Triệt nạn móc túi trên xe buýt, nhà chờ: Không nên vô cảm
Vì sao các đối tượng móc túi, trộm tài sản vẫn tái phạm dù nhiều lần bị bắt giữ? Thậm chí ngang nhiên móc túi, đe dọa, đánh người.
Nạn trộm cắp, móc túi tại nơi công cộng như bến xe, xe buýt… luôn là nỗi ám ảnh dai dẳng của người dân. Thế nhưng thời gian gần đây, hành vi phạm tội này ngày càng hoạt động có tổ chức, táo bạo và lộng hành, gây mất an ninh trật tự, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Dù bị móc túi, trộm tài sản nhưng nhân viên nhà xe, người chứng kiến, thậm chí chính nạn nhân cũng im lặng, không dám tố giác, vì bị đe dọa, sợ bị trả thù, ảnh hưởng đến công việc…
Đó là lý do khiến các đối tượng, băng nhóm móc túi càng trở nên lộng hành và táo tợn.
“Coi báo đài thấy tình trạng móc túi, cướp giật hàng ngày mà cụ thể ở những bến xe đông người, bến xe buýt cũng vậy nữa. Móc túi đi thành băng nhóm, móc xong rồi chuyền cho đồng bọn nên đâu bắt được đâu. Bảo vệ biết thì cũng làm ngơ vì sợ đụng chạm tới, nhiều người chứng kiến cũng đâu dám dự vô”.
“Tại vì nếu như tôi nói, hai ba ngày sau biết ông đó là ông xe ôm nó quay lại. Nói tóm lại là người ta không bảo vệ người lương thiện, trong khi đó tội phạm bắt vào vài bữa cũng thả ra”.
“Cái việc lộng hành do tình trạng xử lý chưa tốt. Với một phần là do người dân thờ ơ nên không dám tố cáo. Tôi thấy cơ quan chức năng nên xử lý tốt hơn vấn đề này. Bên cạnh đó người dân nên nâng cao ý thức tố giác khi mà gặp những tình trạng này để hạn chế tình trạng móc túi”.
Từ đầu năm đến nay, TPHCM bắt hàng loạt các băng nhóm móc túi, cướp giật trên xe buýt. Điều đáng nói, các nhóm đối tượng này đã từng bị xử lý và bắt giữ nhiều lần vì hành vi trên. Như vụ việc dàn cảnh móc túi, trộm tài sản tại khu vực trạm chờ xe buýt Suối Tiên mới đây của băng nhóm gồm 5 người do Quách Chính Nhân ngụ tại Huyện Hóc Môn cầm đầu.
Đối tượng này được cho là quen mặt và từng bị bắt giữ trước đó vài tháng. Băng nhóm hoạt động tinh vi, có sự phân công rõ ràng từ người trực tiếp móc túi, giữ tài sản, cảnh giới, tiêu thụ và chia tiền. Thậm chí, nhóm này hành động táo tợn, sẵn sàng đánh đập, đe dọa khi nạn nhân hoặc nhân chứng phản kháng.
Sau vụ việc, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn.
“Tôi đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nghiên cứu triển khai lắp đặt các camera có khả năng nhận diện khuôn mặt ở các khu vực trạm dừng, chờ xe buýt phức tạp để giám sát và cung cấp cho cơ quan công an làm cơ sở để xử lý tình trạng các băng nhóm, đối tượng móc túi hành khách khi đi lại bằng xe buýt. Đồng thời Trung tâm phải tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, công an TP để làm nghiêm”.
Theo bà NguyễnThụy Oanh Vũ - đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng TPHCM, thời gian qua, công tác tuyên truyền cho người dân và lái xe cảnh giác, đối phó với hành vi móc túi vẫn được thực hiện thường xuyên.
“Trung tâm thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp vận tải trong công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự thông qua việc: Triển khai dán thông tin số điện thoại đường dây nóng trên xe buýt; Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thường xuyên phát khẩu hiệu nhắc nhở hành khách giữ gìn tài sản trên xe buýt; Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt các kỹ năng nhận biết về phương thức, thủ đoạn, cách nhận dạng đối tượng phạm tội và cách xử lý các tình huống để tăng khả năng phòng ngừa, tố giác cũng như phối hợp trấn áp tội phạm trên xe buýt”.
Không riêng xe buýt, các khu vực nhà ga, bến xe cũng là địa bàn dễ hoạt động của các nhóm tội phạm; đặc biệt vào thời điểm cuối năm, lễ tết tình hình này càng phức tạp. Ông Nguyễn Minh Tiến – Trưởng phòng điều hành bến xe Miền Tây cho biết:
“Nói chung công tác an ninh trật tự tại bến xe miền tây, đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự để đảm bảo cho hành khách đến bến được an toàn tuyệt đối thì bến xe cũng thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh về vấn đề an ninh trật tự, cũng như trộm cắp, móc túi. Song song đó thì lực lượng an ninh bảo vệ cho hành khách lên xe, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Những dịp lễ tết thì bến xe luôn luôn phối hợp với lực lượng địa phương, đặc biệt là công an phường, dân phòng, thanh tra giao thông để hỗ trợ công tác an ninh trật tự”.
Dù đã có nhiều giải pháp thế nhưng nạn móc túi, trộm tài sản vẫn tái diễn. Để ngăn chặn, đòi hỏi chính quyền và cả cộng đồng cần quyết liệt hơn với các hành vi phạm tội từ chế tài xử phạt, công tác tuần tra xử lý, tuyên truyền, giáo dục của cơ quan chức năng, cũng như hành động tố giác kịp thời trong nhân dân.
Người dân nên nâng cao ý thức cảnh giác với các loại tội phạm, tinh thần cộng đồng giúp đỡ mọi người khi gặp nạn
Vì sao các đối tượng móc túi, trộm tài sản vẫn tái phạm dù nhiều lần bị bắt giữ? Thậm chí ngang nhiên móc túi, đe dọa, đánh người. Liệu các giải pháp xử lý thời gian qua của cơ quan chức năng đã đủ mạnh tay?
Không phải tự dưng người dân ngại đi xe buýt hay đến những nơi công cộng, nơi đông người. Vấn nạn móc túi, trộm cắp luôn là nỗi ám ảnh, đặc biệt là ở thành phố lớn, có kinh tế phát triển thì vấn nạn này lại càng rõ rệt và phổ biến. Do số nhiều nhập cư, sinh sống làm việc nơi đây rất lớn, sẽ phát sinh nhiều tệ nạn xã hội nếu công tác quản lý của các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ.
Trong khi, mặt trái của sự phát triển mạng thông tin xã hội, các tổ chức tội phạm ngày càng biến tướng và hoạt động tinh vi, rất khó để phát hiện và xử lý. Chưa kể các đối tượng hoạt động theo nhóm và thậm chí có dấu hiệu của sự “bảo kê, tiếp tay” nên hành vi càng táo tợn, thách thức người dân và cơ quan chức năng. Ngay cả chế tài xử phạt đối với hành vi này cũng quá nhẹ, các đối tượng lại “ngựa quen đường cũ”, thay vì tìm kiếm công việc đàng hoàng.
Công tác tuần tra xử lý của lực lượng chức năng cũng thiếu thường xuyên và sâu sát, ra quân theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” nên khi xảy ra vụ việc các nạn nhân không được hỗ trợ kịp thời, bị các đối tượng đe dọa, thậm chí đánh đập nguy hiểm tính mạng. Vì thế, nạn nhân, nhân chứng đều im lặng khi gặp nạn, dẫn đến các vụ việc không được tố giác và báo cáo đầy đủ, khiến vấn nạn cứ tiếp diễn.
Thế nên, việc thường xuyên tăng cường rà soát, ra quân xử lý, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn của cơ quan chức năng là rất cần thiết, để ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu và hành vi phạm tội. Nạn nhân cũng được hỗ trợ đúng lúc, hoàn trả được tài sản. Có chính sách khen thưởng, động viên, bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng cho cá nhân, tổ chức chủ động tố giác hành vi phạm pháp. Quyết liệt nói không với hành vi “tiếp tay cho tội phạm”. Khi đó người dân sẽ tin tưởng, cùng nhà nước đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân tại những nơi công cộng, nơi đông người như bệnh viện, bến xe, điểm chờ xe bus,… và đặc biệt là không chen lấn, không bắt xe và xuống xe dọc đường, tránh tình trạng kẻ gian mồi chài đi xe để thực hiện hành vi móc túi. Kêu gọi sức mạnh toàn dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong lĩnh vực tội phạm hình sự cho cán bộ, lực lượng an ninh; ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống camera, kỹ thuật nhận dạng… nhằm phát hiện, ngăn chặn có nhóm tội phạm tinh vi ngày nay.
Một phần những đối tượng này thường có gia cảnh bất hảo, thiếu giáo dục của gia đình từ nhỏ, tính cách nhiều tật xấu, gia cảnh nghèo khó, học ít, không có công việc làm. Do vậy, cơ quan chức năng ngoài biện pháp xử lý hành chính, hình sự, cũng cần giáo dục văn hóa đạo đức, tạo công ăn việc làm và thường xuyên theo dõi để xem xét hành vi của đối tượng trong thời gian dài để ngăn tái phạm.
Người dân cũng nên nâng cao ý thức cảnh giác với các loại tội phạm, tinh thần cộng đồng giúp đỡ mọi người khi gặp nạn./.