chuyển sang sản xuất các thiết bị y tế.

Như nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên vận dụng Luật sản xuất quốc phòng (DPA) nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp tư nhân các mặt hàng thiết yếu trong thời kỳ khủng hoảng; yêu cầu sự hỗ trợ của Tập đoàn General Motors, Ford cùng các nhà máy sản xuất ô tô.

Giáo sư Erik Gordon – Đại học Kinh doanh Michigan – cho hay: “Một số nhà sản xuất ô tô có thể thay đổi một vài kế hoạch của họ sang sản xuất máy thở. Họ có khả năng sản xuất quy mô lớn, có kinh nghiệm về máy móc thiết bị. Tuy nhiên, vấn đề là các thành phần thiết bị y tế rất khác với phụ tùng ô tô. Câu hỏi đặt ra, họ có kịp chuyển đổi để sản xuất đáp ứng nhu cầu về máy thở không, trước khi dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát”

Được biết, Giám đốc điều hành hãng sản xuất ô tô General Motors - bà Mary Barra có cuộc gặp gỡ và nói chuyện với Nhà Trắng về vấn đề này.

General Motors đang hợp tác với hãng Ventec Life Systems để sản xuất các thiết bị trợ thở, trong đó có máy thở, tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ở bang Indiana. Ventec sẽ dựa vào sản xuất, hậu cần và mua sắm của GM để giúp sản xuất nhiều máy thở nhanh hơn.

Hãng xe Ford cũng cho biết, sẵn sàng giúp bằng mọi cách, bao gồm cả việc sản xuất máy thở và các thiết bị y tế cần thiết khác. Ford đã có các thảo luận sơ bộ với chính quyền và xem xét tính khả thi.

Ông Jim Hackett – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ford nói: “Chúng tôi hướng đến mục tiêu phối hợp với Công ty chăm sóc sức khỏe GE Healthcare để mở rộng việc sản xuất máy thở, quy mô có thể lên tới hàng chục nghìn đơn vị, và sẽ gia tăng tiếp tục từ nay đến tháng Sáu”.

Các nhà máy công nghệ cao của ngành công nghiệp ô tô có nhiều thuận lợi để chế tạo trang thiết bị y tế.

Trong khi đó, chính phủ Đức yêu cầu các nhà sản xuất ô tô cân nhắc sản xuất các thiết bị y tế như máy thở và khẩu trang để giúp ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19.

Hiện, Tập đoàn ô tô Volkswagen đang nghiên cứu khả năng in 3D để sản xuất máy thở cho bệnh viện và các thiết bị cứu sinh khác. Trong khi đó, tập đoàn Daimler đang đàm phán với một số đối tác để cùng chung tay với Chính phủ.

Mới nhất nhất, Bentley - một trong những nhà sản xuất ô tô cuối cùng tại Anh tuyên bố tạm dừng xuất để hỗ trợ sản xuất máy thở trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gia tăng.

Tại Ý, hãng siêu xe thể thao danh tiếng Ferrari cũng đang đàm phán với Siare Engineering, nhà sản xuất máy thở lớn nhất của nước này để tăng cường sản xuất thiết bị y tế.

Theo một số chuyên gia, thì các nhà sản xuất ô tô có máy in 3D và đội ngũ kỹ thuật lành nghề nhờ vậy có thể chế tạo các bộ phận của máy thở. “Phòng sạch” trong một số nhà máy có thể được nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn Y tế và bộ quần áo Tyvek được sử dụng trong các cửa hàng sơn cũng có thể được tái sử dụng.

Còn theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam doanh số trong 2 tháng đầu năm giảm 26,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 32.000 xe.

Mới đây, chỉ sau hơn hai tháng công bố nâng cấp nhà máy, Ford Motor đã chính thức thông báo tạm dừng sản xuất tại Hải Dương kể từ ngày 26/3/2020 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước sau một tuần tạm dừng sản xuất đến nay đã bắt đầu trở lại hoạt động lắp ráp, vì nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc đã được nhập về trở lại. Tuy nhiên, do hiện nay nhu cầu mua xe của khách hàng sụt giảm nên việc bán hàng gặp nhiều khó khăn.