Thiếu cơ quan chuyên trách, ô nhiễm không khí vẫn là việc “cha chung”

16/09/2019 10:28 314

Vì có nhiều số liệu về ô nhiễm không khí được công bố bởi các tổ chức khác nhau, trong khi có nhiều cơ quan, đơn vị cùng quản lý .

Thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý ô nhiễm không khí ở cấp trung ương và địa phương liệu có cải thiện được tình hình hiện nay?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Những biến cố về ô nhiễm không khí tại các đô thị dường như vô hình nhưng lại tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và người già, hay những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời. 

Trong khi đó, có nhiều cơ quan, đơn vị cùng được giao quản lý các nguồn phát thải gây ô nhiễm khác nhau, tuy nhiên sự phối hợp giữa các cơ quan này còn nhiều bất cập, hiệu quả quản lý chưa cao. Thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý ô nhiễm không khí ở cấp trung ương và địa phương liệu có cải thiện được tình hình hiện nay? 

Hiện nay, người dân ngày càng quan tâm hơn đến các chỉ số ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, có nhiều số liệu về ô nhiễm không khí được công bố bởi các tổ chức khác nhau, trong khi có nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia quản lý nguồn phát thải ô nhiễm không khí nên nhiều người dân không tránh khỏi băn khoăn: 

“Ô nhiễm không khí khá là phức tạp, nó rộng hơn. Ví dụ liên quan đến nguồn thải di động như giao thông chẳng hạn, hiện nay toàn bộ Bộ phận đăng kiểm đang quản lý. Liên quan đến ô nhiễm không khí thì chắc phải có một thời gian nhưng sự tăng cường phối hợp rõ ràng cần thiết”.

“Hiện tại chưa có cơ quan, bộ phận nào đứng ra quản lí chuyên về mảng ô nhiễm không khí như thế này. Nên em nghĩ nên bố trí thêm một bộ phận nào đó chuyên quản lí về ô nhiễm không khí tại vì đây là vấn đề hết sức bức thiết và ảnh hưởng đến rất nhiều người”.

“Hiện tại thì chị cũng chưa nhận được bất kể thông tin cảnh báo nào từ các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm. Chị cũng chưa biết là khi biết những thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường thì phải phản ánh với cơ quan nào”.

PGS TS Nguyễn Thế Chinh- Viện trưởng Viện chất lượng chính sách Tài Nguyên môi trường cho biết, Bộ Tài Nguyên môi trường là đơn vị được giao quản lý về các vấn đề môi trường, là cơ quan trưc tiếp xây dựng những cơ chế, chính sách về quản lý môi trường. 

Tuy nhiên, đối với vấn đề quản lý  thực thi lại thuộc vào vấn đề kỹ thuật và địa bàn trực tiếp, ví dụ như Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan đến khí phát thải phương tiện, đăng kiểm; ngành xây dựng quản lý các nội dung liên quan đến vấn đề bụi của các công trình xây dựng…

Hiện nay, ở Việt Nam mới có cơ quan đầu mối về quản lý môi trường, chưa có cơ quan chuyên trách quản lý về môi trường, PGS TS Phạm Thế Chinh nhấn mạnh: 

“Đầu mối quản lý chung dựa trên nguyên tắc của chính sách ban hành từ hiến pháp cho đến văn bản của ngành dọc giữa Bộ, Sở và các cơ quan quản lý môi trường. Tôi cho rằng một đầu mối chung thì chính là các sở quản lý chung”.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay công tác kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng chưa được thực thi hiệu quả là do thiếu sự quyết tâm và có nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý ô nhiễm không khí. TS Hoàng Dương Tùng- Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường nêu quan điểm:  

“Tôi nghĩ rằng hiện nay có rất nhiều cơ quan chịu trách nhiệm quản lý khí thải. Ví dụ như giao thông vận tải là nguồn gây bụi rất nhiều, quản lý do ngành giao thông và Sở GTVT. Các bên liên quan nhưng chúng ta chưa có sự phối hợp tốt”.

Bà Đỗ Vân Nguyệt- Giám đốc Chương trình không khí Sạch Live and learn cho rằng, ngoài việc Việt Nam chưa có một cơ quan chuyên trách về quản lý ô nhiễm không khí thì hiện nay nguồn nhân lực phụ trách về lĩnh vực này hiện đang rất thiếu, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong thời gian tới, theo bà Nguyệt, bên cạnh việc hoàn thiện về các hệ thống quy định pháp luật, các chính sách liên quan, cũng cần đầu tư vào con người và thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý về ô nhiễm không khí có những cơ chế phối hợp khẩn cấp các ngành khác nhau trong những trường hợp xảy ra những sự cố về ô nhiễm không khí. Bà Nguyệt đề xuất:

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, Hà Nội cũng như các thành phố có khu công nghiệp thì nên có bộ phận chuyê trách về ô nhiễm không khí, hiểu về chuyên môn, những vấn đề quan trắc và những mô hình để đo đạc xem chất lượng ô nhiễm không khí có xu hướng khác nhau ra sao, xác định được các nguồn và đưa ra những thông tin, những chính sách về mặt quyết định, quy định để đưa ra những ứng xử phù hợp .Cái này cần có sự quản lý khoa học dựa trên số liệu, dữ liệu và phối hợp liên ngành  giữa cơ quan môi trường và cơ quan khác nữa”.

Bà Nguyệt dẫn chứng kinh nghiệm của Thái Lan có một cơ quan chuyên trách chuyên nghiên cứu, thường xuyên đo đạc và công bố thông tin cho người dân. Vào đầu năm 2019, khi chỉ số ô nhiễm ở mức báo động, cơ quan này có cơ chế yêu cầu các bên liên quan thực hiện các biện pháp khẩn cấp như yêu cầu đóng cửa các trường học, một số cửa ngõ giao thông và hàng trăm các nhà máy để cải thiện tình hình. Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu Cơ quan Tạo mưa Hoàng gia và Hàng không Nông nghiệp Thái Lan sử dụng máy bay tạo mưa nhân tạo để giảm ô nhiễm.

Trong khi đó, tại Đức, việc phân cấp cho từng cơ quan quản lý riêng lẻ theo từng nguồn phát thải ô nhiễm cũng được thực hiện. Tuy nhiên, các đô thị vẫn có một cơ quan quản lý chung về ô nhiễm không khí, cơ quan này chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống quan trắc cung cấp các chỉ số ô nhiễm theo thời gian thực, không bên nào có thể can thiệp tác động vào kết quả quan trắc, không ai điều chỉnh máy đó. 

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí. Nhưng, cho đến nay thì các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí mới chỉ dừng ở mức độ quyết tâm, hô khẩu hiệu

Thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý về ô nhiễm không khí chỉ  phát huy hiệu quả nếu có những quy định, chính sách cụ thể và kế hoạch hành động rõ ràng. 

“Quản lý chất lượng không khí bằng khẩu lệnh” (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOVGT)

Để trả lời câu hỏi: Cơ quan nào quản lý chất lượng không khí hiện nay? – Câu trả lời theo hình dung của đại đa số công chúng sẽ là “Bộ Tài nguyên môi trường”. Song đó là một câu trả lời sai.

Bởi, Bộ Tài nguyên – Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường, trong đó có môi trường không khí, song nhiệm vụ kiểm soát chất lượng đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị lại là Bộ Giao thông vận tải. Sự tréo nghoe này thực ra khá dễ hiểu khi mà vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt nam, mặc dù khá nghiêm trọng, nhưng chưa thực sự được quan tâm một cách đúng mức.

Vì vậy mà trách nhiệm quản lý đối với lĩnh vực ô nhiễm không khí được giao theo cách đối phó một cách tức thời. Nghĩa là khi ô nhiễm không khí ở đô thị đang được nhìn nhận với nguyên nhân chính là khí thải của các phương tiện giao thông vận tải nên giao Bộ giao thông vận tải quản lý cho tiện.

Chính vì lý do đó, việc quản lý ô nhiễm không khí đang được thực hiện không hiệu quả. Bởi Bộ giao thông vận tải không có đủ nhân sự có chuyên môn về ô nhiễm không khí, và trên thực tế, nguồn khí thải phương tiện không phải nguyên nhân duy nhất tác động tới không khí.

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí. Nhưng, cho đến nay thì các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí mới chỉ dừng ở mức độ quyết tâm, hô khẩu hiệu.

Thậm chí, trong luật môi trường dù đã có hẳn một chương về bảo vệ môi trường không khí, nhưng mới chỉ dừng lại ở các định hướng, chưa có quy định cụ thể, chưa có luật riêng về quản lý chất lượng không khí, chưa có bất cứ một chương trình quốc gia, một kế hoạch hành động nào về kiểm soát ô nhiễm không khí.

Chính vì lý do đó, cho dù có thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý chất lượng không khí thì cơ quan này cũng dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi không có một công cụ pháp lý cụ thể nào để cơ quan này áp dụng để kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Bởi vậy, trước khi thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý ô nhiễm không khí, cần có một chương trình hành động quốc gia về vấn đề này.

Chương trình hành động quốc gia về quản lý ô nhiễm không khí có nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến chất lượng không khí; xây dựng chính sách và pháp luật cụ thể, rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp để kiểm soát ô nhiễm không khí với các mục tiêu và lộ trình rõ ràng trong việc giảm các chất gây ô nhiễm không khí. 

Từ đó kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong công tác quản lý môi trường không khí, tránh chồng chéo; xây dựng các quy chế phối hợp về quản lý chất lượng không khí, cơ chế công bố thông tin; kế hoạch quản lý môi trường không khí; tăng cường chế tài xử phạt… 

Tiếp đó, đẩy mạnh hoạt động kiểm kê nguồn thải, quan trắc và kiểm soát môi trường không khí đô thị, khu công nghiệp; tăng cường xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc môi trường không khí; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại cho trạm quan trắc không khí.

Ở cấp địa phương, cần thành lập bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường không khí tại đơn vị quản lý nhà nước về môi trường của địa phương.

Khi chưa có một chương trình hành động quốc gia để thúc đẩy luật hóa công tác quản lý chất lượng môi trường không khí, mọi cuộc vận động như giảm phát thải, xanh hóa, hay sử dụng năng lượng tái tạo... vẫn sẽ chỉ là những khẩu hiệu và hiệu quả thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi về ý thức của người dân.